"Ký ức người chiến sĩ"

NGUYỄN SỸ LONG 16/12/2014 09:19

Khởi nguồn từ sự yêu thích văn chương, lịch sử, tôi quen ông, ngưỡng mộ ông. Bởi, là một cựu chiến binh, nhưng số đầu sách của Thượng tá Bùi Hồng Khanh (nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) xuất bản khồng hề nhỏ: 5 tập thơ, 8 tập  truyện và hồi ký do ông sáng tác, chủ biên và viết cùng nhiều tác giả. Ông viết nhiều như thế nhưng cũng chỉ có một mục đích: Ghi lại, chép lại những thành tích, chiến công của đồng chí, đồng đội, truyền thống của quê hương, đất nước. Dù không phải là điển hình trong số tác phẩm của cựu chiến binh, nhà văn, nhà thơ Bùi Hồng Khanh, song hồi ký “Ký ức người chiến sĩ” đã làm sống dậy những năm tháng chiến tranh khốc liệt của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tá Bùi Hồng Khanh và cuốn hồi ký “Ký ức người chiến sĩ” ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Sỹ Long
Thượng tá Bùi Hồng Khanh và cuốn hồi ký “Ký ức người chiến sĩ” ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Sỹ Long

Cuốn sách có độ dày gần 200 trang, nhưng những gì chứa trong đó cũng đủ để bạn đọc hình dung được một phần cuộc đấu tranh trong lòng địch của quân dân đất Quảng. Giữa năm 1964, đội phẫu tiền phương của Huyện đội Điện Bàn, do y sĩ Lê Thái An làm đội trưởng và y tá Bùi Hồng Khanh làm đội phó, về đứng chân tại thôn Xuân Diệm, xã Điện Sơn (nay là xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam). Tuy nhiên, “Ở đây chưa đến 5 tháng nhưng 3 lần bị địch tập kích pháo, 2 lần tập kích bộ binh, trong đó có một lần do tề điệp chỉ điểm, quân ngụy dùng một đại đội lính bảo an bao vây, anh em du kích phát hiện cùng đội phẫu tổ chức đánh phản kích, đưa 6 thương binh ra khỏi vòng vây”.

Trong ký ức của chiến sĩ Bùi Hồng Khanh, sự khủng khiếp của chiến tranh không chỉ là bom đạn mà còn là những tình huống hiểm nguy trong gang tấc. Ông kể, sau khi tập kích đại đội bảo an của địch tại xã Điện Thọ (Điện Bàn), đơn vị tổ chức lui quân. Địch từ Vĩnh Điện tăng cường lên vây ráp, nghi ngờ quân ta đang ẩn náu tại các ruộng mía dọc bờ sông, chúng lập tức phóng hỏa. Trưa hè nắng gắt, mía bắt lửa cháy rào rào, khói lên nghi ngút. Đơn vị phải vừa cho người dập lửa, vừa di chuyển về phía sau.
Thông thường, mỗi khi nhắc đến máy bay B.52 của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến trận “Điện Biên Phủ trên không”, hoặc trên các cung đường Trường Sơn trong những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ở ngay trong lòng địch, trên đất Quảng Nam, vẫn có những trận bom B.52 rải thảm: “Còn nhớ, vào tháng 5 năm 1968, tôi là Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 38 đi kiểm tra các đơn vị. Đến Gò Nổi, anh em du kích thông báo “Các chốt điểm của quân ngụy đóng ở đây và khu trung Duy Xuyên, mấy ngày nay chúng rút hết”. Tôi đến gặp Tiểu đoàn 91 cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương họp nhận định: Thứ nhất, nó lừa mình rồi đổ ập quân bằng trực thăng, bao vây càn lớn, hòng cất vó quân ta. Thứ hai, chúng rút quân để đánh B.52. Gò Nổi là vùng đồng bằng, mục tiêu chiến lược gì ở đây mà chúng đánh B.52? Nhưng rồi “bộ tham mưu” tập thể ấy cũng có kế hoạch đề phòng cả hai phương án”. Thực tế diễn ra đúng như dự kiến, khoảng hơn 12 giờ đêm hôm ấy, B.52 của địch đã rải thảm 3 đợt bom xuống Gò Nổi. Mặc dù đã có phương án phòng tránh, nhưng bom địch vẫn gây cho ta những tổn thất”.

Là người cán bộ chỉ huy trưởng thành từ chiến sĩ quân y, từng kinh qua nhiều chức vụ trong suốt 13 năm tham gia chiến đấu (1962 - 1975), hoạt động trực tiếp trong vùng địch nên trang viết của cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh không chỉ là tả lại mà nói đúng hơn là kể lại những gì tai nghe mắt thấy. Do đó, đọc “Ký ức người chiến sĩ”, người ta cảm nhận chất văn chương không nhiều, nhưng chất liệu lịch sử được chất đầy ngồn ngộn. Có không ít lần hình ảnh bà mẹ Quảng Nam xuất hiện với vẻ dung dị, kiên cường: “Bọn gián điệp chỉ điểm chính tôi ở nhà mẹ Trâm (thôn Bàu Mưng, xã Điện Thắng, Điện Bàn), chúng tổ chức cả tiểu đoàn cùng bọn cảnh sát ác ôn bí mật bao vây trong đêm. Vừa tờ mờ sáng, chúng đã xông thẳng vào nhà bắt mẹ, lôi ra giữa sân trói cấp ké, đánh đập tra hỏi: “Thằng Mười, cán bộ Việt cộng quận Nhất Đà Nẵng ở đâu?”. Mẹ trả lời: “Tôi có biết thằng Mười nào đâu? Tự nhiên mấy ông đến đây hỏi vậy”. Tên chỉ huy chống cây gậy ba-toong đứng trước mặt mẹ nói: “Con mụ già này ngoan cố. Rõ ràng có người báo tau, nhà mày nuôi thằng Mười quận Nhất. Bây giờ nó ở đâu? Mày có khai ra không?”. Mẹ một mực nói không có, chúng đánh mẹ ngất đi. Chúng bắt mẹ và con trai giam ở nhà lao Hội An. Vậy mà mấy ngày sau, Mười Khanh (tức Bùi Hồng Khanh) nhận được tin của mẹ Trâm từ chốn lao tù: “Mẹ và Xuân vẫn thường, ở nhà con cố gắng giữ gìn sức khỏe”.

Và còn có những cuộc gặp gỡ xúc động không kém. Ông kể rằng năm 1969, sau trận bom của máy bay địch xuống căn cứ Hòn Tàu, trong khi đi kiểm tra khắc phục hậu quả ông đã cứu sống một đồng đội bị chôn vùi dưới hang đá. Lúc đưa được đồng chí lên miệng hang, Bùi Hồng Khanh bàn giao cho anh em chuyển về Bệnh xá 78, còn ông tiếp tục hành quân theo đơn vị. Đằng đẵng nhiều năm sau, người được cứu sống cứ nghĩ rằng ân nhân của mình đã hy sinh. Còn ông cũng không biết người mình cứu còn hay mất, quê quán ở đâu. Bất ngờ một ngày đầu năm 1995, một đồng đội cũ từ Quảng Nam ra Đà Nẵng thăm ông, bảo nhờ chú Nghệ (nguyên ở Đội phẫu 5 Quảng Đà) kiếm nhà cho con. Qua câu chuyện, ông được biết chú Nghệ là người sống sót duy nhất trong trận bom Hòn Tàu năm ấy. Nhờ sự kết nối ấy, hai người nhận ra nhau, bởi nhà hai ông chỉ cách nhau khoảng 500m. Vậy mà cuộc gặp gỡ ấy phải hơn 30 năm sau mới diễn ra.

“Ký ức người chiến sĩ” đã đi qua chiến tranh, tác giả với những cương vị khác nhau như chủ nhiệm quân y, cánh trưởng biệt động thành Đà Nẵng… dĩ nhiên không thể thiếu khói bom, lửa đạn và những trận đòn thù. Song ẩn sâu trong từng trang viết của cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh, người đọc còn cảm nhận được một tình yêu rực lửa, đó là tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng đội và tình yêu  lứa đôi thuần khiết của một thế hệ chiến chinh vì nền độc lập dân tộc. “Qua 55 theo Đảng làm cách mạng, có 33 năm quân ngũ, dù cương vị công tác nào, anh cũng luôn vươn lên, vượt qua khó khăn, gian khổ ác liệt hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ” - lời giới thiệu đầu sách của Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Đặc khu ủy viên, Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà càng khiến chúng ta hiểu hơn về công lao, tình cảm của cựu chiến binh Bùi Hồng Khanh. Sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản tháng 10.2014, được Thư viện Quân đội phát hành trong toàn quân.

NGUYỄN SỸ LONG

(2) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ký ức người chiến sĩ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO