Tháng 6/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp mở rộng tại nhà ông Nguyễn Kế, làng Vân Trai, xã Tam Hiệp, Núi Thành. Tháng 8/1945, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Ưng Tòng ở thôn Khương Mỹ (nay là thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, Núi Thành). Cuộc họp trong ngày 12 và 13/8/1945 bàn việc chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang diễn ra thì chiều ngày 13/8/1945, từ Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo: ‘‘Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng Minh’’.
Tức thì, đêm 13/8/1945, cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (Nguyễn Đình Chiến, thôn Khương Mỹ), đến sáng 14/8/1945 ra quyết định, thành lập Ủy ban Bạo động giành chính quyền gồm 17 đồng chí và phân công về các địa phương trong tỉnh chuẩn bị khởi nghĩa, thực hiện tinh thần chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12/3/1945: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cũng trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Trung ương ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Ủy ban Bạo động giành chính quyền tỉnh Quảng Nam gồm 17 đồng chí, trong đó 15 Tỉnh ủy viên làm nòng cốt là Trần Văn Quế, Lê Thanh Hải, Nguyễn Thúy, Nguyễn Văn Ưng, Huỳnh Đắc Hương, Huỳnh Ngọc Huệ, Phan Bá, Chu Huy Mân, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Quang Chung, Phan Tốn, Hồ Tên, Phan Quang Trọng, Phan Thị Nễ, Phan Thêm và 2 đồng chí Ủy viên Cứu quốc Võ Toàn và Nguyễn Xuân Nhĩ. Năm Ủy viên Thường trực gồm: Trần Văn Quế, Nguyễn Thúy, Lê Thanh Hải, Võ Toàn, Nguyễn Xuân Nhĩ.
Vào tối 14/8/1945, cơ quan Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động tỉnh ở đình Dưỡng Mông gần nhà Nguyễn Sang, chuyển ra nhà ông Tú Vân, làng Bích Trâm, xã Điện Hòa, Điện Bàn. Nguyễn Xuân Nhĩ ra giúp Hòa Vang, Phan Thị Nễ phụ trách Binh vận. Phan Quang Trọng phụ trách Tam Kỳ.
Đang đêm, Nguyễn Văn Ưng - Trưởng ban Bạo động Hội An chạy lên La Huân - Bích Trâm gặp Thường trực Tỉnh ủy báo cáo tình hình ở Hội An và xin cho Hội An khởi nghĩa sớm. Thường trực đồng ý cho Hội An chớp thời cơ làm trước.
Ông Võ Toàn được Thường trực bổ sung xuống giúp Hội An, 10 giờ đêm ký lệnh khởi nghĩa ngay trong đêm 17/8/1945. Nguyễn Văn Ưng rời Bích Trâm lúc 3 giờ sáng chạy bộ đến Hội An đúng 6 giờ sáng. Ban Khởi nghĩa Hội An đang họp. Nửa đêm hôm qua đã chuẩn bị lực lượng, thành lập các tiểu đội, trung đội tự vệ trang bị gậy gộc, dao mác… làm nòng cốt.
Lúc 12 giờ đêm, được tin cơ sở Binh vận Hội An báo Tỉnh trưởng Quảng Nam Tôn Thất Giáng đã nhận được tối hậu thư của Ủy ban bạo động Việt Minh do Trần Đình Tri gửi ngay chiều 17/8, buộc phải đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng và Tôn Thất Giáng đã ra lệnh cho binh lính đồn Bảo an khóa cửa kho súng.
Ta quyết chiếm đồn lính Bảo an trước. Quần chúng Kim Bồng, Thanh Hà… kéo sang nhập với dân nội thị làm cho khí thế bừng bừng. Họ hô khẩu hiệu, họ đánh thùng thiếc, họ gõ thau đồng gây tiếng động keng keng, ì ầm.
Phá kho súng, tự vệ lấy được 125 khẩu súng… Lúc 3 giờ sáng 18/8/1945, tự vệ cùng hàng ngàn quần chúng kéo lên bao vây Tòa Khâm sứ, khu vực Tỉnh đường của Tôn Thất Giáng, cả bốt cảnh sát, kho bạc, bệnh viện…
Trước rừng người vây quanh Tòa Khâm sứ, Ban Khởi nghĩa tuyên bố: Chính quyền đã về tay Nhân dân! Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, phất phới bay trên trụ cờ của Tòa Khâm sứ Pháp. Tôn Thất Giáng đọc lời tuyên bố đầu hàng Việt Minh.
Ông Võ Toàn nói: “Sau khi giành được chính quyền ở Hội An, chúng tôi họp các đồng chí có trách nhiệm lại, nhắc nhau một số công việc làm gấp là ổn định trật tự trong thành phố, tổ chức lực lượng vũ trang, ra sức bảo vệ chính quyền... Phần tôi lấy 70 anh em tự vệ có vũ khí đầy đủ, huy động 7 xe ô tô chuyển tiền bạc và tài liệu lên Duy Xuyên để sẵn sàng đưa lên căn cứ theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy.
Khi xe qua Vĩnh Điện, tôi thấy ở đây họ đã sắp sẵn súng đạn xin giao nộp cho Cách mạng. Ra khỏi cửa hữu thì gặp đồng chí Lạc - Chu Huy Mân. Tôi bàn với đồng chí Lạc cần huy động quần chúng giành chính quyền ngay ở Phủ đường Điện Bàn, chúng tôi tiếp tục lên đường đi Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước...”.
Từ ngày 1/9/1945, đồng bào các phủ, huyện, thị trong toàn tỉnh được huy động đông đảo tập trung về Hội An chuẩn bị tham dự ‘‘Lễ mừng độc lập’’.
Ngày 2/9/1945, hơn 10 vạn người chia thành từng đoàn biểu tình rất trật tự, mang theo cờ, băng, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ tịch, có lực lượng tự vệ vũ trang đi đầu tiên vào sân vận động Hội An để chứng kiến một sự kiện trọng đại: ngày tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Một lễ đài được dựng lên trên nền đất trống phủ cỏ xanh, có nền phông trắng, trên cao là khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, dưới là cờ đỏ sao vàng với bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Ông Hai Lạc - Trưởng ban Tổ chức buổi lễ trịnh trọng giới thiệu mấy lời trước đồng bào rồi mời ông Nguyễn Xuân Nhĩ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh đọc diễn văn...
Quảng Nam ngay ngày đầu giành chính quyền gần hết các huyện, chỉ còn Hòa Vang và Đà Nẵng làm sau. Nhật sợ nhất là Quảng Ngãi, vì du kích Ba Tơ chặn đánh trên quốc lộ 1 giết nhiều tên. Còn ở Quảng Nam để cho lính Nhật về nước an toàn dù nó không chịu đưa vũ khí.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Tỉnh ủy viên, trực tiếp phụ trách khởi nghĩa Đà Nẵng. Tối 16/8/1945, Thành bộ Việt Minh Thành Thái có phiên họp, bầu ra Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố gồm các đồng chí: Lê Văn Hiến – Chủ tịch, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Trác, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi và một số đồng chí phụ trách các ngành.
Tối 25/8/1945, đồng chí Lê Văn Hiến từ Quảng Ngãi vừa về đến Đà Nẵng, Ủy ban khởi nghĩa thành phố đang họp liền quyết định phát lệnh khởi nghĩa toàn thành phố vào sáng 26/8/1945. Đúng 8 giờ sáng 26/8/1945, khi tiếng còi của thành phố vang lên, tất cả lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng và cán bộ đã bố trí phụ trách từng mục tiêu đã định đồng loạt nổi dậy giành chính quyền…
Một cuộc mit tinh lớn tổ chức trước Tòa Thị chính, đồng chí Lê Văn Hiến thay mặt Ủy ban nhân dân Cách mạng thành Thái Phiên tuyên bố chính quyền cách mạng thuộc về Nhân dân… Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tòa Thị chính Đà Nẵng…
Sáng ngày 28/8/1945, một cuộc mit tinh lớn ở sân vận động Chi Lăng mừng thắng lợi. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thành Thái Phiên do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch ra mắt nhân dân thành phố.
Ngày 2/9/1945, tại thị xã Hội An, Tỉnh ủy và Ủy ban Việt Minh tỉnh tổ chức mit tinh mừng thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tình Quảng Nam với Nguyễn Xuân Nhĩ - Chủ tịch, Nguyễn Thúy - Phó Chủ tịch...