Ký ức nón lá

LÊ TRÂM 21/05/2017 09:01

Hình ảnh mẹ ngồi chằm nón lá trong những ngày nông nhàn thật quen thuộc đối với thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn Quảng Nam.

Chằm nón.
Chằm nón.

Bây giờ thì người ta hô hào phục hồi các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề chằm nón ở Quế Xuân, Quế An (huyện Quế Sơn)… Nhưng thật ra nghề chằm nón vốn có ở rất nhiều nơi. Đó là kiểu nón thô, vụng dành cho các mẹ, các chị đội mưa đội nắng quanh năm chứ không phải kiểu nón “diễn” dành cho các cô “thiếu nữ tân thời” ngày nào! Trong ký ức của tôi, lá nón được chở từng bó lớn từ Hòn Lá ngoài Cù Lao Chàm về các “đại lý” lá nón Bà Rén. Lá được tẻ ra, trải trên cát và đạp bằng chân. Mục đích là để làm mất đi lớp vỏ xanh bên ngoài, lá sẽ trắng hẳn ra. Sau đó đem phơi. Từ những cọng lá vốn suôn đuột, khi ăn nắng, lá sẽ xoắn cuộn lại như người ta vặn dây thừng. Khi lá khô hẳn người ta sẽ bày bán ở chợ. Lá nón chợ Bà Rén từng nổi tiếng một thời, kéo dài cho đến chừng mươi năm gần đây thì vắng dần.

Khi mùa đã vãn, mẹ tôi (cùng các bà khác trong xóm) rủ nhau lên chợ Bà Rén mua lá nón về. Sau đó đến công đoạn “kéo lá”. Mỗi nhà sắm sẵn một miếng gang (thường lấy từ các chảo gang bị bể), một số vải được cuộn lại thành cuộn to bằng nắm tay dùng để “kéo lá”. Mảnh gang được đặt trên lửa than cho nóng. Thỉnh thoảng mẹ lại chà cái nắm vải lên mảnh gang xem đã “vừa” chưa. Khi mảnh gang đã đủ độ nóng, lá nón được đặt lên mảnh gang và dùng cuộn vải kéo nhẹ và nhanh qua ngọn lá để làm cho lá thẳng thớm. Kỹ thuật kéo lá cần phải có nghề, bởi kéo chậm lá sẽ “cháy” mà nhanh quá, lá sẽ “sống”, không được đẹp và thẳng, “lên” nón sẽ thô. Với hai tay “dịu nhuốt”, những ngọn lá qua tay mẹ tôi lá nào lá nấy thẳng căng và lên nón sẽ đẹp “nhức nhối”.

Đi cùng lá là mo nang. Mo nang gỡ từ các bụi tre về phơi khô và “giẫy” bớt phần ruột cho mỏng đi, sau này được “độn” vào giữa hai lớp lá nhằm tăng thêm độ bền cho nón, giúp nón chịu qua bao mùa mưa nắng, chịu cả qua các đợt bão dông. Muốn có nón “diễn” thì thay lớp mo nang bằng lớp giấy mỏng, thậm chí dùng cả các tờ giấy có viết sẵn thơ để nón trở thành… nón bài thơ như kiểu nón bài thơ Huế! Thỉnh thoảng, có cô chỉ thích nón không có lớp giữa, gọi là nón hai lớp, có lẽ để khoe “tay nghề” của mình, chứ với hai lớp lá mỏng manh thì chịu chi nổi với nắng mưa, gió bão Quảng Nam!

Vành nón thường dùng tre vừa già nhưng không quá già, bảo đảm độ bền và dẻo, được chẻ sẵn thành những thanh vuông vức từ nhỏ đến lớn, đủ các kích cỡ. Thanh lớn nhất sẽ vót thành vành nhứt. Thanh nhỏ nhất, có khi là tận dụng các đoạn tre bỏ ra để vót thành các vành nhỏ hơn, thứ mười lăm, mười sáu, mười bảy. Có khi rảnh rỗi ba tôi vót sẵn một số bộ vành treo ở chái bếp, khi nào cần thì mẹ mang ra dùng. Vành nón được vót thật đều, hai đầu chuốt nhọn thành khớp nối để chắp thành vành nón và buộc bằng chỉ hoặc dây nhựa. Các mối nối được phân phối đều để nón được cân phân, tròn đều. Có hai loại nón, loại lớn có 17 vành, loại nhỏ hơn thường dành cho trẻ con, có 16 vành.

Công đoạn “xoay/xây lá nón”, tức lợp lá cho nón thật công phu, không phải ai cũng làm được! Lá được cắt vát một phần ở phía ngọn (sau này sẽ “xây” thành phần chóp nón) và tất cả được buộc với nhau bằng chỉ ở đầu phần ngọn. Phần ngọn này được cắm vào đầu khuôn nón bằng một cái chốt tre nhỏ như cây tăm để giữ các lá, sau đó tất cả lá nón được trải đều ra, phủ kín khắp khuôn nón. Phần đuôi các lá nón được “chành”/giữ bởi một vành tròn và được vuốt phẳng phiu.

Nón được chằm từ đỉnh xuống vành cuối cùng, chằm tới đâu lá được vuốt phẳng tới đó. Tài nghệ mỗi người thể hiện rất rõ ở mức độ nhanh chậm và độ đều/nhuyễn của các đường cước chằm. Đã thành kỹ năng, các bà, các chị cứ để nguyên khuôn nón mà chằm không cần phải lật nghiêng để dòm/nhìn vành nón phía dưới như cách ở một vài nơi làm. Sự cảm nhận tinh tế của đầu các ngón tay khiến các bà, các chị dễ dàng “nhận ra” các đường vành nón nằm khuất sâu dưới hai lớp lá và một lớp mo nang. Có thể ở các làng nón Dưỡng Mông, Quế An hay nhiều nơi khác người ta chằm nhiều hơn nhưng ở quê tôi mỗi ngày các bà, các chị chỉ cần chằm xong một chiếc nón là “đủ tiêu chuẩn” (có khi hai, ba ngày mới xong một chiếc!). Chằm xong độ chục nón hoặc vài ba chục, những chiếc nón lá sẽ theo các bà, các chị đi chợ Bà Rén. Giá tuy không cao, các bà, các chị chỉ “lấy công làm lời”, mua sắm “chút mắm chút muối” và tất nhiên, không thể thiếu, là phải mua thêm lá nón, cước chằm để chuẩn bị cho các chục nón tiếp theo.

Ngày mưa ngày gió hoặc mùa màng rảnh rang, mẹ tôi vừa chằm nón vừa “nói chuyện nhà” hoặc trao đổi “đủ thứ chuyện trên trời dưới đất” - những câu chuyện nhiều khi không đầu không cuối. Lại có khi các bà, các chị trong xóm rủ nhau tụ tập về nhà một ai đó để vừa chằm nón vừa nói chuyện cho vui, tạo nên một không khí vô cùng vui vẻ, ấm áp của tình làng nghĩa xóm. Bây giờ, khi mọi thứ phương tiện che nắng mưa đã đơn giản và rẻ đi nhiều, câu chuyện “chằm nón” chỉ còn lại trong ký ức, có thể không lâu nữa cũng sẽ mất hẳn, chẳng còn chi để nhớ!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức nón lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO