Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 kéo dài từ ngày 1.4 đến 20.4. Sau đó, thí sinh không được thay đổi các thông tin về bài thi hoặc môn thi đã đăng ký. Tuy nhiên, đến nay một số thí sinh vẫn còn khá lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường.
Băn khoăn chọn ngành, chọn trường
Nhiều thí sinh rất băn khoăn khi chọn ngành xét tuyển cũng như cách đăng ký nguyện vọng, nhất là khi kỳ thi THPT quốc gia năm nay và quy chế tuyển sinh có nhiều thay đổi. Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT có chủ trương không giới hạn nguyện vọng vào các trường và ngành khi đăng ký xét tuyển nhằm tạo điều kiện cho thí sinh được chọn ngành học phù hợp với sở trường. Như vậy, cơ hội trúng tuyển của thí sinh có khả năng tăng lên. Tuy nhiên, chọn thi ngành nào để phù hợp với năng lực, sở thích và ra trường dễ xin được việc làm… là mối quan tâm lo lắng của hầu hết gia đình có thí sinh tham dự kỳ thi.
Học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: DIỆU CHÂU |
Phụ huynh và thí sinh, nhất là thí sinh ở khu vực miền núi lại có quá ít thông tin liên quan đến hướng nghiệp. Chị Nguyễn Thị Phượng, phụ huynh học sinh lớp 12A4 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, bản thân chị cũng lúng túng, không biết định hướng cho con chọn ngành nào để vừa phù hợp với khả năng của con, lại vừa có cơ hội xin được việc làm sau này. Còn chị Phan Thu Nguyệt, phụ huynh Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, con chị học giỏi các môn tự nhiên. Chị muốn cho con chọn học ngành y tại Trường Đại học Y dược Huế nhưng con chị lại thích học ngành ngân hàng. “Theo thông tin trên báo, đài và các trang mạng xã hội, nhân lực ngành ngân hàng gần như đã bão hòa; trong khi đó, học ngành y nếu tốt nghiệp loại giỏi, ra trường sẽ dễ tìm việc làm và có nhiều ưu đãi nhưng con tôi lại không thích. Vả lại, năm trước, điểm xét tuyển của Trường Đại học y Huế khá cao nên tôi đành chiều theo ý con với mong muốn con mình sẽ phát huy được sở trường” - chị Nguyệt bày tỏ.
Khó định hướng vì thiếu thông tin
Để tránh sai sót khi thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển vào đại học hệ chính quy, cao đẳng, nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Những nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ bị loại vì phần mềm không chấp nhận. Để đảm bảo đăng ký xét tuyển chính xác, tránh sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, Bộ GD&ĐT lưu ý các thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế thi, quy chế tuyển sinh, các văn bản hướng dẫn liên quan và đặc biệt cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký trong Đề án tuyển sinh của từng trường đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và tại Cổng thông tin Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (địa chỉ thituyensinh.vn). Đối với thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các ngành cao đẳng ngoài sư phạm sẽ không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT mà thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và quy định cụ thể của từng trường. |
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phụ huynh cho biết họ quan tâm đến việc chọn nộp hồ sơ xét tuyển những ngành an toàn (có khả năng đậu đại học cao) mà nhu cầu xã hội đang cần hoặc những ngành không lo “đầu ra” như công an, quân đội… Trong khi đó, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng để vào đời, nhiều học sinh vẫn chưa xác định được mình sẽ chọn học trường nào, ngành gì nên chọn ngành nghề theo lời khuyên của cha mẹ hoặc theo cảm tính. Một học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, em chọn ngành theo lời khuyên của ba mẹ vì dù học chuyên nhưng em cũng chưa biết rõ khả năng nổi trội của bản thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh tìm hiểu kỹ ngành học và đeo đuổi đam mê của mình. Nguyễn Tiểu Giang, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) chia sẻ, mẹ em thích học ngành sư phạm theo nghề của mẹ nhưng em thích học ngành quản trị kinh doanh vì cảm thấy khả năng hợp với ngành này nên quyết tâm theo đuổi.
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở một huyện miền núi cho biết, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng có ít thông tin và kinh nghiệm hướng nghiệp cho học sinh. Mặt khác, tài liệu hướng nghiệp hiện nay khá lạc hậu và chậm được cập nhật so với tình hình thực tế nên khó thể có được thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác để tư vấn cho học sinh. “Chính vì vậy, chúng tôi khó định hướng cho học sinh nên chỉ có thể khuyên các em cần nhận biết rõ năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân và gia đình; đồng thời tìm hiểu thêm thông tin trên các phương tiện truyền thông, từ các anh chị đi trước để nắm rõ hơn ngành mình sẽ học hoặc muốn học để lựa chọn phù hợp”. Nhân đây, xin nói thêm, công tác hướng nghiệp, cung cấp thông tin việc làm được xem là có ảnh hưởng đến việc chọn trường, chọn ngành và tương lai của học sinh sau này lại ít được chú trọng trong trường THPT. Trong khi đó, chương trình tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng lại “nở rộ” càng khiến thí sinh lúng túng trước ngưỡng cửa vào đời…
CHÂU NỮ - DIỆU HIỀN