Ký ức đi cùng năm tháng

THÀNH CÔNG 30/04/2021 04:07

Năm tháng mang đi ít nhiều trí nhớ, sức khỏe, mang luôn cả những người đồng đội về với tuổi trời, người ở lại nay cũng đã chạm ngưỡng thất thập, song ký ức về ngày giải phóng thị xã Tam Kỳ và tuổi trẻ sôi nổi, say mê của họ vẫn không phôi pha. Đã 46 năm trôi qua, cuộc hội ngộ của những cán bộ, chiến sĩ thị xã Tam Kỳ thời kháng chiến chống Mỹ đong đầy trong cảm xúc.

Bà Phan Thị Cẩm Nhung (bìa trái), cán bộ phụ trách công tác phụ nữ nội ô thị xã Tam Kỳ trong kháng chiến vui mừng gặp lại những đồng đội cũ.
Bà Phan Thị Cẩm Nhung (bìa trái), cán bộ phụ trách công tác phụ nữ nội ô thị xã Tam Kỳ trong kháng chiến vui mừng gặp lại những đồng đội cũ.

Cùng chiến hào năm cũ

“Tôi nhớ lắm cảm giác lúc đó, bụng chưa có hột cơm, mà ai cũng chạy, bước chân mình cứ lơ lửng như không chạm đất. Phấn khởi lắm, sướng không tả được. Bao nhiêu năm luồn rừng, đi về trong đêm tối, giờ cứ thênh thang đường lớn mà đi, đi giữa ban ngày, quê hương giải phóng rồi. Bốn mươi sáu năm hòa bình rồi, mà nhớ miết chuyện xưa”.

(Bà Phan Thị Cẩm Nhung - ở khối phố Hương Chánh, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ - nhắc kỷ niệm xưa

Những bồi hồi của ngày gặp lại níu chân nhiều người ngoài hành lang. Cái ôm vội trao nhau, bàn tay lấm tấm đồi mồi lần tìm từng bàn tay, từng khuôn mặt, nhắc tên từng đồng đội năm xưa. Tuổi xuân gửi lại cho chiến trường, cho cách mạng, họ trở về gặp nhau khi mái đầu đã bạc, bước chân đã mỏi, có người vĩnh viễn gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường…

Ông Bùi Phan Toản, thành viên Ban liên lạc cán bộ chiến sĩ thị xã Tam Kỳ trong chiến tranh (hiện sống ở khối phố Mỹ An, phường An Mỹ) bước lên bục, gửi lời chào đến các đồng chí, đồng đội từng cùng chiến hào năm xưa. Ông bảo, lẽ ra buổi gặp mặt được tổ chức vào dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng quê hương (năm 2020), nhưng do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên mãi đến hôm nay Ban liên lạc mới thực hiện được.

“Vẫn còn đó những khát khao hội ngộ, chúng ta quyết gặp nhau để tay bắt mặt mừng, để thăm hỏi nhau trong những ngày còn lại vì thời gian không chờ đợi. Ban liên lạc xin chào mừng sự có mặt hôm nay của đồng đội, anh chị em cán bộ chiến sĩ đội công tác, thị đội, V18 và đại diện gia đình cơ sở cách mạng của thị xã Tam Kỳ kháng chiến” - ông Toản nói. Chừng như, đó cũng là nỗi niềm chung, là sự ngóng đợi của những người trở về trong hạnh ngộ hôm nay.

Ký ức chiến tranh - điều chung nhất cho những người có mặt tại hội trường Thành ủy Tam Kỳ ngày gặp mặt. Mỗi người lưu giữ cho mình một mảnh ghép của cuộc đời, mảnh ghép quan trọng để quê hương đi đến ngày giải phóng. Cựu chiến binh Trần Chí Thành - nguyên Bí thư Thị ủy, Trưởng ban Liên lạc dành những lời đầu tiên của mình để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trước giờ giải phóng.

“Xuân 1968, có đến 336 đồng chí của chúng ta đã nằm lại với đất mẹ Tam Kỳ, để chúng ta có thể trụ lại suốt 36 giờ, góp mặt vào hơn 40 điểm tấn công nổi dậy suốt toàn miền Nam để Mỹ phải công nhận chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Và suốt những năm tháng sau đó, chiến tranh vẫn không ngừng ác liệt.

Giải phóng Tam Kỳ là công lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mà đóng góp lớn nhất thuộc về những người đã ngã xuống. Chúng ta là những người may mắn vì còn sống, còn được gặp nhau hôm nay, và vinh dự vì đã đóng góp một phần sự nghiệp của mình cho giải phóng.

Những ký ức đó không thể nào quên được, và sẽ không bao giờ phai mờ. Có những người từng cầm súng, có những cán bộ nội ô hoạt động bí mật, có cả bao bà mẹ, bao gia đình âm thầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những điều đó đáng để tự hào, và phải giữ bản lĩnh, phẩm chất, trở thành gương sáng giáo dục thế hệ trẻ hôm nay” - ông Trần Chí Thành xúc động kể.

Ông Thành cũng nhắc lại kỷ niệm về đồng đội đã chia nhau từng củ sắn dân cho, hút chung từng điếu thuốc, san sẻ nắm cơm lận thắt lưng mãi đến chiều mới có thời gian giở ra ăn. Nhiều người thân xác vĩnh viễn gửi vào đất, có cả đồng đội của ông Thành sau khi bị thương, dành những hơi thở cuối cùng để gọi tên Đảng, tên Bác Hồ.

“Chúng ta không được phép quên họ, Tổ quốc không bao giờ quên đồng đội, đồng chí của chúng ta đã ngã xuống cho ngày giải phóng. Ngày 24.3, Tam Kỳ trở thành một trong những thị xã đầu tiên dọc quốc lộ 1 giải phóng. Giải phóng mà toàn vẹn, giữ được sinh mạng của dân, bảo toàn tài sản để tạo thế và lực cho công cuộc dựng xây sau đó.

Để rồi từ một thị xã nghèo nàn, Tam Kỳ có vóc dáng của một thành phố trẻ đầy nội lực hôm nay. Truyền thống đó phải được lưu giữ, để thành niềm tự hào cho con cháu mai sau” - ông Thành không giấu được niềm xúc động.

Niềm vui ngày hạnh ngộ

Bà Phan Thị Cẩm Nhung (khối phố Hương Chánh, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) lách đi giữa rất đông người có mặt, tìm lại từng người bạn, người đồng đội cũ. Đã bước qua tuổi thất thập, nhưng cứ trở đi trở lại trong bà là những câu chuyện cũ thuở còn hoạt động bí mật trong nội ô, ngược lên vùng căn cứ hay chuyến trở về một ngày sau giải phóng thị xã.

Bà kể, vào học đệ thất năm 1965, mặc áo dài được một tháng thì căn nhà nơi bà ở là cơ sở cách mạng bị lộ, bà chạy ra vùng giải phóng. Năm 1971, bà trở về thị xã, phụ trách công tác phụ nữ bí mật.

Ông Trần Chí Thành (ngoài cùng bên phải) - nguyên Bí thư thị ủy Tam Kỳ, Trưởng ban liên lạc trò chuyện với đồng đội ngày gặp lại. Ảnh: T.C
Ông Trần Chí Thành (ngoài cùng bên phải) - nguyên Bí thư thị ủy Tam Kỳ, Trưởng ban liên lạc trò chuyện với đồng đội ngày gặp lại. Ảnh: T.C

“Đang học lớp phụ vận ở khu, trước ngày giải phóng, tôi được vận động đi cùng chị em về giúp cho thị xã trong việc chuẩn bị tổ chức các hoạt động. Đang trên đường về thì thị xã giải phóng.

Tôi nhớ lắm cảm giác lúc đó, bụng chưa có hột cơm, mà ai cũng chạy, bước chân mình cứ lơ lửng như không chạm đất. Phấn khởi lắm, sướng không tả được. Bao nhiêu năm luồn rừng, đi về trong đêm tối, giờ cứ thênh thang đường lớn mà đi, đi giữa ban ngày, quê hương giải phóng rồi.

Bốn mươi sáu năm hòa bình rồi, mà nhớ miết chuyện xưa. Nhớ lần ở Tam Lãnh, máy bay là là trên đầu, xả nước xuống ướt hết trơn người, nghe mùi hôi, đi tắm xong thì sáng hôm sau cây rụi lá hết. Lúc đó mới biết là chất độc hóa học. Nhớ những người cũ đã hy sinh, nhớ bộ đội miền Bắc ngã xuống giữa rừng, thương không nói thành lời được…” - giọng bà Nhung chùng xuống, khóe mắt rưng rưng.

Ngày hạnh ngộ. Có niềm vui trao nhau khi còn được gặp lại, có những nỗi xúc động chực trào khi ai đó nhắc tên người đồng đội đã đi xa không kịp chờ ngày hội ngộ hôm nay, có cả những tự hào khi họ đã góp một phần tuổi trẻ của mình cho quê hương giải phóng.

Ông Trình Minh Đức - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ, trong những ngày tháng 4 lịch sử, buổi gặp mặt của Ban liên lạc không chỉ là dịp ôn lại kỷ niệm gian khó mà hào hùng của kháng chiến, còn nhắc nhớ thế hệ hôm nay về những chiến công của Đảng bộ, nhân dân thị xã đã giành được trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương.

“Thế hệ hôm nay mãi mãi nhớ ơn, tri ân đối với các thế hệ cách mạng tiền bối, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ, những gia đình, những thế hệ cha anh đã đóng góp máu xương cho độc lập. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, lớp trẻ càng ý thức sâu sắc về nhiệm vụ của mình, phải ra sức gìn giữ những thành quả vĩ đại ấy, phải xứng đáng với sự hy sinh cao cả của lớp người đi trước, xứng đáng với sự tin yêu, đưa thành phố hôm nay tiến bước nhanh, bền vững hơn trong hành trình phát triển” - ông Trình Minh Đức nói.

Cuộc hội ngộ gợi lên nhiều câu chuyện về những phận người với thời gian, với những di chứng chiến tranh còn giày vò biết bao người thời ấy. Ông Dương Thanh Xuân - Phó Trưởng ban Liên lạc bồi hồi nhắc nhớ những người trong số họ đã lặng lẽ rời xa. Năm 2020, có đến 12 người trong danh sách gần 200 cán bộ, chiến sĩ thị xã Tam Kỳ thời kháng chiến chống Mỹ không chờ được đến ngày hội ngộ.

“Chúng ta đều đã già, quên quên nhớ nhớ, nguyện vọng của Ban liên lạc là phải xây dựng được cuốn kỷ yếu của cán bộ, chiến sĩ thị xã trong kháng chiến, vừa lưu giữ ký ức, vừa là thông tin để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Những công lao, đóng góp của các đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, khen thưởng, chăm lo đầy đủ chế độ chính sách, chúng ta càng phải có trách nhiệm với nhân dân, với thế hệ trẻ, phải giữ được sự trong sáng, trách nhiệm của người cộng sản” - ông Xuân phát biểu. Bốn mươi sáu năm ngày quê hương giải phóng, họ vẫn giữ trọn cho mình khí tiết trung kiên.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức đi cùng năm tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO