Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã cho công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh tỏ ra bất ngờ, băn khoăn với những điểm mới của dự thảo này.
Một tiết thực hành môn Hóa học ở Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên).Ảnh: C.NỮ |
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có hơn 9 tháng chuẩn bị để thích nghi với phương án tuyển sinh mới là quá ít. Nếu có thay đổi, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình phù hợp và công bố trước khi thực hiện 2 - 3 năm để nhà trường, phụ huynh và học sinh có sự chuẩn bị. Một phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) tâm sự: “Việc học tập, thi cử, chọn khối, chọn ngành của học sinh thường được gia đình, nhà trường và bản thân các em định hướng, quyết định từ năm lớp 10. Vậy mà mỗi năm Bộ GD-ĐT mỗi thay đổi phương án thi, phụ huynh, học sinh thật sự “trở tay không kịp”. Phương án cũ chỉ thực hiện được 2 năm thì nay lại tiếp tục thay đổi...’’. Theo em Đặng Nguyễn Vỹ, học sinh lớp 12 chuyên Toán Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ), qua tìm hiểu thông tin về kỳ thi quốc gia năm 2017, em cảm thấy lo lắng. Bởi lẽ, theo dự thảo thì bài kiểm tra các môn Khoa học tự nhiên gồm 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Nếu học sinh dự định thi khối A, có khả năng sẽ làm được bài môn Lý, Hóa và “bỏ qua” môn Sinh học. Tương tự, học sinh thi khối B sẽ làm được bài thi môn Hóa và Sinh, “bỏ qua” môn Lý. “Từ năm lớp 10 em đã xác định sẽ thi khối A1, tức gồm các môn Toán, Vật lý và Anh văn. Trong bài thi Khoa học tự nhiên em không biết phải làm sao với 2 môn Hóa học và Vật lý. Vì nếu trong 90 phút làm bài thi, em chỉ làm bài môn Vật lý, rồi kết hợp với 2 môn Toán, Anh văn tính điểm thi khối A1 thì không công bằng với mấy bạn khối A và B” - Vỹ nói thêm. Còn với môn Lịch sử - theo dự thảo, sẽ được thi bằng hình thức trắc nghiệm cũng khiến nhiều giáo viên băn khoăn. “Môn Lịch sử và Địa lý cần kiến thức sâu rộng và cả cách trình bày nữa nhưng thi trắc nghiệm e rằng không phù hợp” - một giáo viên dạy môn Địa lý chia sẻ. Trong khi học sinh vốn đã không mặn mà với môn Lịch sử, nay môn này thi theo hình thức trắc nghiệm, chắc các em càng lơ là hơn, chỉ làm bài thi theo “may rủi”.
Theo cô Nguyễn Thị Diệu Hiền - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), đồng thời là phụ huynh (cô Diệu Hiền có con đang học lớp 12), có thể nói, giáo viên, phụ huynh và học sinh khá bất ngờ với dự kiến thay đổi của Bộ GD-ĐT. Vẫn biết với phương án này, Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm tình trạng học tủ, học lệch của học sinh nhưng với việc làm 5 bài thi bao gồm 9 môn học đã gia tăng đáng kể áp lực cho học sinh. “Đổi mới giáo dục là phải đổi mới từ gốc, từ chương trình, từ sách giáo khoa, từ con người chứ không chỉ đổi mới cách thi”- cô giáo Diệu Hiền nói. Còn thầy Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Đông Giang) thì cho biết, hiện nhà trường chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nào từ phía Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, với những thông tin nắm được, có thể nói những điểm mới mà dự thảo đưa ra có thể gây khó cho thầy và trò ở khu vực miền núi. Thầy Ngọc phân tích: “Đồng ý là cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW nhưng cần có lộ trình. Nếu thay đổi đột ngột, sẽ rất khó cho học sinh, nhất là học sinh miền núi vì học sinh ở đây khó có điều kiện cập nhật thông tin kịp thời”. Theo thầy Ngọc, thêm một khó khăn nữa là, theo phương án cũ, học sinh các vùng khó khăn không đủ điều kiện học ngoại ngữ được phép chọn một môn thi bất kỳ trong 8 môn thi được quy định để thay thế. Dự thảo mới chưa thấy quy định này, trong khi học trò ở miền núi không có lợi thế về môn ngoại ngữ. “Hy vọng những ý kiến góp ý của giáo viên, phụ huynh và học sinh được những người có trách nhiệm lắng nghe để quyết định phương án phù hợp” - thầy Ngọc nói thêm.
Những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 Thí sinh làm 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh bậc THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận. Đề cho mỗi bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với 1 phương án trả lời đúng; bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016. Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội: làm bài thi trong 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút. Năm 2017, nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT. |
CHÂU NỮ