Nhân chuyện bàn thảo về hai từ “thấu cảm” trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, nhà báo, đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê (VTV8) có nhắc đến một sự kiện mang tính biểu cảm bởi sự “thấu cảm” - rằng ở Pháp, khi buộc phải giải tỏa một dãy phố để làm đường, các nhà quản lý đô thị đã mời các nhà làm phim đến tập huấn cho người dân để họ tự quay phim về không gian sống của họ trước khi không gian ấy bị “xóa sổ”, hay “delete” theo cách nói của dân bàn phím.
Phố cổ Hội An xưa. Ảnh tư liệu |
Cuộc sống không ngừng biến chuyển theo đà phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu sống ngày càng cao của con người hiện đại. Chuyện “bãi bể hóa nương dâu” (thương hải biến vi tang điền) tưởng như chỉ nằm trong điển cố, trong sách vở nay lại rành rành trước mắt. Mới hôm nào đây thôi, một khu xóm ngoại ô trống vắng đìu hiu với những căn nhà cấp bốn tạm bợ thì nay đã “lầu cao gương sáng” - một dãy dài khu biệt thự cao cấp và cư dân bản địa đã mỗi nhà một nơi ở mới, người thì lấy tiền đền bù mua đất mới, xây nhà mới, người đi ở nhà thuê, người về khu tái định cư… Không gian cư trú cũng đồng thời là “nơi chốn đi, về trong cõi tạm” chỉ còn là ký ức.
Trừ những khu đô thị mới, cư dân sống ở đô thị cũ nào qua năm tháng cũng chất chứa đầy những ký ức đô thị. Người Hội An một trăm năm trước còn lưu dấu các di tích trong câu hát cũ “Thiếp gặp chàng giữa đàng xe lửa/ chàng mà gặp thiếp trước cửa ông Rô-be (Robert)/ mấy lời chàng dặn thiếp nghe/ thức khuya dậy sớm chải chè mười hai xu/ hết mùa chè nệm cuốn sàn treo/ chàng đi mô chàng bỏ thiếp cheo veo một mình”. Các thế hệ kế cận mới biết trước kia, người Pháp có xây một con đường sắt nối Hội An với Đà Nẵng (bị ngưng trệ sau cơn bão lớn năm 1906) và một người Pháp là ông Rô-be có một xưởng sao chế chè (trà) nằm bên đường xe lửa (gần ngã tư Phan Châu Trinh - Nguyễn Huệ hiện nay). Những bậc cao niên ở Tam Kỳ hẳn còn lưu giữ trong ký ức về một phủ đường Tam Kỳ, rồi trên đường thiên lý “ngó lên đường cái thấy lầu ông Tây…” chỉ còn trong ca dao. Với những đô thị lớn thì sao? Có lẽ những không gian đô thị càng rộng lớn qua thời gian càng có nhiều biến đổi. Với Sài Gòn đã có “40% biệt thự cũ (trước 1975) nay đã bị phá hủy, đa số biệt thự cũ đang được sử dụng không đúng với công năng” (theo TS.Nguyễn Thị Hậu). Ở Huế, sau sự kiện đập bỏ nhà số 5 Lý Thường Kiệt - một kiến trúc kiểu Pháp - với lý do “xuống cấp”, ngành xây dựng địa phương xác định hiện còn 44 công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn thành phố mà theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các kiến trúc Pháp đã mất khoảng 30%...
Ký ức đô thị sẽ là mối bận tâm sâu sắc với cộng đồng nếu đó là những di tích văn hóa - lịch sử. Sự cố san ủi bãi đỗ xe bên lăng Tự Đức làm mất mộ bà phi (cửu giai phi) họ Lê vợ vua là chuyện hết sức đau lòng. Trong nhiều “tắc trách” hẳn có sự thiếu sót của ngành bảo tồn di tích khi “không biết” có một di tích như vậy, trong khi - như một nghịch lý - nhiều nơi đang có phong trào “phục dựng” (làm mới) di tích để xin công nhận mà không được.
Cư dân đô thị đang từng ngày quan ngại về sự biến đổi ký ức của nơi chốn mình gắn bó. Một hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng, Sài Gòn sắp mất đi cho việc xây dựng cầu vượt Thủ Thiêm 2. Một thôn nhỏ Trảng Kèo (Cẩm Hà, Hội An) đang “lột xác” từ một vùng rau xanh, ruộng lúa thì nay đang mọc lên những biệt thự nghỉ dưỡng cao tầng. Những con đường ra biển ở Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành… ngày càng nhỏ lại, bé lại trong cơn lốc đô thị hóa. Những ngôi mộ cổ ngày càng bị vây kín và khó nhận diện giữa “lầu cao phố rộng”… Ký ức di tích còn là không gian cảnh quan của di tích - một thành tố quan trọng làm nên “phần hồn” di tích. Không thể vì sự phát triển mà ứng xử thiếu cẩn trọng với di tích, thậm chí nhìn di tích trong “cái nhìn xây dựng” rằng cứ thấy xuống cấp đến một mức độ nào đó là “xóa sổ” luôn. Chưa bao giờ ký ức di tích, một phần quan trọng của ký ức đô thị cần sự “thấu cảm” hay lòng khoan dung của các nhà quản lý, các nhà khoa học... và tiếng nói của cộng đồng như hiện tại. Đừng để những di tích văn hóa, di chỉ khảo cổ học chỉ còn lại những biển ghi chú trong tiếc nhớ “nơi đây, từng là…”.
Nhìn từ phía khác, ký ức đô thị cũng không thể là “hàng giả” theo kiểu nhái kiểu thức bên ngoài hay phá vỡ kết cấu nội thất, phần ruột bên trong. Nhiều đô thị cổ - theo yêu cầu khoa học nghiêm ngặt của công tác bảo tồn - buộc phải gìn giữ nguyên trạng di tích cho dù phố cổ có các kiến trúc mới vài chục năm tuổi hiện tồn cùng đa số di tích cổ, mà Hội An là một minh chứng…
Cũng theo TS.Nguyễn Thị Hậu - một bạn văn mà nghề chính là khảo cổ (thường được bạn bè gọi thân mật là “Hậu khảo cổ”): “…Hệ thống di sản ở thành phố nào được bảo quản tốt thì thành phố ấy sẽ luôn phát triển cả về kinh tế và tinh thần người dân. Bởi những cư dân ở đây không bị mất ký ức của mình với thành phố - nơi không đơn thuần chỉ là nơi cư trú”.
Từ ký ức đô thị đến ký ức di sản đô thị là một hành trình đầy “vinh quang và cay đắng” của các kiến trúc trong ký ức văn hóa của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng vậy.
PHÙNG TẤN ĐÔNG