Trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa những ao tôm phủ bạt rong rêu trên cát, những cán bộ trong Ban quân quản xã Tam Tiến (Núi Thành) gặp lại nhau chuyện trò rôm rả. Đã 41 năm, nhiều người mới có dịp bên nhau để ký ức chợt òa vỡ về những ngày cùng kề vai sát cánh đấu tranh và dựng xây chính quyền lâm thời ngay sau khi quê hương được giải phóng.
1.Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Ban (Trưởng thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, Núi Thành) được chọn là nơi gặp mặt của Ban quân quản xã Tam Tiến bởi đây là cơ sở cách mạng của những cán bộ nằm vùng thuộc Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung. Bà Ban kể, phía sau nhà ngày xưa có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chị em của bà Ban từng tham gia đào hầm, giấu từng mủng cát mới đào, được đưa lên từ lòng đất. Gia đình bà Ban cũng từng là cơ sở nuôi giấu bộ đội, đặc biệt là những cán bộ thuộc Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung trong những ngày chiến tranh ác liệt… Sau một thời gian dài hoạt động, cùng với quân chủ lực, liên đội công tác này đã giải phóng hai xã ven biển Tam Hòa, Tam Tiến của Núi Thành và tiếp quản, xây dựng chính quyền lâm thời xã Tam Tiến. Ban quân quản xã Tam Tiến được thành lập ngay sau ngày giải phóng từ lực lượng nòng cốt của Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung cùng với lực lượng du kích xã.
Ban quân quản xã Tam Tiến tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 41 năm giải phóng quê hương. Ảnh: M.Đ |
Ông Trần Đình Tuấn - nguyên Bí thư chi bộ, Liên đội trưởng Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung năm nay tuổi đã ngoài 80 và vẫn còn minh mẫn. Ông chọn một chỗ ngồi có góc nhìn về phía nổng cát đang tắm nắng chói chang. Có lẽ nơi đây đã gợi lại trong ông những ký ức hào hùng thuở nào, và có thể cả nỗi nhớ về những người đã cùng ông chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này. Trong những câu chuyện về một thời hy sinh gian khổ được kể rôm rả tại buổi gặp mặt này, các đồng đội luôn nhắc đến ông như một chứng nhân, người từng dẫn đầu và tổ chức các hoạt động đấu tranh, giải phóng quê hương. Ông Tuấn kể, năm 1972 Huyện ủy Nam Tam Kỳ (cũ) chỉ định ông về phụ trách Bí thư chi bộ, Liên đội trưởng Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung sau khi một đồng chí phụ trách tổ chức này hy sinh. Kỳ Vinh nay thuộc xã Tam Hòa và Kỳ Trung là Tam Tiến bây giờ. Lúc đó ông là Huyện ủy viên, đã có một thời gian dài nếm mật nằm gai ở mảnh đất Kỳ Trung - địa bàn từng được xem là “thành lũy” của địch. “Lúc đó muốn qua vùng này phải vượt ba cửa sông, địa hình hiểm trở. Bình Phú lúc đó có diện tích chưa đến hai cây số vuông, chỉ có 50 - 60 gia đình, địch nắm rõ nơi này như trong lòng bàn tay, vì vậy việc xây dựng cơ sở cách mạng rất khó khăn. Tuy nhiên, tổ chức xác định nơi này là địa bàn hiểm yếu, cần xây dựng cơ sở cách mạng, làm bàn đạp để đấu tranh với đồn ấp của địch ở phía đối diện bên kia sông. Thuận lợi là người dân nơi đây lúc đó rất kiên trung, sẵn sàng che chở cho bộ đội” - ông Tuấn nói.
2.Tại buổi gặp mặt, ông Tuấn được mời tham gia đôi lời và thật bất ngờ, dù tuổi cao sức yếu, không cần một thứ tài liệu nào ông vẫn diễn giải từng sự kiện lịch sử một cách trình tự, suôn sẻ. Nhiều người cảm động khi nghe ông nhắc đến những chi tiết ác liệt, đối mặt với cái chết trong những ngày hoạt động giữa lòng địch. Và rồi nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe thấy giọng ông chùng xuống, run run nhắc đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Liên đội công tác Kỳ Vinh - Kỳ Trung lúc đó có khoảng 30 cán bộ nhưng đến nay không còn được mấy người, trong đó nhiều người đã hy sinh oanh liệt. Ông Tuấn nhớ lại và nhắc đến tên từng người ngã xuống trong một đêm đột kích mà có đến 5 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh. Ông nói: “Tôi hoạt động, chiến đấu cùng với những đồng chí, đồng đội mà sự kiên trung của họ khiến tôi không khỏi xúc động khi mỗi lần nhắc đến. Tôi nhớ có lần, tôi và đồng chí Hoàng Xuân Thọ - nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ (cũ) đã chết lâm sàng do bị ngạt thở dưới hầm. Cái hầm này được đào dưới nổng cát lông chông, mùa nắng nóng như rang. Sau một ngày nằm dưới hầm chờ tình hình vãn hồi, đến tối, anh em cơ sở phát hiện chúng tôi gần như đã chết do ngạt thở. Họ kéo chúng tôi lên, cho nằm trên cát hưởng gió nồm một chặp và may mắn, chúng tôi dần dần hồi phục…”.
Sau những câu chuyện cảm động về tổ chức “tiền thân” của Ban quân quản xã Tam Tiến, ông Tuấn và nhiều người lại nhớ về những ngày cùng với các lực lượng xây dựng chính quyền cách mạng lâm thời. Ông Đoàn Văn Thái - nguyên Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời kiêm Trưởng An ninh xã Tam Tiến nhớ lại, ngay sau khi tiếp quản vùng đất này, việc đầu tiên của Ban quân quản là xin gạo cứu đói cho nhân dân. Theo ông Thái, sau chiến tranh, vùng đất Tam Tiến trở nên xơ xác, hoang tàn, đời sống nhân dân quá khó khăn bởi sản xuất ngưng trệ. Ban quân quản xã Tam Tiến được thành lập gồm 5 người (1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 3 thành viên), đã bắt tay vào việc phát động quần chúng ổn định tình hình, tổ chức một cuộc mít tinh với hàng nghìn người tham dự; xây dựng các ban chính quyền… “Sau giải phóng, mọi thứ còn ngổn ngang. Chúng tôi cùng bắt tay nhau giải quyết từng việc lớn nhỏ. Thành công nhất và dấu vết còn đến hôm nay là chúng tôi đã phát động, cùng chung sức với nhân dân đắp con đê dài khoảng hai cây số dọc sông Trường Giang để ngăn mặn, tạo điều kiện cho nhân dân trồng lúa, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Hôm nay ngồi đây nhớ lại, mọi thứ như mới vừa hôm qua…” - ông Thái nói.
MINH ĐỨC