Kỳ thi THPT quốc gia: Vào chặng "nước rút"

CHÂU NỮ - LÊ HIỀN 06/04/2015 09:18

Chỉ còn gần 3 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước kỳ thi THPT quốc gia. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã và đang  tích cực tổ chức ôn luyện để học sinh đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi này.

  • Tư vấn đăng ký hồ sơ
  • Bộ GD-ĐT thông báo đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia
  • Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Những điểm cần lưu ý
  • Những điểm mới của kỳ thi THPT năm 2015

Vì đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên giáo viên, phụ huynh và học sinh có phần bỡ ngỡ. Riêng giáo viên ở Quảng Nam còn có thêm một nỗi lo lắng, bởi năm nay cũng là năm thi của lứa học sinh đầu tiên được xét tuyển vào lớp 10 theo phân tuyến (cách đây 3 năm - không qua hình thức thi tuyển như các năm trước đó), nên nhiều khả năng chất lượng học tập thấp hơn mặt bằng chung cả nước.

Trường trường ôn thi

Những ngày này, về Trường THPT Nguyễn Trãi (Hội An), các câu chuyện xoay quanh kỳ thi THPT quốc gia trở thành đề tài mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên và học sinh lớp 12. Thầy Đoàn Tấn Lộc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: “Để đáp ứng kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng này, trường chúng tôi đã thành lập hội đồng tư vấn kỳ thi tuyển sinh. Theo đó, trường tư vấn và tổ chức giảng dạy cho học sinh theo hướng tiếp cận với yêu cầu đề thi; đồng thời tổ chức phụ đạo mỗi tuần 2 tiết để đảm bảo kiến thức cho các em tham gia kỳ thi tới”. Còn tại Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc), ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; phụ đạo bắt buộc đối với học sinh trung bình, yếu 6 môn cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, Văn). Theo kế hoạch vừa được xây dựng, nhà trường sẽ tích cực tổ chức ôn tập tất cả 8 môn thi (có thêm Lịch sử và Địa lý) trong thời gian 5 tuần, kể từ ngày 20.5. Đây được xem là chặng “nước rút”, nhưng do thiếu phòng học nên trường sắp xếp tổ chức dạy - học vào ban đêm. Tương tự, “lo” cho học sinh của trường mình, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) tăng tiết dạy đối với học sinh lớp 12 có nhu cầu thi đại học, cao đẳng. Đối với học sinh yếu, nhà trường tổ chức phụ đạo giúp các em củng cố kiến thức. Thời gian không còn nhiều, trường tổ chức bồi dưỡng học sinh khá giỏi và phụ đạo học sinh yếu cả buổi chiều và ban đêm…

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), nội dung của đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi đặt ra yêu cầu ở 2 mức độ cơ bản và nâng cao, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi các môn khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở. Về hình thức, đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: phần đọc hiểu và phần làm văn; trong đó, tỷ lệ điểm dành cho phần đọc hiểu chiếm khoảng 30% tổng số điểm. Đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần: phần viết và phần trắc nghiệm; trong đó, tỷ lệ điểm dành cho phần viết chiếm khoảng 20% tổng số điểm.

Về phía học sinh, bạn Nguyễn Thị Thanh Thủy - học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, cách đây 2 năm đã dự định thi khối A nên tập trung ôn 3 môn Toán, Lý, Hóa. Năm nay ôn thêm 2 môn Tiếng Anh và Văn để đạt điểm tốt nghiệp. “Mấy năm gần đây, Toán, Văn, Ngoại ngữ đã là 3 môn thi bắt buộc nên tôi thấy việc học cũng không quá nặng. Những bạn thi khối A như mình vẫn dành nhiều thời gian cho 3 môn Toán, Lý, Hóa hơn các môn khác” - Thanh Thủy nói. Còn Thu Giang - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) chia sẻ, đã có dự định thi khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) nên kỳ thi năm nay chỉ cần ôn thêm một môn, không đến nỗi quá vất vả. Nhưng dù sao đây cũng là kỳ thi khác với mọi năm nên bản thân cũng như bạn bè vẫn có phần lo lắng.

Băn khoăn với đề thi minh họa

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, ngày 31.3, Bộ GD-ĐT đã giới thiệu các đề thi minh họa, kèm theo đáp án trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ “http://moet.gov.vn” để giáo viên và học sinh tham khảo. Qua các đề thi này, học sinh sẽ hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để ôn tập.

Đến nay, nhiều trường THPT ở Quảng Nam đã giới thiệu đề thi minh họa để học sinh biết và tham khảo. Lãnh đạo Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đối với học sinh trung bình, để đạt được điểm 5 như đề minh họa là tương đối khó, với học sinh yếu càng quá khó để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, những năm học trước, đề thi thử (đề minh họa) thường khó hơn đề thi thực tế khoảng 20%. Chia sẻ ý kiến này, thầy Phan Tấn Hành - giáo viên Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc) cho rằng, với đề thi minh họa như thế này, riêng môn Lịch sử, học sinh khó có thể đạt được điểm 5. Trong khi đó, một giáo viên dạy Văn ở Tam Kỳ nhận xét, đề minh họa môn Văn không quá khó nhưng lạ. Cô nói: “Với đề thi như thế này, học sinh cần có kiến thức xã hội tốt, học thêm ngoài sách giáo khoa mới có thể làm đạt. Phần lý thuyết học sinh cũng khó đạt điểm tuyệt đối. Chẳng hạn, đề có câu “nêu ít nhất 2 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng của mình trong khoảng 5 - 7 dòng” với số điểm chỉ 0,25 thì học sinh sẽ dễ bỏ qua câu này. Nếu đề thi chính thức tương tự với đề minh họa sẽ khó khăn cho học sinh và giám khảo cũng khó chấm điểm theo ba-rem”. Việc Bộ GD-ĐT chậm thông báo cấu trúc đề thi môn ngoại ngữ (có phần thi viết và trắc nghiệm) cũng khiến nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ và học sinh lo lắng vì những năm trước, môn Ngoại ngữ chỉ thi trắc nghiệm. Sau khi tham khảo đề thi minh họa, một học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) chia sẻ, với sức học trung bình, chỉ mong là mình đủ điểm tốt nghiệp.

CHÂU NỮ - LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ thi THPT quốc gia: Vào chặng "nước rút"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO