“Tấn công và nổi dậy giải phóng TP.Đà Nẵng ngày 29.3.1975 có ý nghĩa quyết định sự sụp đổ quân ngụy ở miền Nam” (cố Tổng Bí thư Lê Duẩn). Đối với nhiều người trong cuộc, đó là một ngày không thể nào quên.
Ông Trần Thận - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà:
“ Lãnh đạo nhạy bén, chớp thời cơ ”
Dù đã 89 tuổi nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi của ngày Đà Nẵng được giải phóng cách đây 40 năm. Tôi còn nhớ, ngày 25.3.1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Quảng Đà (Mặt trận 4) do Trung tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tham mưu phó làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Với tư tưởng chỉ đạo “5 nhất” (kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng nhất), đánh chiếm căn cứ liên hiệp quân sự hải lục không quân lớn thứ hai ở miền Nam, giải phóng Đà Nẵng chậm nhất vào ngày 3.4.1975.
Trước đó, ngày 24.3, đồng chí Trần Hưng Thừa (Trần Bắc), Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư quận Nhất Đà Nẵng đã đột nhập vào nội thành họp với ban cán sự các phường của quận, thành lập các ủy ban khởi nghĩa . Ngày 28.3, bộ phận chỉ đạo tiền phương của Đặc khu ủy do tôi trực tiếp phụ trách từ Hòn Tàu (Duy xuyên) về Điện Hòa (Điện Bàn) thì vừa tối, họp Thường vụ Đặc khu ủy mở rộng ra quyết định sẽ phát lệnh đồng loạt tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng vào đêm 29.3, rạng ngày 30.3.1975.
Bộ đội tiến vào giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975. Ảnh tư liệu |
Lúc này, quân địch ở Đà Nẵng đang lâm vào thế cô lập, rối loạn. Đêm 27.3, được sự vận động của ta, 3.000 lính ngụy ở Hòa Cầm nhất tề bỏ trại. Ngay chiều 28.3, tướng Ngô Quang Trưởng cùng Bộ Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật lẻn lên máy bay ra hạm đội 7. Được tin, Thường vụ Đặc khu ủy họp quyết định khẩn cấp “Vào Đà Nẵng ngày 29.3.1975” và điện xin ý kiến cấp trên. Đến 12 giờ ngày 29.3 mới có điện của Khu ủy 5 đồng ý nhưng các mũi tiến công bí mật đã đột nhập vào thành phố và đã đồng loạt phát lệnh khởi nghĩa ngay sáng ngày 29.3. Đặc biệt, lực lượng tự vệ đã phá cửa nhà lao Kho đạn (tại Chợ Cồn) giải thoát cho hơn 700 anh chị em tù chính trị, kịp thời bổ sung cho các phố phường nổi dậy khởi nghĩa. Cùng lúc, các cánh quân chủ lực theo 3 hướng tiến vào giải phóng thành phố. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 29.3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, báo hiệu TP.Đà Nẵng đã được giải phóng.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trưởng ban Đặc công Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà:
“Sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ”
TP.Đà Nẵng là một trong những hướng chính tiến công chủ lực của ta ở mặt trận Quảng Đà. Song bấy giờ, Sư đoàn 2 đang ở Tam Kỳ, còn các sư đoàn khác quân khu không thể nào điều kịp vì đang đánh ở xa. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đặc khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà chọn phương án tốt nhất: đánh Đà Nẵng là dùng bộ đội đặc công, bộ đội địa phương và lực lượng Sư đoàn 2, có một số xe tăng, pháo binh quân khu phối hợp.
Trước đó, tháng 1.1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 quyết định thành lập Trung đoàn 96, gồm 3 tiểu đoàn (trong đó có Tiểu đoàn 2 đặc công hóa), đến ngày 22.3.1975 thành lập Trung đoàn 97 (trong đó có Tiểu đoàn đặc công 491).
Đúng theo kế hoạch, rạng sáng 28.3, pháo 130mm của ta nã cấp tập vào các cứ điểm địch. Các mũi tiến công của chủ lực đồng loạt nổ súng tiến công vào Đà Nẵng. Đến chiều 28.3, ở phía nam, Sư đoàn 2 của tướng Nguyễn Chơn sau khi giải phóng Tiên Phước, Tam Kỳ, cấp tốc hành tiến theo quốc lộ 1 đánh chiếm các địa bàn phía nam sông Thu Bồn và vượt sông tiến ra Đà Nẵng. Ở phía tây, Sư đoàn 304 (thuộc Quân đoàn 2 chủ lực của bộ) tiến quân theo quốc lộ 14 áp sát Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm. Ở phía bắc, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đánh chiếm đèo Hải Vân và đánh thẳng vào thành phố.
Riêng các đơn vị đặc công, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ (nòng cốt trong các sư đoàn Quân khu 5 và bộ đội địa phương) bí mật tập kích, thọc sâu vào bên trong đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như cầu đường, sân bay, bến cảng, kho tàng, không cho địch đánh phá trước khi rút chạy, tạo thuận lợi cho các mũi tiến công của bộ binh, xe tăng cơ động tiêu diệt địch. Trong đêm 28.3, Tiểu đoàn Đặc công 491 và Đại đội Biệt động Lê Độ bí mật vượt sông Cẩm Lệ, lót quân sát các mục tiêu then chốt phía nam cầu Trịnh Minh Thế, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy. Tiểu đoàn Đặc công 471 cũng áp sát cầu Thủy Tú, sân bay Xuân Thiều. Tiểu đoàn Đặc công 35 tiến công đánh chiếm các điểm cao trên núi Phước Tường - Cẩm Khê, khu kho đạn Sũng Mây, sau đó hành tiến đến ngã ba Huế, căn cứ Hoa Lư. Đồng thời Tiểu đoàn Đặc công 491 và Đại đội Biệt động Lê Độ đánh chiếm chi khu quận lỵ Hòa Vang, phường Hòa Cường, ngã tư Quân đoàn và phía tây cầu Trịnh Minh Thế. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra quyết liệt, quân địch dựa vào lô cốt, công sự chống trả. Đến hơn 8 giờ sáng 29.3 ta mới chiếm được các điểm, tạo thế cho Sư đoàn 2 và Trung đoàn 96 đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy.
11 giờ 30 ngày 29.3, Đại đội Biệt động Lê Độ, tiếp đó là Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 96 chiếm Tòa thị chính. Đến 14 giờ 29.3, lá cờ cách mạng được cắm trên cột cờ Bộ Chỉ huy Quân đoàn I ngụy. Song, phía đông Đà Nẵng, cuộc chiến đấu vẫn diễn ra quyết liệt giữa địch với Trung đoàn 97, Đại đội 2 Tiểu đoàn Đặc công 489, Đại đội Đặc công khu 3 Hòa Vang. Với sức tiến công mạnh mẽ của ta, quân địch lần lượt bị tiêu diệt hoàn toàn. Đến 15 giờ ngày 29.3, Đà Nẵng im tiếng súng.
Luật sư Đỗ Pháp - nguyên Phó Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng (1970- 1975):
“Có một thời rực lửa tranh đấu”
Thoáng chốc sự kiện 29.3.1975 đã qua 40 năm, nhưng đối với chúng tôi - những anh chị em tham gia phong trào đấu tranh của đô thị và sinh viên - học sinh Đà Nẵng (giai đoạn 1970 - 1975) vẫn không thể nào quên.
Những năm ấy, TP.Đà Nẵng tràn ngập các sắc lính Mỹ ngụy và chư hầu, kèm theo đó là những tệ nạn xã hội thời chiến. Cuộc sống như cuốn vào vòng xoáy hỗn độn và bất công, con người như lao vào lối sống vội vã không ngày mai. Thế nhưng, ngay trong lòng đô thị ấy, vẫn có hàng vạn tấm lòng tuổi trẻ hướng về cách mạng, tham gia đấu tranh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Ngày 17.7.1971, tại tịnh xá Ngọc Cơ (đường Hoàng Diệu), 37 học sinh đại diện cho hơn một vạn học sinh của các trường học tại Đà Nẵng đã họp bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng (HSĐN), do Đặng Thanh Tịnh làm Chủ tịch, Lương Thanh Liêm làm Tổng Thư ký.
Dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Quận ủy và Quận đoàn quận Nhất (sau là Đặc khu Đoàn Quảng Đà) nhiều cốt cán Tổng đoàn HSĐN được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam và Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh. Ngay sau khi ra đời, Tổng đoàn HSĐN đã ra tuyên cáo gửi đến đồng bào và tuổi trẻ học đường Đà Nẵng, khẳng định mục tiêu chống Mỹ và tay sai, đòi hòa bình, thống nhất đất nước, cổ động mạnh mẽ cho phong trào yêu nước. Khi xe Mỹ vô cớ cán chết học sinh Phạm Văn Cường của trường Bồ Đề, lập tức học sinh Bồ Đề cùng lực lượng học sinh liên trường tập trung tại sân vận động Chi Lăng đòi trừng trị thích đáng những tên gây ra tội ác. Học sinh các trường đã dùng xăng tự chế tiến công, đốt cháy hàng chục xe Mỹ giữa đường phố. Ngay chùa Tỉnh Hội - Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng (đường Ông Ích Khiêm), hành dinh của Tổng đoàn thường xuyên diễn ra các hội thảo về bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ quyền lợi tuổi trẻ học đường. Cùng với đó, là những đêm lửa trại cho những bài ca Hát cho dân tôi nghe, Tự nguyện, Lớn mãi không ngừng, Dậy mà đi,... được lan rộng, vang xa.
Đặc biệt, từ sau Đại hội sinh viên - học sinh toàn miền Nam ở Huế và Đại hội Sinh viên liên tôn quốc tế tại Sài Gòn năm 1971, phong trào đấu tranh của HSĐN dâng lên sôi nổi. Điển hình là ngày 3.10.1971, Đà Nẵng chìm ngập trong làn sóng người biểu tình chống trò hề bầu cử của Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương. Trong cuộc chiến giáp lá cà với cảnh sát dã chiến ngụy, 2 học sinh Nguyễn Bá Tần, Nguyễn Tam Vàng bị chúng bắn chết. Thi thể 2 học sinh được đưa về quàn tại chùa Tỉnh Hội, kêu gọi đồng bào đấu tranh. Và sáng ngày 9.10.1971, đám tang 2 học sinh đã trở thành cuộc diễu hành lớn, hàng vạn đồng bào Đà Nẵng tham gia tiễn và dự lễ truy điệu tại ngã ba Cai Lang. Đại diện Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng, đại diện Tổng hội Sinh viên Huế và Tổng đoàn Học sinh Huế lên diễn đàn phát biểu, lên án mạnh mẽ chính quyền Mỹ ngụy.
Bên cạnh các hoạt động hợp pháp, Tổng đoàn HSĐN bí mật chuẩn bị phối hợp các lực lượng cách mạng và quần chúng tham gia các chiến dịch “Xuân - Hè 72”... Sau đó, ngày 15.5.1972, hầu hết nhân vật cốt cán trong Tổng đoàn bị địch bắt và đưa đi giam khắp các nhà tù miền Nam. Từ đây, một trang sử khác lại bắt đầu, trong tù anh chị em kiên cường chiến đấu chống chế độ lao tù hà khắc. Một số thoát ly lên chiến khu tiếp tục chiến đấu. Số còn lại chuyển sang hoạt động bí mật, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động mới cho đến ngày 29.3.1975 thắng lợi.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng một thời tranh đấu rực lửa của lớp thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Nẵng trong năm tháng chống Mỹ mãi mãi là những hình ảnh đẹp tuyệt vời. Những cống hiến của một thời trai trẻ hôm qua, nay được đền bù và chứng kiến bằng thành quả của một Đà Nẵng đầy sức trẻ, phát triển năng động.
NGUYỄN THANH BÌNH (thực hiện)