Được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” với 100 hang động tuyệt đẹp, quần thể danh thắng Tràng An - Vùng đất của người Việt cổ, là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á được UNESCO công nhận với các giá trị văn hóa, danh thắng nổi bật toàn cầu.
Chùa Bái Đính mới. Ảnh: N.T.B |
Dấu thiêng
Hồi nhỏ, tôi mê chuyện cậu bé Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu bẻ cờ lau tập trận, sau dẹp loạn 12 sứ quân, làm vua nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X.
Để chống lại kẻ thù phương Bắc hùng mạnh, Đinh Tiên Hoàng đã chọn vùng rừng núi Hoa Lư hiểm trở làm kinh đô và cũng là đô thị đầu tiên của nước Việt độc lập.Từ Hoa Lư, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, sau này là Lê Đại Hành hoàng đế đã lập nên chiến tích oai hùng phá Tống (năm 981), bình Chiêm (982), xây dựng cơ đồ nước Việt. Từ năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long nhưng Hoa Lư vẫn là vùng xung yếu, căn cứ địa chống quân Nguyên Mông của nhà Trần sau này... Trải qua nghìn năm dâu bể, kinh đô Hoa Lư xưa chỉ còn những phế tích của một thời oanh liệt. Kinh thành rộng hơn 300ha này, có thành Nam (Tràng An ngày nay) là hệ thống phòng thủ mặt sau. Thành Đông là khu trung tâm, thành Tây là vòng ngoài. Thành có móng sâu, tường xây gạch dày gần 1m và cao từ 8 - 10m, bao quanh hàng loạt kiến trúc cung điện, chùa tháp. Nhiều địa danh Hà Nội có xuất xứ từ Hoa Lư như: cầu Dền, cầu Đông, Tràng Tiền, cống Trẹm, Bồ Đề, chùa Một Cột (Nhất Trụ), chùa Báo Thiên... Hoa Lư lấy núi Yên Ngựa (Mã Yên) cao khoảng 200m làm bình phong. Leo 265 bậc lên đỉnh, thưởng lãm toàn cảnh Hoa Lư hùng vĩ, nơi có lăng Đinh Tiên Hoàng.
Di tích đẹp nhất và có ý nghĩa lịch sử kiến trúc nhất là đền thờ vua Đinh, vua Lê, liền kề nhau, có từ thời Lý và xây dựng lại thời Hậu Lê. Khu đền mô phỏng cung điện xưa, kiểu “Nội công, ngoại quốc” giữa trung tâm cố đô, dưới chân núi Yên Ngựa, độc đáo với nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc trên đồ đá, đồ gỗ cổ truyền của dân tộc ta. Viếng đền Đinh, nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 3 vị hoàng tử (Đinh Liễn, Đinh Toàn, Đinh Hạng Lang), còn nguyên đôi câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo; Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Cồ Việt sánh với nước Tống niên hiệu Khai Bảo; Kinh đô Hoa Lư không khác kinh đô Tràng An thời Hán) của Vũ Phạm Khải soạn đời Tự Đức Giáp Tý (1864). Viếng đền vua Lê, bắt gặp bức tượng gỗ Bảo quang Hoàng thái hậu Dương Vân Nga được thờ chung với vua Lê Đại Hành, điều hiếm xưa nay trong lịch sử dân tộc. Độc đáo hơn là bức tượng Dương Hậu có chiều sâu nội tâm thay đổi theo 3 hướng nhìn khác nhau. Tài hoa của người nghệ nhân tạc tượng đã thổi linh hồn cho pho tượng gỗ. Nếu nhìn chính diện ta thấy Hoàng thái hậu hiện lên như một mẫu nghi thiên hạ, đoan trang phúc hậu, nghiêm nghị lạnh lùng. Nếu nhìn nghiêng từ ngoài vào, gương mặt Hoàng thái hậu thanh thoát, tươi tắn với nét môi mỏng mím lại như mỉm cười. Nếu nhìn nghiêng từ hậu cung ra, Hoàng thái hậu hiện ra với gương mặt buồn bã, như chứng kiến cảnh đất nước nguy nan “như trứng để đầu gậy”.
Kỳ thú Tràng An
Ngày 23.6.2014 UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả 2 yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An - Ninh Bình hiện cũng là Di sản thế giới “kép” đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Và trong quy hoạch du lịch của Việt Nam, Tràng An sẽ phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Mùa hè này, có gì kỳ thú bằng ngồi thuyền khám phá hang động Tràng An giữa bốn bề núi đá trong cảnh quan thơ mộng. Có đến 2.500 con thuyền hoạt động tấp nập trên con sông đào Ngô Đồng dài khoảng 2km, mỗi thuyền chở 6 du khách, giá vé 150.000 đồng/người, người lái thuyền được hưởng trọn 1 vé/chuyến tham quan. Tràng An được gọi là “Hạ Long trên cạn” với 100 hang động đá vôi tuyệt đẹp. Vào thăm bất cứ hang nào, du khách cũng bắt gặp những giọt nước mát lạnh nhỏ xuống người. Những giọt nước trắng đục từ các nhũ đá tí tách nhỏ xuống nền đá ẩm ướt, mọc tua tủa những măng đá, tạo nên những chiếc cột sần sùi, chạm trổ những đường nét kỳ dị. Giáp vách đá những chiếc cột đá mỏng ken sát nhau, tạo thành những diềm đá đẹp kỳ lạ. Đó là những hang động chưa bị bàn tay con người gia công, tạo hóa ban cho hình dáng đa dạng: hang Tối ngoài, hang Địa linh, hang Tối trong, hang Sáng, hang Đột, hang Nấu rượu, hang Seo, hang Sính, hang Sơn Dương, hang Quy Hậu, hang Ba giọt... thơ mộng, độc nhất vô nhị ở nước ta. Còn thời gian, bạn hãy ghé thăm khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chốn thần tiên với bao sự huyền bí, linh thiêng, là địa điểm du lịch lý tưởng mang lại cho du khách nhiều thú vị bất ngờ và đầy sự hấp dẫn.
Đặc biệt, nơi bạn phải đến một lần trong đời: chùa Bái Đính mới. Ngôi chùa được xem là lớn nhất Đông Nam Á, xây dựng gần kề núi chùa Bái Đính - phía tây kinh đô Hoa Lư, trên diện tích 700ha. Nơi đây đã diễn ra Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2014 thu hút 10 nghìn người tham gia, trong đó có 1.500 lãnh đạo của 100 quốc gia và lãnh thổ đến dự.
Chùa Bái Đính mới hiện giữ nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế như:
1. Tượng Phật 100 tấn dát vàng lớn nhất châu Á trong điện Pháp Chủ.
2. Tượng Di Lặc bằng đồng 100 tấn ngoài trời lớn nhất Đông Nam Á.
3. Chuông đồng lớn nhất Việt Nam 36 tấn trong tháp chuông.
4. Khu chùa rộng nhất (80ha) và nhiều cây bồ đề nhất nước (100 cây).
5. Hành lang La Hán dài nhất châu Á (3km) và nhiều vị La Hán nhất Việt Nam (500 vị).
6. Giếng Ngọc lớn nhất Việt Nam.
XUÂN LAN