Ký ức chiến tranh của mỹ thuật xứ Quảng

PHAN CHÍ ANH 16/05/2021 04:38

Mặc dù số người sáng tác và số lượng tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng không nhiều, song mỹ thuật Quảng Nam vẫn tạo ra được những dấu ấn nhất định trong mảng đề tài đặc biệt này. Đáng nói hơn, trong sự không nhiều ấy, một số tác phẩm được lựa chọn như cách để lưu lại chút gì cho mai sau.

Tượng đài Chiến thắng Mộc Bài - một trong những tác phẩm của Trần Đức được chọn xây dựng vĩnh cửu, khánh thành tháng 4.2020. Ảnh: Tác giả cung cấp
Tượng đài Chiến thắng Mộc Bài - một trong những tác phẩm của Trần Đức được chọn xây dựng vĩnh cửu, khánh thành tháng 4.2020. Ảnh: Tác giả cung cấp

Những “lát cắt” chiến tranh

Là một họa sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng, nên khi Trần Văn Binh trình làng bức tranh “Mẹ Cộng”, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên. Những nét vẽ kỳ ảo thường thấy ở anh biến mất, thay vào đó là những mảng màu, đường nét khúc chiết, dứt khoát lại vừa mềm mại, làm nên bức tranh tả thực sinh động về một con người có thật.

Hình ảnh người mẹ khắc khổ, rắn rỏi, phúc hậu cùng ngọn đèn dầu tỏa sáng trong tranh là câu chuyện kể súc tích, cô đọng về mẹ Phạm Thị Cộng - một bà mẹ chiến sĩ ở thôn Châu Bí, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn. Mẹ Cộng là người từng nuôi giấu các cán bộ lãnh đạo cách mạng nổi tiếng như Cao Sơn Pháo, Phạm Tứ, Hồ Nghinh, Trần Thận...

Cũng chính mẹ Cộng, hết đêm này qua đêm khác trong những năm chiến tranh ác liệt, bằng ngọn đèn dầu của mình, cảnh giới cho bộ đội, du kích hành quân: Khi mẹ thắp đèn lên có nghĩa là an toàn, và ngược lại... Nói về bức tranh này, có lần họa sĩ Trần Văn Binh cho biết, sau nhiều lần nghe kể về mẹ Cộng, anh đã vẽ bằng một sự rung động đặc biệt, với một ý thức rất rõ ràng: Không để cho những biến ảo trừu tượng chen vào...

Tác phẩm “Mẹ Cộng” (Đợi con về) của họa sĩ Trần Văn Binh. Ảnh: Tác giả cung cấp
Tác phẩm “Mẹ Cộng” (Đợi con về) của họa sĩ Trần Văn Binh. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cũng như họa sĩ Trần Văn Binh, khi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, hầu hết họa sĩ, nhà điêu khắc khác đều đầu tư nghiêm túc về thời gian, tư liệu và cả cảm xúc. Để có bức tranh khắc gỗ đơn sắc “Hồi tưởng chiến tranh”, họa sĩ Nguyễn Danh đã phải tìm đọc nhiều tư liệu, sách báo và tham khảo nhiều tác phẩm về đề tài này của các họa sĩ đàn anh.

Họa sĩ Đoàn Minh Thuần mất mấy tháng liền phôi thai, nghiền ngẫm, làm phác họa mới có được bức tranh sơn dầu “Hình đất nước” đầy khát vọng hòa bình và những hy sinh, cống hiến của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Cũng vậy, khi tạc tượng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi theo đơn đặt hàng của thị xã Điện Bàn, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy phải bỏ ra gần một năm làm, chỉnh sửa phác thảo.

Bởi theo anh, với các nhân vật lịch sử nổi tiếng, mỗi chi tiết nghệ thuật hóa trên tác phẩm đều phải đảm bảo trung thành, chính xác ở mức cao nhất so với nguyên mẫu, do vậy cần phải cẩn trọng, chi li trong từng góc cạnh nhỏ, trong các bước từ lập phác họa, làm tượng mẫu đến khâu hoàn chỉnh cuối cùng.

Riêng với tác phẩm tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, yêu cầu về “sự chân thật nghệ thuật” càng cao hơn. Bởi hình ảnh của anh nói chung và hình ảnh hiên ngang của anh trước pháp trường nói riêng đã trở nên quá quen thuộc với mọi người.

Trong giới mỹ thuật Quảng Nam hiện nay, sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng nhiều nhất là nhà điêu khắc Trần Đức. Không kể các phác thảo và những bức đang làm dang dở, đến nay Trần Đức đã trình làng gần 10 tác phẩm về đề tài này và hầu hết được đánh giá là những “lát cắt” chiến tranh có tính chân thực lịch sử, có giá trị nghệ thuật với ngôn ngữ tạo hình hiện đại.

Trong đó, một số bức phù điêu đã được thi công ở các công trình tượng đài tại các địa phương trong tỉnh; gần đây nhất, vào tháng 4.2020, cụm tượng đài “Chiến thắng Mộc Bài” cũng được xây dựng ở xã Quế Phú, Quế Sơn.

Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác của Trần Đức như “Nhớ về anh” (tượng gỗ), “Mắt biển” (tượng gỗ), “Địa đạo” (tượng gỗ và sắt), “Ký ức Côn Đảo” (tượng sắt hàn), “Quảng Nam những năm tháng đánh Mỹ” (phù điêu)... đã được trưng bày, triển lãm ở nhiều nơi, trong đó có những cuộc triển lãm cấp khu vực và quốc gia.

Để chút gì cho mai sau

Theo họa sĩ Nguyễn Dũng - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, ở Quảng Nam hiện nay không nhiều người “thuận tay” trong việc sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Và đây không phải cá biệt mà là một hiện tượng khá phổ biến trong cả nước. Bởi lẽ, lớp họa sĩ, nhà điêu khắc đi ra từ chiến tranh lần lượt qua đời hoặc không thể tiếp tục sáng tác do tuổi cao sức yếu. Trong khi đó, thế hệ trưởng thành hoặc sinh ra sau 1975 thì đa số không đủ vốn sống, trải nghiệm để sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng.

Mặc dù vậy, mỹ thuật Quảng Nam vẫn tạo ra được những dấu ấn nhất định trong mảng đề tài đặc biệt này. Đáng nói hơn, trong sự không nhiều ấy, có một số tác phẩm được lựa chọn, như cách để lưu lại chút gì cho mai sau.

Chẳng hạn, hai họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Văn Binh và nhà điêu khắc Trần Đức từng có tác phẩm được chọn trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang cách mạng. Trong đó, Nguyễn Thượng Hỷ với tác phẩm “Chiến sĩ Núi Thành” (tranh lụa) và Trần Văn Binh với tác phẩm “Đợi con về” (tên khác của tác phẩm “Mẹ Cộng”) được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng giải thưởng đồng hạng.

Hiện nay, bức “Chiến sĩ Núi Thành” của Nguyễn Thượng Hỷ đã được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Quảng Nam; một bức tranh lụa khác về đề tài này của anh là bức “Mẹ Thứ” được họa sĩ Đinh Gia Thắng sưu tập.

Còn với Trần Đức, ngoài các tác phẩm phù điêu, tượng đài đã được xây dựng, một tác phẩm khác của anh là “Mắt biển”, sau hai lần tham dự triển lãm toàn quốc, đã được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sưu tập để trưng bày lâu dài. Năm 2019, bức phù điêu “Quảng Nam những năm tháng đánh Mỹ” của anh đoạt giải C Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ III.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức chiến tranh của mỹ thuật xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO