Kỹ thuật mới cho nghề trồng hoa và cây cảnh

HOÀNG LIÊN 29/10/2013 14:14

Hai năm qua, từ thành công của một số mô hình thí điểm, người trồng hoa và cây cảnh Hội An đã chủ động được nguồn giá thể phục vụ sản xuất bền vững.

ĐỀ tài Tạo giá thể cho cây quật cảnh truyền thống ở TP.Hội An bằng nguồn phế phẩm nông nghiệp; xác định các chỉ tiêu hàm lượng dinh dưỡng, vi chất cần thiết cho cây quật do kỹ sư Trần Thị Hồng Trang (Trạm Khuyến nông - khuyến lâm TP.Hội An) làm chủ nhiệm qua 2 năm triển khai đã có kết quả khả quan. Nghiên cứu trên hướng đến việc tìm nguồn giá thể thích hợp thay thế nguồn giá thể là đất cát trong sản xuất truyền thống, giúp người trồng hoa, cây cảnh, đặc biệt là hộ trồng quật tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu làm giá thể cho cây. Kỹ sư Trần Thị Hồng Trang cho biết, đề tài phù hợp với chủ trương chung của thành phố nhằm tận dụng phế phụ phẩm từ nông nghiệp để làm giá thể trồng hoa, cây cảnh và quật, nhằm thay thế nguồn giá thể đất cát bị khai thác triệt để với số lượng lớn và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tình trạng khai thác quá mức nguồn đất cát phục vụ cho trồng hoa và cây cảnh đã gây sụt lún, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và môi trường sinh thái. Khi UBND thành phố cấm khai thác đất cát trái phép tại Cẩm Hà, nông dân Hội An phải đi mua đất từ nơi khác như ra tận Điện Dương mua với giá cao, chất lượng kém, ảnh hưởng đến chất lượng quật và thu nhập. Vì vậy, việc tìm ra nguồn giá thể mới, sạch là hướng đi bền vững phục vụ người trồng hoa và cây cảnh.

Vườn quật trĩu trái của ông Bùi Quang Trung được trồng trong giá thể tạo nên từ nguồn rác hữu cơ phối trộn với đất cát. Ảnh: B.L
Vườn quật trĩu trái của ông Bùi Quang Trung được trồng trong giá thể tạo nên từ nguồn rác hữu cơ phối trộn với đất cát. Ảnh: B.L

Hội An hiện có khoảng 700 hộ với 1.065 lao động chuyên trồng quật cảnh với số lượng chậu sản xuất lên đến hơn 86 nghìn cái và số lượng chậu tiêu thụ mỗi năm khoảng gần 73 nghìn cái. Trung bình sản xuất 1.000 chậu quật cảnh, người trồng quật phải sử dụng 2.000m3 đất cát. Đề tài chọn khu vườn của ông Bùi Quang Trung (phường Tân An, Hội An) để thực hiện thí điểm trên 200 chậu quật cảnh. Nguyên liệu được sử dụng là rơm rạ, tro trấu và một phần đất cát. Rơm rạ tận thu được băm nhỏ với kích cỡ 15 phân, dùng chế phẩm sinh học Emuniv ủ trong vòng 30 ngày, sau đó phối trộn với tro trấu đã được hun và đất cát theo tỷ lệ 1:1:1. Đề tài đã đưa ra được quy trình sản xuất giá thể cho cây quật, đánh giá được hiệu quả của giá thể trên cây quật, hiệu quả phát triển của cây quật trên giá thể.

Theo tính toán, để sản xuất 1m3 giá thể, cần 0,5m3 than trấu, 0,8m3 rơm rạ, 5kg phân hữu cơ, 0,5kg đạm urê, 0,3kg vôi, 100g chế phẩm vi sinh với tổng chi phí 73.000 đồng. So sánh với đối chứng là giá thể bằng đất cát khai thác trong tự nhiên và giá thể mua từ Công ty Đất Sạch Hội An thì giá thể tạo ra từ phế phẩm nông nghiệp có giá thành rẻ hơn nhiều. Bên cạnh hiệu quả kinh tế như giảm thiểu chi phí đầu vào, quy trình chế biến đơn giản, tận dụng nguyên liệu sẵn có, giải pháp này còn giúp tinh giảm trọng lượng của chậu cảnh trong lúc vận chuyển xuất bán. Hơn nữa, với giá thể là nguồn rơm rạ, than trấu, cây phát triển tốt, khỏe, xanh hơn do bản thân các phế phụ phẩm này là nguồn hữu cơ lớn cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Sắp tới, hội thảo khoa học nhằm chuyển giao quy trình sản xuất giá thể cho cây quật sẽ được tổ chức tại Hội An. Thông qua các buổi tập huấn, mô hình sẽ được nhân rộng trong nhân dân địa phương.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỹ thuật mới cho nghề trồng hoa và cây cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO