Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc - Phó Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ông Hà Thanh Quốc nói:
Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra trên khắp cả nước. Trong thời gian qua, công tác chuẩn bị của tỉnh khá chu đáo, từ việc xây dựng phương án tổ chức điểm thi, tập huấn phần mềm quản lý, hội nghị công tác thi đến việc phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh về việc chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi.
Giám thị phát giấy làm bài cho thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: X.PHÚ |
Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh
Ông có thể nói rõ hơn về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh hiện nay?
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, có thể nói Quảng Nam đã sẵn sàng cho kỳ thi. Năm nay, toàn tỉnh có 52 điểm thi với hơn 17.600 thí sinh (TS) dự thi. Với tinh thần tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả TS dự thi, tỉnh đã bố trí điểm thi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngay tại trường THPT mà học sinh đang học, giúp TS đi lại dễ dàng. Đối với 9 huyện miền núi, bên cạnh việc bố trí điểm thi tại các trường THPT ở địa phương, chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, học sinh còn được tổ chức nuôi ăn ở tại trường để học phụ đạo, bổ sung kiến thức trong dịp hè.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra từ 25 đến 27.6. Các TS sẽ làm 3 bài thi độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc khoa học xã hội (Địa, Sử, Giáo dục công dân đối với TS THPT và Địa, Sử đối với TS giáo dục thường xuyên). Năm nay, Quảng Nam có tổng cộng 17.635 TS dự thi, trong đó có 3.610 TS chỉ thi để xét tốt nghiệp; 777 trường hợp chỉ thi tuyển sinh đại học; vừa thi tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học có 13.248 TS. |
Chúng tôi cũng phối hợp, kết hợp với các trường đại học trong công tác tổ chức, bố trí cán bộ làm công tác coi thi hợp lý để kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng. Đồng thời phối hợp với các địa phương, nhất là ở miền núi, tạo điều kiện cho kỳ thi, giúp TS đảm bảo điều kiện ăn ở trong những ngày thi. Năm nay, điểm mới nữa là các trường THPT đồng bằng cũng có sự chia sẻ, giúp đỡ trường miền núi trong công tác ôn tập, hỗ trợ dụng cụ học tập theo chủ trương của ngành. Sở cũng đã kịp thời chỉ đạo các trường, học sinh chủ động, có sự chuẩn bị trước đối với việc thay đổi nội dung đề thi năm nay khi có khoảng 20% là chương trình lớp 11. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho kỳ thi trong 3 năm gần đây đã được tập trung triển khai thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo. Tất nhiên, vẫn còn một số khó khăn, song không lớn, không ảnh hưởng đến công tác tổ chức kỳ thi.
Bên cạnh các trường THPT, năm nay cũng có một số trường THCS được sử dụng làm điểm thi. Vậy có khó khăn gì không, thưa ông?
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Năm nay ngoài các trường THPT còn có một số điểm thi là trường THCS. Tuy nhiên, chỉ khác là mượn cơ sở thôi chứ còn toàn bộ công tác chuẩn bị được tiến hành nghiêm túc, thậm chí Sở GD-ĐT còn lưu tâm hơn đối với các điểm thi này. Ví dụ, sở yêu cầu trường THCS cử lãnh đạo trường tham gia làm phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất, các trường THPT có TS thi tăng cường phối hợp với trường THCS để chuẩn bị cho kỳ thi. Cạnh đó, chỉ đạo đoàn thanh tra kiểm tra trước các điểm thi này để kịp thời bổ sung cơ sở vật chất còn thiếu như máy photocopy, máy phát điện… Có thể nói, tất cả điểm thi trường THCS đều được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chất lượng.
Chủ động phòng ngừa sự cố
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo kỳ thi trước đây, một số trường đại học cho biết không đủ số lượng cán bộ, giảng viên để làm công tác coi thi như quy định. Ông có thể cho biết, việc này hiện đã giải quyết ra sao?
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là các trường đại học phải đảm bảo đủ số lượng theo quy định, và 6 trường đại học phối hợp với Quảng Nam tổ chức kỳ thi hiện nay đều đáp ứng yêu cầu. Sở cũng sẽ phân công cán bộ làm công tác coi thi hợp lý trên cơ sở hoàn cảnh của từng người cũng như chỉ đạo cho các trường THPT, nhất là các trường ở miền núi, tổ chức đưa đón, hướng dẫn tận tình cán bộ coi thi của các trường đại học về nơi ăn ở, đi lại.
Để phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra, ngành có giải pháp gì và ông có lời khuyên nào dành cho cán bộ làm công tác coi thi, các TS tại kỳ thi sắp tới?
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc: Bên cạnh quan tâm đến công tác tập huấn nghiệp vụ thi kỹ lưỡng, chất lượng, chúng tôi cũng nhắn nhủ tất cả cán bộ làm công tác coi thi phải nắm vững nội quy, quy chế thi để vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình, vừa hỗ trợ, giúp đỡ TS dự thi. Năm nay nhìn chung kỳ thi vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, có một số điểm mới cần chú ý như thời gian chuyển tiếp giữa 2 môn thi chỉ còn 10 phút nên giám thị cần nhắc nhở TS lưu ý. Hay các TS đã đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi đủ 2 bài thi, nếu bỏ một trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trong thi trắc nghiệm, TS phải chú ý đến việc tô mã đề, số báo danh, đây là hình thức thi không mới nhưng vẫn có một số trường hợp làm sai. Lịch của từng buổi thi, giờ thi cũng phải nắm rõ vì có TS thi chỉ xét tốt nghiệp, có em thi đại học, có em vừa tốt nghiệp vừa đại học. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến sức khỏe của con em, sắp xếp lịch học bài, ăn nghỉ hợp lý để các em làm bài thi có chất lượng.
Để phòng ngừa những sự cố, ngành GD-ĐT đã chủ động phòng bị. Chẳng hạn tại 2 kỳ thi và chấm thi tuyển sinh chuyên và phổ thông dân tộc nội trú tỉnh vừa qua, sở chỉ đạo cán bộ coi thi, chấm thi đi tay không, để điện thoại di động, túi xách ở ngoài khu vực thi. Nếu phát hiện giám thị, giám khảo nào để điện thoại trong người là vi phạm và xử lý kỷ luật. Kỳ thi THPT sắp tới, tiếp tục quy định chặt chẽ như thế sẽ giúp tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như sự cố tại kỳ thi tuyển sinh 10 của Hà Nội vừa qua.
Xin cám ơn ông!
XUÂN PHÚ (thực hiện)