"Ký ức kháng chiến" - tấm lòng với quê hương Điện Hồng

TRẦN BÍCH LIÊN 02/09/2019 12:34

(QNO) - Sách “Ký ức kháng chiến” ra mắt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điện Hồng (Điện Bàn) dịp này là tập sách có sự đầu tư công phu, đặc biệt có sự đóng góp của nhiều cây bút sắc sảo, nhân chứng lịch sử, những người hoạt động cách mạng từng sinh ra, chiến đấu trên đất Điện Hồng và giữ những trọng trách lớn tại trên đất Quảng Đà và Trung ương. Đây là một công trình tri ân lịch sử, tri ân đất và người Điện Hồng nói riêng, Điện Bàn nói chung.

Bìa tập sách “Ký ức kháng chiến”.
Bìa tập sách “Ký ức kháng chiến”.

Tập sách “Ký ức kháng chiến” dày hơn 300 trang, bìa đẹp, do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành; Đại tá, nhà thơ, nhà báo Lê Anh Dũng chủ biên. Lê Anh Dũng là người con Điện Hồng, đã tham gia đồng chủ biên nhiều đầu sách về đề tài chiến tranh, cách mạng. “Ký ức kháng chiến” là tuyển tập hồi ký, ghi chép, thơ ca với sự tham gia của nhiều thế hệ người con xa quê Điện Hồng, những cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Điện Hồng nói riêng, Điện Bàn nói chung.

Tập sách là ký ức về những trận đánh nổi tiếng trên đường 100, trận đánh ngã ba Trùm Giao, trận đánh quán Kiểm Bền, trận đánh Xóm Nổ, làng Đa Hòa, làng Cẩm Văn, làng Lạc Thành, bến Văn Ly… Đó còn là những câu chuyện kể về những người em, người chị, người cha, người mẹ nuôi quyết tâm bám trụ, chở che cách mạng, dù bị tra tấn tàn bạo vẫn quyết không khai báo cơ sở cách mạng.

Trong kháng chiến tại vùng quê Điện Hồng, mỗi tấc đất, ngôi làng, lũy tre làng là hầm hào, hầm trú ẩn nuôi quân; mỗi mái nhà, ngôi làng, mái đình như đình làng Giáo Ái là hậu phương che giấu cán bộ; mỗi người dân là một chiến sĩ góp phần làm nên ngày toàn thắng để quê hương sạch bóng quân thù. Và những mất mát, hy sinh của quân và dân Điện Hồng cũng to lớn, không sao kể hết. Những công lao đó xứng đáng được Đảng và Nhà nước tôn vinh.

Thông qua tập sách, người đọc được dẫn dắt vào những câu chuyện, hồi ức của những cán bộ cách mạng lão thành như ông Lê Trí Tập - người con Điện Hồng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) kể về ông giáo Xáng vốn là ông Lê Trí Miễn - một thầy giáo làng, được kết nạp đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của làng vào năm 1930. Ông giáo Miễn từng giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, làm ở Công an Hà Nội cho tới ngày về hưu. Ông giáo Miễn cũng là thân sinh của ông Lê Trí Tập.

Hay những mẩu chuyện sinh động về người con rể của nhà cách mạng Phan Bôi là ông Lê Công Chiêm, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, người từng có cống hiến lớn lao, từng giữ những trọng trách lớn ở Trung ương cho tới ngày về hưu. Ông Lê Công Chiêm là người con nặng tình với quê hương, có nhiều đóng góp, cống hiến cho quê hương Điện Hồng. Còn có câu chuyện, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Xuân Hữu - người con Điện Hồng từng giữ những trọng trách lớn lao như Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh, Ủy viên Thường vụ Khu ủy 5, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Tập sách còn có nhiều bài viết giá trị của các nhà nhà văn, nhà báo từng sống và chiến đấu tại Điện Hồng.
Tập sách còn có nhiều bài viết giá trị của các nhà nhà văn, nhà báo từng sống và chiến đấu tại Điện Hồng.

Tập sách còn là dòng hồi ký, những câu chuyện “người thật việc thật” gắn bó với phong trào đấu tranh cách mạng trên đất Điện Hồng, Điện Bàn, cũng là những dòng trích thuật về lịch sử hoạt động cách mạng của những người cán bộ cách mạng kiên trung, bám trụ chiến đấu ở Điện Hồng và giữ những nhiệm vụ, những trọng trách to lớn của Đảng và Nhà nước như Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Bên cạnh đó, có những hồi ức đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào về tấm gương của phong trào phụ nữ, về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Sử, Lê Thị Chánh, một gia đình có 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên đất Điện Hồng như Nguyễn Thị Ba, Võ Thị Thanh, nhà văn Nguyễn Hồng quê ở Nghệ Tĩnh. Và còn biết bao tấm gương của người dân bám trụ kiên trung, sắt son với cách mạng, bao lớp người hiện vẫn còn sống tại quê hương Điện Hồng, thị xã Điện Bàn và cả nước…

Chiến tranh cách mạng là đề tài muôn thuở, là đề tài bất tận song sẽ khó nếu không am hiểu về đất và người Điện Hồng, không gắn bó với đất như máu thịt, không trăn trở với lịch sử thì khó cho sản phẩm hay. Tập sách cũng là một lát cắt giúp hình dung về một thời khói lửa, cũng là một nguồn tư liệu có ý nghĩa cho mai sau. Nhất là khi những thế hệ nhà văn, nhà báo, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những nhân chứng lịch sử dần khuất bóng. 

“Ký ức kháng chiến” ngoài sự chắp bút, ghi theo lời kể nhân chứng lịch sử còn có nhiều bài viết có giá trị của các nhà nghiên cứu, cán bộ cấp cao, những nhà văn, nhà báo từng sống và chiến đấu tại Điện Hồng như: ông Lê Trí Tập, Th.S Lê Ngọc Hóa - nguyên Hiệu phó Trường Văn hóa nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Giai, nhà thơ Thanh Quế, nhà thơ Đỗ Văn Đông, nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhà báo Dương Đức Quảng - nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí...

Có thể xem đây là tập sách với những hồi ký, tự sự, ghi về đề tài chiến tranh, cách mạng. Cũng có thể xem đây là tư liệu tham khảo về văn hóa - lịch sử về đất và người Điện Hồng có giá trị. Cũng là tình cảm, sự tri ân sâu sắc của những người còn sống hôm nay với vùng quê cách mạng. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ký ức kháng chiến" - tấm lòng với quê hương Điện Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO