Ký ức di dân - Kỳ 2: Ân tình vùng cao

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 11/10/2016 09:47

Về làng mới chỉ là bước khởi đầu. Giữ chân bà con, vốn “mỏng manh” trước lằn ranh của đói nghèo và hủ tục, là một câu chuyện dài suốt nhiều năm tháng sau đó. Bằng tấm lòng vùng cao hồn hậu, người Cơ Tu vùng thấp đã sẵn lòng sẻ chia, nhường đất, nhường nhà cho những người mới đến.

  • Ký ức di dân - Kỳ 1: Những người mở lối
Một góc làng Chờ Cớ (xã A Ting, Đông Giang) hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc làng Chờ Cớ (xã A Ting, Đông Giang) hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhường cả ngôi làng

Khác với làng Aliêng, người làng Chờ Cớ - cùng xã A Ting, Đông Giang - đều chuyển xuống từ vùng cao khu 7, nay thuộc huyện Tây Giang. Điều khá bất ngờ đối với chúng tôi trên hành trình tìm lại ký ức di dân ở ngôi làng này là cuộc di cư bắt đầu vào năm 1976, nhưng từ hơn 10 năm trước Chờ Cớ đã hình thành. Làng vốn của người Cơ Tu ở xã Ba (Đông Giang) di cư sang lập nên. Quả trứng gà được đặt xuống để chọn đất lập làng là của các già làng Cơ Tu ở xã Ba. Ông Coor Mênh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Ting kể lại, từ chủ trương di dời, sắp xếp dân cư, toàn bộ xã A Ting ở khu 7 được vận động về khu vực dưới Sông Voi, thuộc địa phận xã Sông Kôn cũ, lúc đó có tổng cộng 7 thôn. Khi đồng bào Cơ Tu từ vùng cao chuyển xuống, người xã Ba chọn quay trở về vùng đất cũ ở thung lũng Trung Mang, nhường toàn bộ nhà cửa, ruộng rẫy cho bà con di dân. “Biết anh em vùng cao còn nhiều khó khăn, các già làng ở xã Ba đã thống nhất cho toàn bộ nhà cửa, rẫy sắn, rẫy lúa. Đồng bào vùng cao nhờ đó nhanh chóng ổn định đời sống, có cái ăn, có nhà ở ngay từ khi mới chuyển về” - ông Mênh nhớ lại.

Giữa thời đói cơm, lạt muối, việc chấp nhận rời bỏ mảnh đất mình đang sinh sống để nhường lại cho những người còn xa lạ là một chuyện cổ tích khó tin. Để chứng thực câu chuyện của Chờ Cớ, chúng tôi trở lại xã Ba, tìm gặp già Y Kông. Trong ngôi moong truyền thống, già Y Kông chậm rãi kể về lịch sử của vùng đất, về những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của tình đoàn kết giữa người Cơ Tu các vùng. Trong chống Mỹ, người Cơ Tu vùng thấp tản cư lên tận Sông Kôn lập làng. Hòa bình lập lại, ước mong trở về với vùng đất của ông cha đã giúp họ đồng ý nhường đất, nhường làng đón anh em vùng cao về. Họ cho đất, cho nhà, là cho tất cả mồ hôi, công sức hơn 10 năm gầy dựng. Nhưng chẳng mấy ai thấy phiền lòng. “Người Cơ Tu là vậy, dù còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng sẻ chia. Một con nhím không đủ để chia thịt cho cả làng, thì nấu cháo để mỗi người được một gói. Từ khi theo Đảng, theo Bác Hồ, đồng bào Cơ Tu một lòng đoàn kết, bỏ qua những xung đột trong quá khứ, xem nhau như người một nhà” - già Y Kông bộc bạch.

Giữ dân bằng lời thề

Những ngày đầu ở vùng đất mới gặp muôn vàn khó khăn bủa vây. Mùa màng thất bát, chưa thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng càng khiến đời sống của những cư dân mới thêm trắc trở. Nhưng đó cũng chưa phải là thách thức lớn nhất. Khi mới chỉ manh nha ổn định, làng Aliêng - một trong những làng mới - xảy ra “chết xấu”. Ngay cả nhiều ngôi làng đã có hàng chục năm, một khi đã xảy ra “chết xấu”, đồng bào vẫn bất chấp tài sản, của cải mà rời đi. Aliêng cũng vậy. Người dân nằng nặc đòi về lại khu 7. Không khí u ám lan sang cả những ngôi làng lân cận. Già làng Bh’riu Nga nhớ lại, sau cái “chết xấu” ấy, không một ai dám lên rừng. Nhiều người bàn nhau gùi đồ đạc trở về biên giới. “Chết xấu là điềm gở, không ai dám chống lại. Hồi đó, không khí hoang mang lắm. Một số gia đình lẳng lặng rời đi” - già Nga hồi tưởng.

Dù tuổi đã cao, già làng Y Kông vẫn miệt mài đẽo những bức tượng gỗ truyền thống Cơ Tu.  Ảnh:   THÀNH CÔNG
Dù tuổi đã cao, già làng Y Kông vẫn miệt mài đẽo những bức tượng gỗ truyền thống Cơ Tu. Ảnh: THÀNH CÔNG

Trong khi câu chuyện về cái “chết xấu” đang lan dần, thì ở một làng khác, lại trùng hợp việc nhiều trẻ em, người già đau ốm liên tục. Ông Alăng Vàng (93 tuổi, ở xã Sông Kôn, Đông Giang) - một chứng nhân thời ấy kể, ám ảnh “chết xấu” khiến một nửa cư dân làng Chờ Nét (xã A Ting) dọn về sáp nhập với làng K’đéh (thị trấn P’rao bây giờ); một số hộ bỏ về tận xã Lăng (Tây Giang). Vài hộ ở làng Rà Vả theo hướng xã Zuôih (Nam Giang) mà bỏ làng đi. Những u ám ấy lớn dần. Chính quyền địa phương đã phải nhờ tới các già làng uy tín đứng ra nói chuyện với đồng bào. Ông Vàng cùng già làng Bhơ Hôồng - ông Bh’riu Abul đã giữ chân được nhiều người cùng ở lại. Nhưng nỗi lo vẫn chưa dứt. Già Y Kông, khi đó đang là Chủ tịch UBND huyện Hiên (cũ), đã “giải cứu” thành công cả xã A Ting bằng một hành động chưa hề có tiền lệ: về ở hẳn với dân làng Aliêng suốt gần 3 tháng trời. “Tôi giao việc cho anh em, rồi về làng ở đó, cùng đi rẫy, cùng uống rượu với họ. Nhiều người hỏi lỡ có người chết nữa thì sao. Tôi đứng giữa làng giơ tay thề: Ai mà chết, mang tới đây Y Kông đền” - già Y Kông kể. Hai tháng, rồi ba tháng trôi đi, làng vẫn bình yên. Chính sự quả quyết của Y Kông đã giải tỏa hoàn toàn nỗi lo “chết xấu”. Ý định bỏ làng về biên giới dần tiêu tan, cũng không còn ai nhắc đến chuyện đau buồn dạo nọ.

Khi tình hình dịu đi, già Y Kông mới giải thích cho bà con về hiện tượng nhiều người đau ốm hàng loạt sau cái “chết xấu”, rằng khí hậu thay đổi đột ngột, người vùng cao chưa kịp thích nghi là nguyên nhân khiến trẻ em, người già mắc bệnh. Nhưng chính hành động quyết liệt của vị già làng - cũng là người đại diện chính quyền khi ấy - đã giúp đồng bào yên tâm ở lại. Chia sẻ với nỗi lo của những anh em Cơ Tu thượng, người dân bản địa cũng đến cùng ăn ở, cùng lao động, giữ chân họ lại. Qua cơn bĩ cực, tình anh em càng thêm khăng khít. Khoảng cách vùng cũng vì thế mà không còn tồn tại. Sau này, nhắc lại chuyện cũ, ai cũng xem như đó là một dấu ấn không thể quên, minh chứng cho tình cảm của những người anh em bản địa.

Năm tháng qua đi, người Cơ Tu hai vùng nay đã uống chung nguồn nước, nói cùng một giọng. Sự khác biệt, có chăng chỉ còn trong ký ức và một số từ ngữ đặc trưng. Chẳng ai muốn phân định 2 vùng thượng - hạ như những ngày trước nữa. Đọng lại, vẫn là những ân tình còn vang vọng…

-----------------
Kỳ 3: Ở đâu cũng là nhà

Để xóa bỏ hiềm khích cũ trong những cuộc nội chiến “têng brâu”, nhiều làng Cơ Tu tổ chức kết nghĩa anh em. Dư âm của tình đoàn kết là mối lương duyên nhiều đôi trai gái; con cháu trở về cống hiến cho quê cũ. Với họ, ở đâu cũng là nhà.

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức di dân - Kỳ 2: Ân tình vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO