Ký ức Đà thành - Kỳ cuối: Đường lớn đã mở

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/10/2016 08:43

Con đường dọc bờ tây sông Hàn có lẽ là một đường phố được hình thành sớm nhất của Đà Nẵng, đồng thời với con đường song song ở phía tây, nay là Trần Phú, được Toàn quyền Paul Doumer mô tả từ đầu thế kỷ 20 khi ông đến Đông Dương nhậm chức năm 1897, với những tòa nhà đầu tiên được xây dựng và bắt đầu công cuộc xây dựng cảng sông Hàn…

Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng thúc đẩy thành phố phát triển. Trong ảnh: Khu cầu vượt Ngã Ba Huế.
Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng thúc đẩy thành phố phát triển. Trong ảnh: Khu cầu vượt Ngã Ba Huế.

Quai Courbet - Bạch Đằng

Đầu thế kỷ 20, Toàn quyền Đông Dương trích ngân sách 50 ngàn quan cho xây dựng con đường dọc bờ sông và bến cảng, đặt tên là Quai Courbet, mà trước đó vẫn là con đường đất. Năm 1955, Quai Courbet được đổi tên thành đường Bạch Đằng và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó Rue Jules Ferry (đoạn từ Đống Đa đến chợ Hàn) và  Avenue du Musée (từ chợ Hàn đến Bảo tàng Chăm) được ghép làm một đổi tên thành Độc Lập từ năm 1975, nay là Trần Phú. Hai con đường tạo ra diện mạo đầu tiên cho thành phố.

Chạy theo hướng bắc - nam, thuở học trò tôi vẫn thích đi xe đạp trên con đường Bạch Đằng để nhìn cảnh ghe thuyền tấp nập và những dinh thự cổ xây dựng theo kiến trúc Pháp nhìn ra sông. Nào là dinh thự của Nha Thương Cảng, hải quan, cơ quan đại diện chính phủ “miền bắc Trung nguyên Trung phần” thời Ngô Đình Diệm, Cơ quan văn hóa Pháp (nay là thư viện), hãng rượu Sica (công ty foodinco), khách sạn Bạch Đằng, Tòa thị chính, ngân hàng Công Thương (nay là cơ quan Thành ủy), Bưu điện… Rồi đến hàng loạt kho hàng của các thương gia Hoa kiều bên cạnh nhà ga xe lửa gần chợ Hàn… Con đường sắt chạy từ ga xe lửa, men theo bờ sông lên cầu De Lattre để qua Tiên Sa và một nhánh nữa đi thẳng Hội An (đã bị trận lụt bão lớn năm 1905 phá hỏng). Một nhà hàng nổi duy nhất dưới sông mang tên Kim Đình, và bến phà ngang qua sông gần đó… Vào những mùa nghỉ hè, tôi theo gia đình đi giữ vịt nên vẫn thường chở trứng về theo những chuyến ghe chở rau quả từ phía Hói Kiểng, Hòa Xuân, Nước Mặn về Bến Mía gần chợ Hàn. Những ngày đi học, lại cùng chúng bạn xuống nô đùa, tắm rửa dưới sông Hàn.

Lớn lên một chút, khi học đến đệ nhị cấp, tức cấp ba bây giờ, thì ra bờ sông uống nước mía để được ngồi trên những cái ghế nhựa hóng mát hoặc ngồi ôn bài. Ngoài kia là những chuyến tàu tuần giang của hải quân Mỹ, to gấp nhiều lần những chiếc ghe đánh cá của ngư dân ngược xuôi, rẽ sóng làm xáo động cả một dòng sông vốn yên tĩnh. Bên kia sông là một sân bay trực thăng luôn nhộn nhịp máy bay lên xuống sau khi hoàn tất một phi vụ tuần tiễu nào đó. Quang cảnh đường Bạch Đằng, cũng như sông Hàn lúc ấy, là một khuôn mặt khác thường của chiến tranh. Toàn quân cảnh người Việt hoặc MP (Mỹ) lăm le súng ống tuần tiễu trên những chiếc xe Jeep mui trần…  

Những tấm lòng đã mở!

Nhìn lại lịch sử phát triển Đà Nẵng từ khi bắt đầu là nhượng địa của Pháp đến nay, tuy việc xây dựng có khác nhau về thời gian, quy mô và chịu những tác động của những điều kiện cụ thể, nhưng cả ba “trụ cột” hạ tầng là đường bộ - đường sắt qua Hải Vân, cảng biển và sân bay Đà Nẵng đều đã trở thành những công cụ mang tính động lực giúp thành phố đẩy mạnh việc mở rộng giao thương với bên ngoài. Có thể nói, đây là những cơ sở vật chất tạo ra đà canh tân trong hơn một thế kỷ qua cho một đô thị mà ngày nay chúng là gọi là “đô thị động lực” của một vùng trọng điểm kinh tế miền Trung…

Nhưng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật luôn là những điều kiện cần mà chưa đủ. Chúng ta vẫn còn nhớ những than phiền của du khách nước ngoài về việc Đà Nẵng thiếu những sinh hoạt giải trí vào ban đêm, du khách chỉ ghé qua mà chưa ở lại nhiều ngày và chưa chi tiêu cho những dịch vụ mà ngành du lịch và thương mại hằng mong muốn. Chúng ta cũng từng nghe một bãi biển nhiệt đới đẹp hoang sơ, những bãi cát mịn màng tựa hồ powder milk nhưng thiếu vắng những khách sạn tiện nghi, trong khi đó lại dày đặc những đứa bé ăn xin, đánh giày, bán hàng rong và những người chạy xe ôm, xích lô tranh giành khách. Nhiều du khách và các nhà phân tích hoạt động lữ hành từng nói, đó chính là những anti-marketing (phản tiếp thị) trong kinh doanh du lịch. Lại có những thị trường du khách tiềm năng bỏ rơi Đà Nẵng chỉ vì thiếu đường bay thẳng, thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước họ…

Tất cả khiếm khuyết kể trên đang được điều chỉnh từng ngày của người Đà Nẵng bởi giờ đây doanh thu du lịch - thương mại đã chiếm đến gần một nửa GRDP hàng năm của thành phố. Người kinh doanh khách sạn, lái taxi, tiểu thương buôn bán ở các chợ, những doanh nhân đầu tư vào nhiều hoạt động giải trí, hàng lưu niệm mỗi ngày đều đã hưởng lợi từ các nguồn thu trong kinh doanh dịch vụ du lịch của mình. Những người bạn tôi có các chuỗi cửa hàng mỹ nghệ Non Nước,  mì Xứ Quảng, thịt heo cuốn bánh tráng mang thương hiệu Mậu, Trần hay cả  kinh doanh mắm cá cơm Dì Cẩn, hải sản khô, trầm hương và cả dịch vụ tắm nước ngọt trên bãi biển ở Đà Nẵng đều cho biết “văn minh và hiếu khách trong kinh doanh giờ đây đang trở thành những bài huấn luyện mỗi ngày cho các nhân viên của mình…”. Những người lái taxi hay đạp xích lô mỗi ngày mỗi cố gắng trau dồi tiếng Anh. Anh bạn phụ xe ở xóm tôi bây giờ ăn mặc tinh tươm ra đi mỗi sáng, luôn ghé vào quán cà phê đầu hẻm kể chuyện về đặc điểm của từng đoàn du khách: anh ấy đã chuyển sang phụ xe đưa đón khách du lịch cho một hãng lữ hành và thu nhập tăng lên thấy rõ!

Hạ tầng Đà Nẵng được xây dựng nhanh chóng đã mở ra những lối hòa nhập với thế giới, nhưng tấm lòng của con người Đà Nẵng nếu chưa mở ra để đón bè bạn phương xa bằng phong cách mới, vừa hiện đại lại vừa biết hãnh diện bởi truyền thống của mình, thì e rằng khát vọng phát triển cũng chỉ là những giấc mơ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức Đà thành - Kỳ cuối: Đường lớn đã mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO