Ký ức chiến khu Tiên Sơn - Bài 1: Sự lựa chọn lịch sử

ANH TRÂM - NGUYÊN ĐOAN 30/01/2013 08:23

Lần theo nhiều câu chuyện kể, ký ức hào hùng của những chứng nhân lịch sử, chúng tôi về Tiên Sơn - khu căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam thời kỳ kháng chiến. Lắng nghe những câu chuyện về Đảng, về dân - mối quan hệ như cá với nước, như thuyền với sóng trước bão dông của thời cuộc. Để rồi những câu chuyện kể này như đặt một viên gạch trong cuộc bảo tồn, trùng tu lại khu căn cứ cách mạng Tiên Sơn mà chính quyền Quảng Nam đang thực hiện.

Giếng nước sinh hoạt của cơ quan đầu não Tỉnh ủy sử dụng ở căn cứ Tiên Sơn.
Giếng nước sinh hoạt của cơ quan đầu não Tỉnh ủy sử dụng ở căn cứ Tiên Sơn.

“Phải từ mạch nguồn của đất ấy để thấy rằng lịch sử đã chọn Tiên Sơn, Đảng và cách mạng chọn Tiên Sơn là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng nói.

Đã hơn tuổi 80, lưng còng, chân yếu phải tập tễnh bằng gậy nhưng ông Trần Thận - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vẫn muốn về chiến khu cũ Tiên Phước. Ông nói từng lời cặn kẽ và mỗi lời như có chất lửa nồng ấm khi căn dặn chúng tôi: “Phải tìm hiểu thật kỹ, từ gốc gác, căn nguyên, vì căn cứ địa cách mạng là trung tâm đầu não, là chiến lược khi làm cách mạng của Đảng và nhân dân. Đó không chỉ là sự lựa chọn khách quan mà còn là điều kiện nhằm đảm bảo cho sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Phải hiểu thật kỹ vấn đề như vậy”...

Mạch nguồn của đất

Ông Trần Thận quả quyết: “Lấy Tiên Sơn, Tiên Phước làm nơi đứng chân lãnh đạo phong trào cách mạng là sự lựa chọn của lịch sử, của lòng dân”. Xã Tiên Sơn nằm ở vị trí tiếp giáp với các huyện Tam Kỳ (cũ), Thăng Bình và Hiệp Đức. Đây là vị trí có thể bao quát vùng đồng bằng phía đông nên có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược quân sự. Mặt khác, Tiên Sơn có địa hình, địa thế vô cùng thuận lợi, một bên là núi Dương Bồ hiểm trở, lại cách tuyến đường giao thông từ Eo Gió không xa, từ đây xuống đồng bằng như Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành đều rất thuận lợi.

Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước tóm lược: “Những quyết sách đúng đắn của Đảng thời bấy giờ có thể vắn tắt trong các ý chính: Căn cứ địa là chỗ đứng chỉ đạo rất quan trọng của Đảng, là nơi làm bàn đạp cho bộ đội phát triển chiến dịch. Hai là mở tuyến hành lang mới nối căn cứ miền núi với đồng bằng, huy động được nhiều sức người sức của phục vụ chiến đấu. Căn cứ như một tiền đồn chống địch ở phía trước để bảo vệ hậu cứ cách mạng phía sau. Cuối cùng, trung tâm đầu não của Đảng bộ thời kỳ bấy giờ như một khâu đột phá cho phong trào cách mạng Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, góp phần ý nghĩa quan trọng cùng với khu 5 và miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy”.

Đại tá Trần Kim Anh (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam) nói: “Không ở chiến khu, nhưng về mặt chiến lược quân sự tôi nắm rất chắc địa bàn Tiên Sơn tuyệt đối thuận lợi cho những cánh quân của ta trong các trận chiến. Khi bị địch càn quét đánh phá, các cơ quan đầu não của Đảng có thể công thủ vẹn toàn. Và với lực lượng chiến đấu trực tiếp, căn cứ còn là chỗ dựa rất vững vàng khi có sự tiếp trợ của người dân trong vùng”.

Phải lùi về thời điểm chia tách tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà cuối năm 1962 để thấy sự lựa chọn vùng đất làm căn cứ là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng thời kỳ bấy giờ. Chiến dịch vượt sông Tiên làm nên thắng lợi của Đảng và nhân dân 3 xã Sơn - Cẩm - Hà làm bàn đạp tiến công giải phóng một khu vực rộng lớn phía tây Thăng Bình, bắc Tam Kỳ và đông Tiên Phước đưa tới quyết định chuyển căn cứ về đóng tại Tiên Sơn. Sự lựa chọn lần thứ nhất gắn với sự ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thổi bùng ngọn lửa đồng khởi khắp miền Nam, gắn với phong trào đấu tranh theo phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công” ở Quảng Nam được đẩy mạnh. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng nhắc nhớ: “Thực hiện nghị quyết đại hội động viên toàn dân nỗ lực liên tục tấn công, Tỉnh ủy lúc bấy giờ mở chiến dịch Đông Xuân 1965 lấy tên “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” đồng loạt nổi dậy giải phóng một vùng liên hoàn từ Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ gồm 54 xã, 66 thôn và 300 nghìn dân”. Lần thứ hai lịch sử lại lựa chọn Tiên Sơn làm căn cứ từ năm 1973 - 1975 dẫn đến thắng lợi cuối cùng. Ngay tại Đại hội Đảng bộ Quảng Nam lần thứ IX, đại hội cuối cùng trong chống Mỹ, Đảng đã đề ra phương hướng nhiệm vụ mới cho giai đoạn bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương.

Quyết sách then chốt

“Nói đúng hơn, lịch sử đã lựa chọn nơi này làm trung tâm não bộ cho cuộc kháng chiến của Đảng và nhân dân, bởi có rất nhiều quyết sách then chốt kết hợp cả 3 yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa” - ông Trần Thận cho hay. Sơn - Cẩm - Hà nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung là mảnh đất có truyền thống, là căn cứ địa quan trọng của Nghĩa hội, nơi khởi điểm phong trào Duy tân mà đỉnh cao là “Điển hình Duy tân” làng Phú Lâm do chí sĩ Lê Cơ lãnh đạo. Chiến dịch giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (ngày 25.9.1962) và cuộc chiến đấu chống chiến dịch Bình Châu, Dân Chiến của địch những năm 1963 - 1964 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ căn cứ địa của cách mạng, để từ đó tiến công xuống giải phóng đồng bằng các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và giải phóng hoàn toàn quê hương vào mùa xuân năm 1975.

Dấu tích đoạn hầm của Lò chén Phú Lâm cũ.
Dấu tích đoạn hầm của Lò chén Phú Lâm cũ.

Đặc biệt trong lần lựa chọn lần thứ hai, Tỉnh ủy và tất cả cơ quan của tỉnh trở về đóng quân trên khắp địa bàn 3 xã Sơn - Cẩm - Hà tham gia phát động vận động quần chúng xây dựng địa phương, chống địch càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, đẩy mạnh sản xuất và chuẩn bị các điều kiện cho chiến dịch đến. Thời gian này, Đảng tổ chức nhiều hội nghị quan trọng và đưa ra nhiều quyết định lớn như: Đưa lực lượng xuống trụ lại vùng đông; chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm; “hạ lệnh” nổ súng giải phóng cùng thời điểm với chiến dịch Buôn Ma Thuột, mở đường cho bộ đội đưa tiểu đoàn xuống vùng đông giải phóng Đà Nẵng sớm hơn.

Để làm nên khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, những chứng nhân hôm nay đều khẳng định: “Trung tâm não bộ của Đảng lúc bấy giờ nằm ở lòng dân”. Không có nhân dân bảo bọc, không có Lò chén Phú Lâm lo phần kinh tế, không có xóm ông Huệ, nhà ông Nghiêm che giấu thì chưa chắc gì đại nghĩa toàn dân thắng lợi dễ dàng.

____________________

Bài 2: Sống giữa lòng dân
Trong 10 năm liền ở căn cứ Tiên Sơn, Đảng đã được nhân dân bảo bọc, đồng cam cộng khổ.

ANH TRÂM - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức chiến khu Tiên Sơn - Bài 1: Sự lựa chọn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO