Ký ức Đà thành - Kỳ 1: Đường đến chợ Cồn

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 17/10/2016 09:28

Tôi lần đầu tiên từ một vùng quê Điện Bàn ra Đà Nẵng vào năm 1965. Xuống bến xe chợ Cồn, tôi đi thẳng về nhà dì ruột tôi, nằm trong con hẻm đường Hoàng Diệu, gần khu cư xá kiệt 7. Con đường này ngày xưa mang tên một sĩ quan không quân Pháp gốc Việt là Đỗ Hữu Vị. Ông này nghe đâu chết trong Thế chiến thứ nhất. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi thành Hoàng Diệu cho đến ngày nay. Khoảng năm 1965, là đường nhựa cấp phối, hai bên lề toàn cát và những cây xà cừ to lớn. Bọn chúng tôi tựa vào những gốc cây ấy để chơi trò “đánh giặc giả”.

Chợ Cồn xưa.
Chợ Cồn xưa.

Tôi đi học ban ngày, ban đêm phụ việc cho tiệm phở, mì bò viên Thái Ngư, của một người chú bên bà nội. Trên đường đẩy xe phở hướng về chợ Cồn mỗi chiều, đến bót cảnh sát Hoàng Diệu và hãng nhuộm Đặng Mỹ Châu ngay ngã tư, có ba lối đi. Phần đường Hoàng Diệu bám sát bờ thành của nghĩa trủng Phước Ninh, sau này là nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương ở phía đông để dẫn về Ngã Năm. Đường về phía Tỉnh hội Phật giáo và chợ Cồn nguyên là đường Sabiella được đổi thành Ông Ích Khiêm từ 1955 và đường ở giữa là Triệu Nữ Vương mà trước đây người Pháp đặt tên là Labbée, hoàn toàn chỉ mới lát đá. Lúc đó, đường từ chùa Tỉnh hội đến trường Sao Mai chưa có tên là Lê Đình Dương như bây giờ và là đường đất, hai bên nhà tôn lụp xụp…

Đi trên đường Ông Ích Khiêm khi gần đến chợ Cồn, phải vượt qua con đường sắt, ngày nay đã bị tháo dỡ và làm thành đường phố mang tên Nguyễn Hoàng. Vào năm 1965, thỉnh thoảng vẫn còn những chuyến tàu hàng chạy qua đây để ra cảng Tiên Sa hoặc vào sân bay. Nhưng ấn tượng nhất vì đây là đầu mối của một trong những ổ ăn chơi trụy lạc của Đà Nẵng mang tên xóm Đường Rầy, luôn nhộn nhịp những sắc áo lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cùng những ả bán phấn; đôi lúc có những vụ nổ lựu đạn hoặc bắn nhau vì giành gái!... Một lần vào giữa khuya khi đẩy xe phở quay về, ngang qua Đường Rầy, tôi đã bị giật chiếc mũ nỉ vừa mới mua từ tích góp số tiền lẻ của khách hàng quán phở Thái Ngư cho hàng đêm. Hồi ấy những vụ cướp giật chỉ đơn giản là vậy, nhưng… vô phước lại rơi vào một đứa trẻ con nghèo như tôi!

Từ Đường Rầy đến chợ Cồn, trong suốt nhiều năm từ khoảng 1973 đến 1985, nghĩa là trước giải phóng và đổi mới, là đoạn đường bày hết ra những gì của kinh tế Đà Nẵng. Nếu từ 1973 đến 1975 là nơi người ta bày bán những gì có trong nhà để đắp đổi một nền kinh tế khó khăn của cuối cuộc chiến tranh, thì sau 1975 được gọi một cái tên không còn giấu giếm: chợ Trời! Từ quần áo, quân trang chế độ cũ, dụng cụ gia đình, cọc ấp chiến lược, kẽm gai đến phụ tùng xe máy, xe đạp, ô tô cũ và cả đồ ăn cắp.

Ngã tư Chợ Cồn

Tiệm phở, mì bò viên Thái Ngư của chú tôi bày bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm ngay trước hiệu sách Văn Hóa, nhìn qua ki-ốt cà phê Xướng bên phía chợ Cồn, xéo chút nữa trên đường Khải Định (tức đường Edouard de L’Horlet được đổi thành đường Khải Định vào năm 1954) là chiếc cổng chợ xây dựng theo lối cách tân giữa kiến trúc cổ và kiến trúc Pháp cao vòi vọi. Trước năm 1946, cha tôi thường kể đây là cái cồn đất rộng khoảng hơn 2 héc ta nằm trước Kho Đạn. Không có đường lên cồn nhưng có hàng trăm lối mòn bởi những bước chân cư dân ở gần lên đó trồng rau hoặc đi băng qua. Trên cồn không có cây cao, nhưng nhiều bụi rậm. Cái nhà vệ sinh lộ thiên không biết do ai làm. Có lẽ việc hình thành bến xe từ Huế vào, Quảng Nam ra ở khu vực này đã tạo ra một cái chợ trên cồn đất ấy và dân gian tự đặt tên là chợ Cồn tồn tại đến nay chăng!

Chợ Cồn nay.
Chợ Cồn nay.

Ngã tư Chợ Cồn, chỉ một đoạn trên đường Khải Định đã có hai hiệu sách nổi tiếng là Văn Hóa và Ngày Mới bán các loại sách báo từ Sài Gòn chở ra và dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm mà chủ nhân là hai gia đình người Huế. Bên khu chợ Cồn, bao quanh các nhà lồng mở cửa ra hai đường Khải Định (nay là Ông Ích Khiêm) và Hùng Vương (tên cũ là Rue de la République) là nơi buôn bán của các nhà buôn tạp hóa, hiệu vàng lớn ở Đà Nẵng. Một trong các ki-ốt nổi tiếng và nhiều kỷ niệm với tôi chính là hiệu cà phê Xướng. Ở đây quy tụ mỗi sáng hầu như tất cả thành phần viên chức, lái xe, thợ thuyền… đến uống cà phê, ăn sáng. Cà phê pha trong những bao vải gọi là cà phê bít-tất, kèm theo những bình thủy tinh đựng bánh tiêu, bánh rán trên bàn. Phía góc chéo bên kia gần khu gia binh là vài quầy bán đồ ăn, giải khát, nhưng nổi tiếng đến ngày nay là quầy bánh mì ông Tý, luôn thu hút bọn học trò nhỏ bởi hai lý do: chả do tự tay ông Tý làm thơm ngon, sạch sẽ, không bỏ phèn sa và ai mua nửa ổ cũng bán. Nghe rằng con cái ông Tý bây giờ đều đã thành đạt và thương hiệu ấy bây giờ vẫn tồn tại và ăn khách ở nhiều điểm khắp thành phố, nhất là khi các loại thực phẩm có hóa chất hay tẩm phèn sa nguy hiểm ngày càng nhiều hiện nay…

Nhiều năm sau, cho đến ngày đổi mới, chợ Cồn được xây dựng lại cao tầng và đổi tên thành Trung tâm Thương mại Đà Nẵng, nhưng rồi phải quay về tên cũ vì nhiều ý kiến không đồng tình của tiểu thương.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức Đà thành - Kỳ 1: Đường đến chợ Cồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO