Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Cộng đồng trách nhiệm

XUÂN PHÚ 08/06/2020 03:43

Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có nhiều điểm mới đòi hỏi trách nhiệm toàn diện không chỉ của địa phương mà còn các bộ, ngành Trung ương, trong đó vai trò trung tâm của Bộ GD-ĐT.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ảnh: X.P
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ảnh: X.P

Tăng cường thanh tra, giám sát

Theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh, điểm mới của kỳ thi năm nay là các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Các trường đại học chỉ tham gia ở khâu thanh tra, giám sát kỳ thi. Cạnh đó, lần đầu tiên thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và học tập cấp THPT của thí sinh. Nêu lại những tiêu cực vừa qua, ông Trinh lưu ý việc lựa chọn cán bộ tham gia các khâu sao in, coi thi, chấm thi rất quan trọng, quyết định đến sự thành công, ngăn ngừa gian lận, tiêu cực. Trong đó, cần quan tâm hơn đến khâu chấm thi trắc nghiệm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong 2 ngày 9 và 10.8. Thí sinh dự thi làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) hoặc Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Các địa phương tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi từ 15 đến 30.6, trả giấy báo thi cho thí sinh chậm nhất 1.8. Ngày công bố kết quả thi 27.8.

Một điểm mới đáng chú ý nữa, đó là bên cạnh các đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT, lần đầu tiên Thanh tra tỉnh sẽ tham gia với tư cách các đoàn thanh tra độc lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ.

Giải đáp băn khoăn của một số địa phương về tình trạng chồng chéo, “giẫm chân nhau” giữa các đoàn thanh tra khi thực thi nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi điểm thi dự kiến có 3 cán bộ thanh tra Bộ GD-ĐT cắm chốt.

“Sắp tới sẽ có hướng dẫn phân rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của các đoàn thanh tra, nội dung nào thanh tra, nội dung nào kiểm tra để không chồng chéo, không vi phạm luật, với mục tiêu không có khoảng trống trong các khâu tổ chức kỳ thi” - ông Thưởng nói.

Trách nhiệm của địa phương

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành trên cả nước về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngay từ 26.5 tỉnh đã họp về công tác chuẩn bị thi, các phương án bố trí cơ sở vật chất, giám thị, công tác an ninh.

Theo ông Quốc, các khâu liên quan đến kỳ thi đều quan trọng, song đề thi quan trọng nhất bởi qua đó đánh giá chất lượng giáo dục địa phương, đảm bảo sự phân hóa để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Khâu vận chuyển đề thi, bài thi nhất là với các địa phương địa bàn rộng, huyện miền núi cũng cần quan tâm. Đề nghị đẩy nhanh phúc khảo để sớm có kết quả cho thí sinh tham gia xét tuyển đại học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, với việc chịu trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung kỳ thi, với sự tham gia của các ngành chức năng chứ không khoán trắng cho Sở GD-ĐT. Ban chỉ đạo thi tỉnh phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, từng thành viên phải có kế hoạch cụ thể chứ không phải chỉ đứng tên trong danh sách.

Nhấn mạnh đến công tác thanh tra vì đây là năm đầu tiên có sự tham gia của Thanh tra tỉnh nhằm ngăn ngừa sai sót trong tất cả các khâu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói đây là kỳ thi không đơn thuần chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT mà kết quả thi còn dùng tuyển sinh đại học. Đây cũng là căn cứ để chính quyền đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương mình so với mặt bằng chung của cả nước. Kỳ thi năm nay diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc học tập. Thời gian không còn nhiều, đề nghị các địa phương tập trung dạy và học, kết thúc năm học theo đúng kế hoạch và tăng cường ôn tập, phụ đạo cho học sinh.

Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, giao địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi không có nghĩa giao hết cho các địa phương, mà trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành Trung ương trong công tác tổ chức, thực hiện, kiểm tra, giám sát là rất lớn.

“Bộ có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi, xây dựng quy chế, tập huấn nghiệp vụ, ra đề thi, cung cấp phần mềm, tổ chức thanh tra các khâu. Khâu chuẩn bị rất quan trọng và thanh tra cả khâu chuẩn bị để sớm phát hiện sai sót, đảm bảo quy trình. Đồng thời tăng cường tập huấn công tác thi để nắm rõ quy trình, từng khâu, tránh tình trạng nhiều người không được tập huấn, hoặc không nắm rõ dẫn đến thực hiện lúng túng, sai quy định” - ông Nhạ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Cộng đồng trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO