Suốt 10 năm cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đóng ở Tiên Sơn vẫn an toàn tuyệt đối nhờ vào thế trận lòng dân vững chắc.
|
Vị trí hầm trú ẩn của Bí thư Tỉnh ủy đương thời Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) tại vườn nhà ông Mịch. |
Trong lòng dân
Sau khi các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc được giải phóng, các cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Nam chuyển về ở trong nhà dân. “Lần đầu tiên, sau 10 năm Tỉnh ủy phải đóng cơ quan ở vùng núi hiểm trở, nay ra sống với nhân dân, sự phấn khởi, vui mừng của bộ đội, cán bộ không thể diễn tả hết. Tuy quận lỵ Tiên Phước và một số đồn bót, cứ điểm của ngụy ở cách đó không xa nhưng sự bảo mật luôn tuyệt đối bởi bà con ở nơi này hết lòng bảo vệ cách mạng” - ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ. Nhân dân đã âm thầm, bền bỉ như những thanh thép đã được tôi luyện để làm nên một thế trận vô cùng tuyệt vời, bao bọc lấy khu căn cứ địa cách mạng.
Nhắc lại chuyện xưa, bác Phạm Thưởng - nguyên Chủ tịch xã Phước Sơn (Tiên Sơn cũ) kể: Chúng tôi đã được che giấu trong khu vườn bí mật của xóm ông Huệ, ông Mịch. Đó là những nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng an toàn nhất. Căn nhà của ông Mịch - nơi Bí thư Tỉnh ủy đương thời Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) chọn làm việc đã hơn 40 lần bị bắn phá, đốt cháy. Mỗi lần bị đốt, ông Mịch lại dựng lên vững chãi như một sự thách thức. Hay căn nhà của bà Võ Thị Bút (còn gọi là bà Chấu) được xem là trạm giao liên an toàn của cách mạng. Cán bộ đi công tác giữa các thôn đều tạt vào nhà bà nắm tình hình. Có lần để bảo vệ cán bộ cách mạng dưới hầm trú trong nhà, với sức vóc nhỏ bé bà Bút đã lăn đá, dùng gậy đánh chết một tên lính Mỹ khi tay này đòi xuống hầm kiểm tra. Chuyện bà Bút sức nữ nhi đánh chết lính Mỹ trở thành giai thoại đến nay vẫn còn lưu truyền tại địa phương. Sau này bà Bút bị địch bắt tra tấn, đánh chết trên mảnh đất Tiên Sơn kiên trung, ngoan cường.
“Tại nơi Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Nam đóng quân, đặt cơ quan làm việc, chúng tôi được các gia đình che chở, chia sẻ từng củ sắn, bát canh rau rừng, trái chuối, trái thơm. Mặc dù bà con còn thiếu thốn nhưng vẫn vui vẻ đồng cam cộng khổ với cách mạng. Sống những nơi đó mà không sợ bị lộ bí mật, không bị một ai bắn tin, khai báo với địch, cơ quan vẫn an toàn, an tâm làm việc. Một nhân dân như vậy thật đáng kính trọng và biết ơn!”. (Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Hoàng Minh Thắng) |
Trở lại Tiên Sơn bây giờ, chúng tôi vẫn còn được nghe người dân nói về Lò chén Phú Lâm, vùng kinh tế hậu phương của cách mạng thời ấy. Vẫn còn được nhân dân chỉ tận nơi hầm trú ẩn, bàn làm việc của cán bộ cấp cao. Bác Võ Lục (78 tuổi) ở thôn 4 còn khoe về những sản phẩm của Lò chén Phú Lâm mà ông lưu giữ. Bên những khuôn đúc chén cũ, chúng tôi nghe ông Phạm Tý (84 tuổi, thôn 1), bộc bạch: “Thời điểm đó, tình hình chiến tranh rất khốc liệt, cuộc sống khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng những người ở lại luôn dặn lòng, cán bộ cách mạng còn trụ bám hoạt động thì mình còn sống được, phải cùng sống, cùng chiến đấu để giành giữ từng bờ xôi ruộng mật, từng tấc đất của cha ông”.
Mỗi người dân là một chiến sĩ
Câu chuyện sống giữa lòng dân tiếp tục được kể lại bởi Đại tá Trần Kim Anh - nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam: “Địa thế tốt nhất là lòng dân! Tôi tuổi đã cao, ký ức có điều nhớ điều quên, nhưng những ngày tháng vận động người dân ở chiến khu Tiên Sơn thì tôi chưa bao giờ quên. Ngày ấy chỉ huy bộ đội trực tiếp chiến đấu, ban ngày vận động nhân dân, ban đêm dẫn quân đi đánh, chúng tôi đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ của người dân mới “né” được những đòn hiểm của địch”.
Ngày trước, căn nhà này của ông Mịch hơn 40 lần bị địch đốt phá. |
Không chỉ là chỗ dựa cho cách mạng, mỗi người dân ở Tiên Sơn cũng chính là một chiến sĩ. Mỗi lần trở lại chiến khu cũ, ông Lưu Văn Chính thường nhắc một câu: “Nếu không có nhân dân, tôi đã chết lâu rồi”. Ông kể chuyện cụ Nguyễn Xin để bảo vệ lá cờ Đảng không rơi vào tay giặc trong xuân Mậu Thân 1968, trước khi trút hơi thở cuối cùng đã hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Hay chuyện người dân bị địch “xúc” năm lần, bảy lượt nhưng vẫn tìm đường về với cách mạng như các bà Võ Thị Lại, Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Điền, Nguyễn Thị Biên. Rồi chuyện chị Nguyễn Thị Hợi đã gửi 4 con nhỏ cho đoàn thể chăm sóc, một mình vào sâu trong lòng địch đến tận Tam Kỳ, Thăng Bình... móc nối cơ sở, nắm bắt tình hình địch cung cấp cho tổ chức và vận động thanh niên về vùng giải phóng... Những ân tình đó, như nét son không thể nào phai khi gợi nhớ về chiến khu Tiên Sơn.
Ông Lê Hải Lý - nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam tâm sự: “Trong năm tháng cách mạng gian khổ, người dân Tiên Sơn đã gánh chịu quá nhiều hy sinh, lịch sử sẽ luôn khắc ghi và trân trọng”. Còn ông Bùi Hồng Việt - nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhắn nhủ: “Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc đó là trách nhiệm và cũng là cách để phát huy các giá trị truyền thống cách mạng đặt ra cho các thế hệ lãnh đạo kế cận hôm nay”.
Ký ức không quên Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho hay, ông vẫn luôn tự tay chuẩn bị những phần quà để mỗi năm lại về Tiên Sơn thăm hỏi các gia đình có công, che giấu cách mạng năm xưa. Và ông cũng muốn được tự tay thắp nén hương cho những người đã từng nuôi giấu mình. Có những ký ức thật oai hùng, cũng có những ký ức thật lãng mạn, mà với ông đó đã là một phần máu thịt của đời mình. Sự đùm bọc, cưu mang và cả những hy sinh lớn lao của mỗi người dân, từng gia đình bám trụ, kề vai sát cánh với cách mạng đã trở thành ký ức hằn sâu trong tiềm thức mà mỗi khi nhắc đến là nước mắt ông lại rưng rưng. Khi ấy Tiên Sơn là địa bàn chiến lược trọng yếu nên hứng chịu rất nhiều sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù. Xóm làng bị đánh phá xơ xác, tiêu điều có lúc chỉ còn 12 gia đình bám trụ. Họ sống rải rác khắp địa bàn xã, trú ẩn trong các ghềnh đá cạnh suối, dưới các hầm đất ở bụi tre và ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ tiếp tế, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng. “Một hôm, mới 5 giờ sáng địch đã đổ quân đi càn. Quá bất ngờ, ba cán bộ cách mạng không kịp lẩn thoát đành trốn trong hầm trú ẩn của nhà dân. Địch lùng sục khắp nơi và ngồi ngay trên miệng hầm, tập trung dân lại tra hỏi nhưng chẳng ai hé nửa lời. Chúng tôi còn đang lo nghĩ, suy tính thì người dân tổ chức nấu khoai môn mời bọn địch ăn làm chúng mất tập trung, giãn dần quân ra khỏi khu vực hầm trú, không mảy may nghi ngờ. Đến 12 giờ trưa, địch rút hết, chúng tôi an toàn” - ông Chính kể. |
______
Bài cuối: Khơi dậy địa chỉ đỏ
Khu căn cứ Tiên Sơn có đủ điều kiện để được phục dựng và bảo tồn, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
ANH TRÂM - NGUYÊN ĐOAN