Ký ức chiến trường K

VÕ VĂN TRƯỜNG 09/04/2023 07:52

Cứ vào dịp tháng 3 những đồng đội cũ của ông Phan Đình Hương lại liên lạc với nhau gặp mặt để nhắc nhớ một thời quân ngũ từng sinh tử dưới những tán rừng thốt nốt, dưới những bưng trũng đầy bom mìn Pol Pot, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. 

Ông Phan Đình Hương và tác giả bài viết. Ảnh: V.V.T
Ông Phan Đình Hương và tác giả bài viết. Ảnh: V.V.T

Ông Phan Đình Hương vinh dự được cùng với các chiến sĩ đơn vị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Trung đoàn Ba Gia (và các đơn vị quân đội khác của Việt Nam) thần tốc hành quân trong 7 ngày đêm để đánh thẳng vào thủ đô Phnôm Pênh, giải phóng đất nước Chùa Tháp vào ngày 7/1/1979. Ông Hương, hiện ở xã Tam An, Phú Ninh. Dù ở tuổi gần 70 nhưng ông vẫn còn rất xông xáo và sôi nổi công việc của một chủ tịch hội chữ thập đỏ địa phương.  

Gặp lại vị tướng ở chốt tiền tiêu năm nào

Tháng 3 vừa rồi, có cuộc hội ngộ do Ban liên lạc chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia - đơn vị 3 lần được phong anh hùng, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đơn vị (1963 - 2023).

Vợ chồng ông Hương có dịp ra thủ đô gặp lại những đồng đội một thời sát cánh bên nhau, đặc biệt hơn là gặp lại người thủ trưởng cũ ở chốt tiền tiêu những tháng ngày ác liệt nhất. Đó là Trung tướng Phạm Chân Lý - nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông Hương kể, sau thời gian huấn luyện, đầu tháng 8/1978, đơn vị ông có lệnh đưa lực lượng về tuyến biên giới Tây Ninh ngăn chặn những hành động xâm lấn của quân đội Pol Pot, bảo vệ nhân dân. Khu vực biên giới Tây Ninh khá phức tạp, không chỉ có đường biên dài nhất tiếp giáp Campuchia mà còn tiếp giáp đến 3 tỉnh nước bạn.

Ông Hương không thể quên những địa danh từ Chàng Riệc đến Lò Gòn, Xa Mát, Kà Tum, Phước Tân… - nơi  những đồng đội ông ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống lại quân Pol Pot để bảo vệ đất nước mình và cũng là để chống lại sự diệt chủng, hồi sinh cho đất nước Campuchia.

Khi ông Hương cùng đồng đội về chiến tuyến biên giới Tây Ninh, không lâu trước đó quân Pol Pot đã gây ra hàng loạt vụ tàn sát dân thường dã man. “Đã đi là đến, đã đánh là thắng”, Trung đoàn Ba Gia đã chặn đứng ngay sự xâm lấn, bàn tay tội ác của quân đội Pol Pot.

Việc đánh đuổi bọn chúng bước đầu đạt kết quả, nhưng khi tiến vào địa phận nước bạn lại gặp vô vàn khó khăn, bởi địa hình núi rừng, bưng đồng hiểm trở, ta lại không quen thuộc địa bàn như quân Pol Pot, khi chúng lại dùng chiến thuật du kích đánh trả.

Cựu binh Nguyễn Phúc Tánh (quê xã Tiên Sơn, Tiên Phước) - Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia tại Quảng Nam và cựu binh Phan Văn Chín - Thường trực ban liên lạc Trung đoàn tại TP.Tam Kỳ kể lại, gần cuối 1978 quân đội Pol Pot tấn công rất quyết liệt.

Họ dùng chiêu trò, trước đó thì gài mìn khắp nơi để đón lõng quân ta đánh sang nhưng sau đó bọn chúng đã ngông nghênh mở những đợt phản công đánh rất rát để chiếm lại những địa bàn bộ đội Việt Nam đã lấy.

Để phá bom mìn dọn đường chúng lùa cho trâu bò đi trước. Các chốt biên giới của quân ta bị pháo binh dồn dập tấn công, rồi lính Pol Pot bò vô cướp chốt. Các vùng đất sát biên giới trở thành địa bàn giành giật qua lại nhiều lần. Nhiều binh sĩ của ta hy sinh.

Và rồi cũng từ chốt tiền tiêu mà ông Hương có kỷ niệm không thể nào quên với người thủ trưởng của mình. Đó là câu chuyện chốt tiền tiêu chỉ có 3 người: Phạm Chân Lý, Phan Đình Hương, Nguyễn Văn Lào.

Hôm gặp mặt, rồi đến thăm chơi tại nhà riêng thủ trưởng cũ là Trung tướng Phạm Chân Lý, ông Hương nhắc nhớ kỷ niệm bằng những câu thơ làm mọi người rưng rưng xúc động: “Những ngày ở chốt tiền tiêu/ mùa mưa nước bạn đủ điều khó khăn/ Nhưng lòng chẳng chút băn khoăn/ Ngày thì ẩn nấp tối đêm ra ngoài/ Ba thằng một chốt lẻ loi/ Thức trợn con mắt ngồi chờ địch qua/ Hầm kèo được gọi là nhà/ C1 ở chốt hơn 3 tháng trời/ Có đêm địch bắn tơi bời/ DKZ địch bắn tơi nắp hầm/ Thủ trưởng Lý lại ân cần/ Ôi giời! thương nhẹ cái đầu không chi/ Suốt đời tôi mãi khắc ghi/ Đó là kỷ niệm của thời chiến binh”.

Ông Hương giải thích: “Hồi nớ lính, thủ trưởng thân thiết tao mày hết. Đêm đó địch bắn tơi nắp hầm, mình bị thương mấy mảnh đạn, thủ trưởng Lý lại sờ cái đầu thấy không bị nặng, ổng kêu “ối giời” - giọng Bắc của ổng đó”.

Chuyển cơm đến chốt và câu chuyện nghĩa tình

Những người lính Việt Nam tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K bây giờ về với đời thường hầu hết tuổi đã hưu, mỗi khi gặp nhau lại không khỏi bồi hồi xúc động. Họ nhớ lại, mùa khô gian nan đã đành, bước vào mùa mưa vùng biên giới rồi ở nước bạn mưa gió sầm sập trắng xóa rừng núi, tầm tã suốt ngày đêm.

Đường sá lầy lội, chỗ đơn vị đóng quân bùn lầy nhão nhoét. Do sông suối chia cắt nên các đơn vị hoàn toàn độc lập, nếu có chuyện gì thì tự giải quyết, không thể trông chờ vào sự chi viện từ phía sau.

Nhiệm vụ đưa cơm cho chốt tiền tiêu cũng rất gian nan. Khoảng cách chỉ 300 - 500m, nhưng đến chỗ ông Hương đóng chốt chỉ một lối đi duy nhất, men theo bưng lầy. Có lần đang mang cơm về chốt thì bọn Pol Pot phát hiện xả súng từ bìa rừng ra bưng xối xả.

Kinh nghiệm mách bảo ông Hương nằm ngửa mình trên mặt bưng lầy. Màn mưa trắng xóa giúp ông di chuyển trong tư thế người thì dưới nước nhưng đầu và tay bê cơm đưa khỏi mặt sình lầy. Cứ thế, đạn cắt bụp… bay vèo vèo qua mặt, sượt cả bên hông, nhưng may thay nó tránh những chỗ hiểm để ông còn mang cơm về cho thủ trưởng Lý.

Ôn lại những năm tháng chiến trường, ông Hương nói: “Mình lính tráng thôi nhưng rất tự hào bởi trưởng thành từ Trung đoàn Ba Gia, đã có tới mười mấy cán bộ mang hàm cấp tướng, điển hình có Thượng tướng Nguyễn Chơn, Thượng tướng Lê Chiêm, cố Thiếu tướng Trương Hồng Anh, Trung tướng Phạm Chân Lý…

Những gian khổ, ác liệt của chiến trường như một thứ lửa trui rèn bản lĩnh, ý chí của người lính trong cuộc sống đời thường, là chất keo kết dính nghĩa tình đồng đội trong sáng, không vướng chút gì về vật chất của một thời những người lính tình nguyện”.

Từ chiến trường K, từ chốt tiền tiêu, một thượng sĩ như ông Hương lại có mối thâm giao với Trung tướng Phạm Chân Lý như một cơ duyên.

“Khi còn làm Cục trưởng Cục Quân lực, về làm việc với Quân khu 5, ổng nhờ người tìm địa chỉ liên lạc với mình. Mới đây nhất ổng đã bao cả vé máy bay cho vợ chồng mình bay ra thủ đô dự gặp mặt nhân kỷ niệm 60 thành lập Trung đoàn Ba Gia. Mấy mươi năm rồi, nghĩa tình người lính Cụ Hồ là vậy. Mỗi năm cứ tháng 3 về lại ngùi ngùi nhớ về đồng đội những năm tháng trên chiến trường K ác liệt” - ông Hương chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức chiến trường K
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO