Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng ký ức của cậu bé 10 tuổi ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên một “dải quê hương” tên Điện Thái. Rẻo đất nhỏ ven sông Thu, kéo từ thôn Kỳ Lam đến Phong Thử đầy mơ mộng ấy đã ngập chìm trong khói lửa. “Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cày bừa” sau Hiệp định Paris vẫn chưa thôi ám ảnh đạn bom trên ruộng vườn. “Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải” đã kéo dân ly hương trở về sinh sống, yêu nhau và những đứa trẻ ra đời bên những miệng hố bom lở lói.
Bi tráng chiến tranh…
Ngày ấy (mùa hè 1974), tôi trở về quê mẹ. Du kích là gì? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn và không thể tìm được lời giải thích. Họ là ai, lý tưởng nào mà hai thanh niên trẻ sau một trận đánh không cân sức bị bắt, trói, đánh đập trên đường 100, gần cống Phong Thử, lại chọn sự tuẫn tiết thay vì quy hàng để được sống? Sau cái đêm hai người thân yêu của làng là anh Tám, chị Hiền ngã xuống vì loạt đạn thù, đã bắt đầu cho tôi những hình dung về chiến tranh. Lý tưởng về cách mạng, về tự do đã thổi lửa niềm tin hừng hực trong tâm khảm, khiến chị Tám của tôi chỉ mới 16 tuổi đã trở thành giao liên. Và, không ít người “đầu xanh tuổi trẻ” từ thành phố, thị trấn về quê làm ruộng, đi lại trên vùng “ngày quốc gia, đêm cộng sản” để nắm thông tin liên lạc.
Mùa vàng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN |
Sự khốc liệt chiến tranh một lần nữa cho tôi biết được “người chết hai lần” đau đớn thế nào như trong ca từ đẫm nước mắt của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một cơ sở cách mạng, bà Trần Thị Ký vấp mìn chết, tẩm liệm vào áo quan chờ mai an táng…đã thêm một lần hứng chịu đạn pháo sau trận công đồn vào khu dồn Phong Thử của du kích Điện Thọ. Ông Lê Công Chín - nguyên Bí thư xã Điện Thọ, Chính trị viên xã đội Điện Thọ chỉ huy trận đánh ấy kể lại rằng ông thoát nạn và trở về hậu cứ là nhờ… thi hài cô Ký che chở. Một cái xác không còn nguyên vẹn vì những mảnh pháo xé rách.
Ngày ấy, trong những thúng, mủng, thùng cà rem (kem cây) 2 đáy… chứa đầy thuốc tây, đèn pin, tài liệu… tiếp tế cho cách mạng. Những cây chuối sứ cao ngồng giấu trong thân thư từ, tài liệu…trên những chiếc xe lam cũ kỹ chạy vào thành phố. Rồi giờ phút lịch sử đã điểm với ngày 27.3.1975, mang hòa bình cho quê hương tôi. Chỉ một năm sau đó, quê tôi đã được tôn vinh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hạnh phúc ấy đã đổi bằng chất chồng máu xương, thương tật của hàng ngàn liệt sĩ, thương binh và dân xã Điện Thọ.
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Hợp tác xã I Điện Thọ trong những năm đầu 1980.Ảnh tư liệu |
Bốn mươi năm đi qua, thời gian đủ dài để quên đi những đau thương, mất mát trong chiến tranh. Nước mắt cũng đã thôi rơi trên đôi mắt những người mẹ mất con, vợ mất chồng… Nhưng những chiến công, lẫn dư vị đắng chát thời chiến tranh giờ còn được nhắc tới trong các ngày giỗ, chạp, ngày kỷ niệm hoặc một sự kiện trọng đại nào đó diễn ra trên quê hương. Tất cả đã được khép lại để hướng về tương lai.
Hồi sinh trên đống tro tàn
Ngày trở về sau giải phóng, nhiều người không tìm thấy nhà cũ. Không thấy làng. Chỉ thấy một vùng đất mênh mông hoang hoải, lơ thơ cây cỏ và những chú chim lạc loài, giật mình vỗ cánh bay lên từ đáy những hố bom ken dày trên mặt đất. Thi thoảng lại bùng lên tiếng nổ từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, vành tang trắng tiếp tục đặt lên những mái đầu khi đi làm đồng, khai hoang, phục hóa. Vậy mà không ai dứt áo ra đi. Họ vẫn sống, hy vọng. Cho tới bây giờ, không ít người vẫn còn tự hỏi không hiểu vì sao họ có thể sống qua được những ngày tháng đói nghèo, với cuộc đời buồn thương trên mặt đất đầy thương tích chiến tranh mà vẫn yêu nhau, sinh con đẻ cái và cho chúng học thành tài. Nhắc lại chuyện cũ không phải để sống trong hoài niệm về một quá khứ, về nỗi đau mất mát, càng không phải để nuôi lòng thù hận. Mà nhớ lại chỉ để hôm nay biết ơn ngày qua khó nhọc và biết yêu, tin hơn về những gì đã và sẽ nhận trong hiện tại, tương lai.
Có lẽ dân xã tôi đã bắt đầu quên đi cái nghèo khó kể từ khi cả xã hăm hở lao vào chiến dịch tấn công đồng cỏ, ra quân làm thủy lợi, quy hoạch mồ mả, biến những cánh đồng hoang hóa, ken dày bom mìn thành những cánh đồng lúa cao sản và màu xanh trên biền bãi trong mấy chục năm qua. Gạo Phong Thử thơm ngon, dẻo ngọt lại phục hồi thương hiệu nổi tiếng xưa kia “bay đi” khắp các vùng miền Trung. Một mô hình hợp tác xã (HTX) thí điểm đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời. Những mỹ từ: Quyết Thắng, Đoàn Kết, Tiền Phong… đã kéo mọi người hiến đất, trâu bò, nông cụ, tư liệu sản xuất… để đưa mảnh đất Điện Thọ trở thành lá cờ đầu của phong trào HTX toàn quốc vào những năm 1978, 1979. Trong suốt 5 năm (1980 -1985), tiếng tăm của Điện Thọ đã vượt khỏi biên giới Quảng Nam - Đà Nẵng, bay khắp trời Việt Nam. Lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước về xứ Quảng luôn ghé thăm Điện Thọ. Một danh xưng Anh hùng lao động năm 1985 (HTX 1) đã khiến Điện Thọ trở thành điểm sáng, kéo người khắp nơi về khảo sát, học tập kinh nghiệm.
Thực tiễn sống động địa phương đã chứng minh cho những đường lối, chủ trương của Đảng về nông dân, nông nghiệp, và nông thôn là đúng. Thương hiệu lúa giống HTX 1, heo giống Tiền Phong ngày xưa ấy vẫn còn tồn tại đến bây giờ như một sản phẩm đặc hiệu của vùng này. Một mô hình HTX mua bán, nông nghiệp, tín dụng…từng một thời góp phần định danh vùng đất vẫn tồn tại mạnh mẽ, tạo thêm những điểm số để xã Điện Thọ hoàn thành các tiêu chí xã “Nông thôn mới” ngay trong năm 2015.
Như cánh chim từ tro tàn khói lửa vực dậy, vỗ cánh bay lên với khúc hoan ca hòa bình, Điện Thọ quê tôi sau 40 năm đã thực sự hồi sinh, phát triển, làm giàu.
PHAN QUANG MƯỜI