Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Quan tâm những điểm mới

CHÂU NỮ 10/12/2018 03:05

Hai điểm mới nổi bật trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được quan tâm nhiều nhất là đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, nhưng có cả kiến thức lớp 10, 11 và tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Học sinh trao đổi bài làm sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.          Ảnh C.N
Học sinh trao đổi bài làm sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh C.N

Đề minh họa: nhẹ nhàng

Đề thi minh họa các môn thi THPT quốc gia năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Tuy chương trình lớp 10 và 11 chỉ chiếm ít, khoảng 10 - 20% nhưng vẫn khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh lo lắng. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, nhiều học sinh, giáo viên nhận xét, mặc dù đề minh họa một số môn bao gồm cả kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 nhưng đề thi khá nhẹ nhàng. Em Phạm Thị Hồng Mỹ, học sinh lớp 12/1 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét, đề minh họa năm nay có phần dễ hơn so với năm 2018, nhưng Hồng Mỹ cũng khá lo bởi vì có thêm một phần kiến thức lớp 10 và 11. “Đề minh họa môn Vật lý không có kiến thức lớp 10 nhưng môn Toán lại có, nên tôi băn khoăn, không biết đề thi chính thức tất cả môn có nằm trong chương trình lớp 10 hay không. Mà dù kiến thức lớp 10 chiếm tỷ lệ thấp thì học sinh cũng phải học rất vất vả vì không biết đề thi nằm ở phần nào” - Hồng Mỹ nói.

Với môn Ngữ văn, theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đề minh họa phần làm văn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12; phần đọc hiểu và nghị luận xã hội là kiến thức tổng hợp như những năm trước. “Phần nghị luận văn học không có kiến thức lớp 10 và 11. Đề minh họa môn Ngữ văn phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp, còn nếu làm căn cứ xét tuyển thì tương đối “nhẹ” - cô Diệu Hiền nói. Tương tự, thầy Lê Viết Hà - giáo viên bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đề minh họa môn Tiếng Anh năm nay khá nhẹ nhàng, chủ yếu trong chương trình lớp 12 nhưng thay đổi cấu trúc đề (giảm 2 câu đọc hiểu và tăng 2 câu ngữ pháp) so với đề năm 2018.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh D.H
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh D.H

Thầy Tô Phú Quốc - giáo viên bộ môn Toán Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ nhận xét, đề minh họa môn Toán dễ hơn so với năm 2018 và khá hợp lý để đảm bảo ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.  Đề Toán chủ yếu trong chương trình lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 10% và không có câu hỏi trực tiếp nằm trong chương trình kiến thức lớp 10, mà chỉ vận dụng kiến thức lớp 10 để giải những câu của chương trình 11 và 12. Đề minh họa môn Toán bảo đảm 4 mức độ: nhận biết (chiếm 30% câu hỏi), thông hiểu (20%), vận dụng thấp (30%) và vận dụng cao (20%).

Tăng tỷ lệ kết quả thi: lo ngại

Năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Dự kiến điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích. Tỷ lệ tương ứng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là 50% - 50%. Đây cũng chính là điều mà giáo viên, học sinh băn khoăn, lo ngại. Em Phạm Thị Hồng Mỹ cho rằng, điểm xét tốt nghiệp tính như năm 2019 sẽ gây khó khăn hơn cho học sinh, mặc dù Hồng Mỹ khá tự tin về điểm trung bình môn nhưng vẫn phải lo nắm chắc kiến thức cơ bản môn Hóa, Sinh để thi đạt điểm cao, thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào những môn thi đại học (Hồng Mỹ dự định thi Toán, Lý, Ngoại ngữ). Mặt khác, nếu đề thi dễ như đề minh họa, đòi hỏi học sinh phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa; vì dễ, đồng nghĩa với việc điểm xét tuyển đại học sẽ cao hơn. Ngược lại, em Nguyễn Minh Thư - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho rằng, cách tính điểm như dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá đúng thực lực của thí sinh, tuy nhiên, thí sinh khó đỗ tốt nghiệp hơn, nhất là những bạn có học lực yếu, nên buộc học sinh phải cố gắng.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, với cách tính điểm như năm 2019, học sinh có lực yếu dễ rớt tốt nghiệp, dù đề minh họa năm nay cho thấy đã có sự phân hóa học sinh trung bình, khá, giỏi. Vấn đề quan trọng là toàn ngành phải tập trung dạy học và ôn luyện thật kỹ, vì điểm thi chiếm tỷ lệ lớn, quyết định đến chuyện đỗ tốt nghiệp của học sinh. Ông Quốc cho biết, trong các đợt kiểm tra định kỳ tới đây, ngành tổ chức thật nghiêm túc để đánh giá đúng thực lực của học sinh. Từ đó, có kế hoạch ôn tập phù hợp, nhất là đối với học sinh trung bình, học sinh yếu ở địa bàn miền núi, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản để có thể làm được những câu hỏi mức độ trung bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Sở GD-ĐT xem đợt kiểm tra học kỳ 1 tới đây như là cuộc thi thử; và sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều lần thi thử nữa để vừa kiểm tra kiến thức của học sinh, vừa giúp các em có cơ hội làm quen, tương tác với đề thi, đề kiểm tra, cách làm bài thi và có thêm kỹ năng làm bài. “Để học sinh đạt kết quả tốt tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, quan trọng nhất vẫn là khâu dạy học và sự nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá thực lực học sinh” - ông Hà Thanh Quốc nói.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Quan tâm những điểm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO