Các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đức Mậu, Nam Hà xung phong vào miền Nam chiến đấu, là đồng đội của Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Văn Bổng… Chính vì thế, ký ức 30.4.1975 luôn trở về với trang viết của họ.
Những vần thơ tỏa sáng
Năm 1966, cùng với Thu Bồn, Phạm Tiến Duật…, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu lên đường vào miền Nam chiến đấu. Đến năm 1969, Nguyễn Đức Mậu tình nguyện sống và chiến đấu ở chiến trường Lào. Sự khắc nghiệt của chiến trường ở đây đã đưa cảm xúc của Nguyễn Đức Mậu đến độ chín những suy tư, trăn trở về đồng đội, nỗi ám ảnh của chiến tranh và sứ mệnh của người lính cầm bút… Trong dòng hồi tưởng, nhà thơ cho biết: “Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969 ở nghĩa trang Biên giới, bọn giặc thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chỉa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, dưới tàn lửa của những cây thông, tôi cùng một số người trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm liệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi viết nên bài thơ Nấm mộ và cây trầm”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. |
Đã ngót 45 năm bài thơ ra đời, nhưng những câu thơ xa xót vẫn không thôi day dứt ám ảnh người đọc, đặc biệt là những người trẻ tuổi chưa hề trải qua khốc liệt chiến tranh: “Chết - hy sinh cho Tổ quốc Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng/ Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng/ Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước/ Những đoàn quân đi đánh giặc/ Có hoa rừng mang đến từ xa”. Từ một trường hợp hy sinh cụ thể của bạn mình, nhà thơ đã khái quát thành sự hy sinh lớn lao của lớp người xung phong ra trận: “Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ/ Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ/ Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ/ Thành bàn tay chỉ hướng quân thù”.
Có lẽ hiện thực khốc liệt của chiến tranh ứ đầy trong người thơ Nguyễn Đức Mậu, nên sau này khi đã thoát ra khỏi chiến tranh nhưng ký ức bề bộn của thời trận mạc vẫn không thôi “cựa quậy” trên những trang thơ ông. Năm 1980, Nguyễn Đức Mậu viết “Sư đoàn” với nhiều nhắc nhớ về ngày 30.4.1975, khắc họa những chuyển giao cũ - mới, chiến tranh - hòa bình, súng đạn - yên lắng, cái đã qua - sự bắt đầu… Tất cả chỉ như một sợi chỉ mỏng: “Ngày 30 tháng 4/ Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/ Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh/ Hòa bình và chiến tranh cách nhau bằng nấc đạn”. Ngày đặc biệt ấy là sự đối lập của cái khủng khiếp với khoảnh khắc thăng hoa, là sự đối nghịch của căng thẳng chết chóc với giây phút nhẹ nhõm: “Ngày thành phố trằn vai cơn bão lớn/ Ngày pháo hoa đan kín bầu trời/ Ngày đạn bắn chuyển rung mặt đất/ Ngày súng cầm trên tay thảnh thơi”.
“Lịch sử hóa” trang văn
Nhà văn Nam Hà. |
Là đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ, nếu như nhà văn Nguyên Ngọc kiên trung bám trụ khu V thì nhà văn Nam Hà cũng từng bền bỉ chiến đầu tại khu VI Nam Trung Bộ. Văn đàn Việt Nam nhắc nhớ Nam Hà với các liên bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ. Bắt đầu là tiểu thuyết “Ngày rất dài” viết về “Chiến tranh cục bộ” ở khu VI. Ngay sau đó, ông hoàn thành tiểu thuyết “Trong vùng tam giác sắt” viết về giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh. Sau khi hoàn thành 2 tiểu thuyết với gần 3.000 trang sách, ông bắt tay viết bộ sử thi hoành tráng “Đất miền Đông”. Bộ tiểu thuyết 3 tập lấy bối cảnh lịch sử trong những năm cuối cùng của chiến tranh, 1972- 1975, với tập 3 có tên “Đường về Sài Gòn” là sự tái hiện rõ nét chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Để biểu hiện được những chiều kích sinh động của một thời oanh liệt chiến đấu, nhà văn đã phải cật lực lao động trong vòng 32 năm, từ năm 1975 đến năm 2007.
Ở chiến trường, Nam Hà công tác trong cơ quan chính trị nhưng để tích lũy cho việc viết dài về chiến tranh theo yêu cầu của lãnh đạo Tổng cục Chính trị, ông trực tiếp đi, gặp gỡ chiến sĩ và cùng tham gia chiến đấu. Nhà văn kể lại, có lần xuống một tiểu đoàn, ông gặp chỉ huy đề đạt ước muốn ra chiến đấu ở mặt trận. Vị chỉ huy tiểu đoàn chờ ông nói xong mới nhỏ nhẹ: “Bác là nhà văn, xuống tới chỉ huy tiểu đoàn đã quý lắm rồi, bây giờ bác ra chiến đấu lỡ có mệnh hệ gì thì biết làm sao? Việc chiến đấu đã có chúng tôi, chúng tôi có thể hy sinh trong cuộc chiến nhưng lỡ bác không còn thì lấy ai để viết về những người như chúng tôi?”. Câu nói ấy ám ảnh ông mãi, như một lời ký thác, nhắc nhớ ông về sứ mệnh của nhà văn với cuộc kháng chiến của dân tộc…
Vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, nhà văn Nam Hà vừa tận dụng từng thời khắc để ghi chép lại từng sự kiện, từng diễn tiến nhỏ. Việc ghi chép cũng chẳng dễ dàng gì, có khi ông phải tận dụng từng vỏ bao thuốc lá. Tài liệu quý giá là thế, nhưng lắm khi lại bị giặc cướp mất hoặc bị cháy. Những lần như thế, ông tiếc nuối đến điếng cả người, rồi cố mà ghi lại bằng trí nhớ. Vậy mà đến nay, nhà văn Nam Hà đã có một gia sản văn chương khá đặc biệt. Nói về sự khác biệt của liên bộ sử thi 10 năm chiến tranh 1965- 1975 với các bộ tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của thế giới, ông nói: “Dĩ nhiên nhà văn sử dụng quyền sáng tạo để hư cấu, nhưng hư cấu phải dựa trên những thực tế của lịch sử. Có thể hư cấu theo trục không - thời gian với các tư liệu, dữ kiện sống để tư duy phân tích. Tiểu thuyết sử thi Việt Nam phải đặt chân trên thực tế lịch sử Việt Nam”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà văn Nam Hà là người trong cuộc, tự trải nghiệm với vốn sống 10 năm chiến trường. Với sự từng trải qua tất cả giai đoạn gay go nhất của chiến tranh, những dữ kiện của cuộc chiến - nguồn tài liệu sống - đã ngấm vào máu thịt, rồi khi viết họ rút ra từ gan ruột của đời mình…
NGUYỄN QUANG VIỆT