Kỳ tích vùng đất Bến Hiên

ALĂNG NGƯỚC (thực hiện) 05/07/2023 05:40

Hôm nay 5/7, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Giang long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập (10/3/1963 - 10/3/2023) và 20 năm tái lập huyện (17/7/2003 - 17/7/2023). Qua chặng đường phát triển, Đông Giang cơ bản đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng và niềm tin của đồng bào địa phương.

Một góc diện mạo trung tâm huyện Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc diện mạo trung tâm huyện Đông Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ở từng giai đoạn lịch sử, địa giới hành chính huyện Đông Giang phải trải qua quá trình chia tách, rồi tái lập và đổi tên nhiều lần.

Song, với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Giang đã ghi dấu trưởng thành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển mới đầy tự hào.

* Thưa ông, trong bối cảnh lịch sử sau ngày chia tách, Đông Giang có những thuận lợi và khó khăn gì?

Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài.
Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài.

- Ông Đỗ Tài: Cách đây 60 năm, vào ngày 10/3/1963, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định giải thể huyện Thống Nhất để thành lập 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang.

Đến ngày 17/11/1974, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Nghị quyết số 15 về hợp nhất hai huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Đông - Tây Giang, sau ngày 30/4/1975 đổi tên thành huyện Hiên. Ngày 20/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72 về việc tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang.

Sau khi tái lập, Đông Giang có một số thuận lợi cho sự phát triển, ngoài nằm ở vị trí trung tâm 3 huyện miền núi tây bắc của tỉnh, địa phương có nhiều nguồn tài nguyên đất và nước mặt chưa được khai thác, với điều kiện khí hậu mát mẻ, độ che phủ rừng còn cao, có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch.

Đông Giang cũng gần TP.Đà Nẵng, hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, kết nối thuận lợi với đồng bằng và các huyện lân cận. Đây cũng là vùng đất lâu đời của của đồng bào Cơ Tu với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đông Giang đánh thắng hơn 900 trận lớn nhỏ, bắn rơi 87 máy bay các loại và bứt rút 7 cứ điểm đồn bốt. Ngoài ra, tổ chức 112 lần đấu tranh chính trị có hơn 37.000 lượt người tham gia, đóng góp hơn 230.000 ngày công tải đạn, tải thương và đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, bộ đội. Ngày 6/11/1978, Đông Giang được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 5/11 xã được phong danh hiệu anh hùng và 3.040 cá nhân được tặng huân chương các loại. Toàn huyện có 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 314 gia đình có công với cách mạng; 144 liệt sĩ và gần 500 thương binh, bệnh binh. Năm 2011, Đông Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Song Đông Giang cũng đối mặt không ít khó khăn do điều kiện lịch sử để lại: xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ; thương mại, dịch vụ còn nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao…

Song với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Giang từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh phát triển trong chặng đường mới, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi.

* Được xem là “người ở lại” với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen như vậy, sau 20 năm chia tách, Đông Giang đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào, thưa ông?

- Ông Đỗ Tài: Đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm qua đạt 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản từ 37% năm 2003 xuống còn 13,95%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 39,04% tăng lên 63,07%; ngành dịch vụ từ 23,62% giảm còn 22,98%.

Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 315,9 tỷ đồng, tăng 2,94 lần so với năm 2003; tổng đàn gia súc đạt hơn 23,4 nghìn con; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt hơn 573 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước từ 3,7 tỷ đồng năm 2003 nâng lên 1.317 tỷ đồng năm 2022. Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt hơn 1.637 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2003.

Sau 20 năm tái lập, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường giao thông huyên Đông Giang ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau 20 năm tái lập, hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường giao thông huyên Đông Giang ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đông Giang hoàn thành quy hoạch phát triển vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 gắn quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đất đai, sản xuất nông nghiệp và định hướng phát triển đô thị Sông Vàng. Đồng thời xác định được nhóm cây và con chủ lực phù hợp với điều kiện của huyện và thị trường chung.

Đến nay, 11/11 xã có đường ô tô đến được 2 mùa, 40/40 thôn có đường ô tô đến thôn; điện thoại di động phủ sóng trên toàn huyện; gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt.

Hạ tầng du lịch và dịch vụ có chuyển biến khá, hình thành mô hình du lịch cộng đồng gắn với khai thác tiềm năng văn hóa Cơ Tu, nghề truyền thống tại thôn Bhơ Hồông (xã Sông Kôn) và thôn Đhơ Rôồng (xã Tà Lu); tạo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang với tổng mức 2.600 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động tạo ra diện mạo cho sự phát triển mới…

Từ chỉ có 16 trường với 184 phòng học vào năm 2003, đến nay Đông Giang đã xây dựng 28 trường với 302 phòng học, trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo cơ sở vật chất dạy và học cho con em miền núi.

Trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, sau thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đến nay cán bộ công chức có trình độ đại học, cao đẳng ở cấp xã chiếm tỷ lệ 96,2% (tăng 95,21% so với năm 2003); cán bộ có trình độ đại học, sau đại học ở cấp huyện chiếm tỷ lệ 93,65% (tăng 69,01% so với năm 2023).

Có 44 tổ chức cơ sở đảng với 2.424 đảng viên, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo phát triển trong tình hình mới. Ngoài ra, công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, đền ơn đáp nghĩa, bảo tồn văn hóa… luôn được chú trọng và quan tâm, với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 45,4% theo chuẩn đa chiều, giảm bình quân gần 5%/năm.

* Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, theo ông thời gian tới Đông Giang cần làm gì?

- Ông Đỗ Tài: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng Đông Giang vẫn còn là một huyện nghèo của tỉnh. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu, nhất là 3 nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, thời gian tiếp theo, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, trọng tâm là kinh tế rừng theo hướng mô hình trang trại, gắn với kinh tế nông nghiệp và du lịch cộng đồng, chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực cho người dân và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt huyện, xã có tâm, đủ tầm và có khát vọng vươn lên.

Đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; tổ chức có hiệu quả các phong trào cách mạng trong nhân dân; giữ vững truyền thống đoàn kết các dân tộc trong toàn huyện, nhất là bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu…

*Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ tích vùng đất Bến Hiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO