Cách đây 52 năm, quân đội Mỹ và chư hầu đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu 30 người dân vô tội tại làng Phi Phú (thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang, Điện Bàn). Chết chóc, tang thương càng hun đúc thêm quyết tâm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược của người dân nơi đây.
Ông Trần Công Châu dâng tặng hoa tri ân ông Trần Ba (trái). |
Thảm sát
Mảnh đất Điện Quang (vùng Gò Nổi) đã hứng chịu rất nhiều bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt của Mỹ trong chiến tranh. Tuy nhiên, nhân dân vẫn kiên cường trụ bám giữ làng “một tấc không đi một ly không rời”. Trong những trận hành quân càn quét, giặc Mỹ và chư hầu đã thực hiện hàng loạt chính sách đàn áp rất tàn bạo. Chúng huy động một lực lượng quân sự đông đảo tham gia cướp bóc, đốt phá nhà cửa, làng mạc, giết hại dân lành vô tội. Tại làng Phi Phú, vào sáng ngày 12.7.1966 (ngày 23 tháng 5 năm Bính Ngọ), giặc Mỹ và bọn chư hầu ra tay tàn độc với 30 người dân vô tội dù trong tay họ không có lấy một tấc sắt. Sau khi kẻ khát máu rút đi, bà Trương Thị Lan (Bà mẹ Việt Nam anh hùng) - người sống sót trong vụ thảm sát, bà Hồ Thị Diệu đang ẩn nấp bụi tre ở góc vườn chứng kiến toàn bộ sự việc và ông Trần Ba - người tổ chức mai táng các nạn nhân xấu số đã bàng hoàng kể lại sự việc với đồng bào, đồng chí và được ghi lại tường tận.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Điện Quang - bà Trần Kim Thoa trong một buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát, cho biết, vào buổi sáng định mệnh ấy, bọn giặc đổ quân tại đường sắt và chia làm hai cánh quân càn quét lên Phi Phú. Bước vào làng, chúng bắn chết bà Xã Chiếc và bà Đặng Thị Đối (tại nhà thờ tộc Đinh), rồi đạp xác xuống giao thông hào. Trên đường đi, giặc Mỹ và chư hầu qua kiệt nhà bà Diệu để vào nhà ông Trần Thống. Lúc này, tại nhà ông Thống, bà con chòm xóm đang tập trung lượm tằm chín (một công đoạn của nghề trồng dâu nuôi tằm). Chúng thẳng tay đánh đập mọi người, bắn chết bà Thống và đốt nhà. Bọn giặc tiếp tục bắt 8 cụ ông, cụ bà xuống hầm chìm, dùng mìn hơi và lựu đạn ném vào miệng hầm. Chúng tiếp tục đánh đập ông Thống, ông Cao Văn Dương và ông Nguyễn Thạnh rồi ném xác vào lửa đỏ. Số người còn lại bị bắt ra vườn bà Hương Thừa, họ bị bắn tập thể và đạp xác xuống giao thông hào. Man rợ hơn, chúng còn bắt chị Phạm Thị Sáu xuống hầm nhà ông Thời hãm hiếp đến chết rồi dùng lựu đạn giết không toàn thây.
“Điện Quang rực lửa căm hờn” Một ngày sau vụ thảm sát tang thương, ngày 13.7.1966, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Điện Bàn lúc đó là ông Lê Văn Hiến đã viết bài thơ “Điện Quang rực lửa căm hờn”. Bài thơ có đoạn: “…Gây ra bao cảnh tiêu điều (Nội dung bài thơ đã được khắc vào mặt sau tấm bia đặt tại khu tưởng niệm, công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh). |
Nhớ lại ký ức đau thương, bà Trần Thị Nhứt (sinh 1924) kể lại, sáng hôm ấy do khát nước nên bà rời khỏi hầm chạy đi uống. Lúc nhìn lại, bà Nhứt thấy lửa cháy ở hầm nhà ông Tư Thống (ông Trần Thống). Thảng thốt chạy về, bà tận mắt chứng kiến cảnh tượng tang thương, lòng đau đớn tột cùng khi nhận ra nhiều người thân, đặc biệt mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị Nhứt (còn gọi là Nguyễn Thị Nhâm) đã thịt nát, xương tan. Tổng cộng 30 người dân vô tội (15 trẻ em) bị giết hại một cách dã man, trong đó có một cháu bé mới chào đời chưa được đặt tên.
Biến đau thương thành hành động
Trong vụ thảm sát Phi Phú, có những gia đình không còn ai sống sót, không còn ai để khói hương, giỗ kỵ. Bà Trần Thị Nhứt kể, ngoài bà Diệu núp sau bụi tre không bị phát hiện, bà Lan và bà Giáo may mắn sống sót dù đã bị vùi lấp dưới giao thông hào. Do bị thương ở đầu quá nặng, bà Giáo đã không qua khỏi. Một ngày sau, ông Trần Ba tổ chức cho bà con trong làng và anh em du kích lén về nhiều buổi chiều tối để đào, xới tìm kiếm xác, bó chiếu chôn cất cho những người dân lành. Trong nỗi đau, nước mắt cạn khô không còn để khóc cho những người bất hạnh, chỉ có lòng căm phẫn tột cùng dâng lên đôi mắt. Dưới tiếng súng đì đùng, ông Trần Ba quyết không bỏ cuộc mà kỳ công lo hậu sự cho đồng bào mình.
Tại lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát (1966 - 2016), ông Trần Công Châu - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Gò Vấp, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Điện Quang tại TP.Hồ Chí Minh và là thân nhân của gia đình có 4 người bị thảm sát cùng nhiều thân nhân khác đã xúc động cảm ơn và tri ân ông Trần Ba bằng những cái ôm thật chặt. Đến bây giờ, các nhân chứng sống đều khẳng định, sự hy sinh của đồng bào, đồng chí trong vụ thảm sát Phi Phú đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở địa phương. Hàng trăm người con quê hương gia nhập các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, sát cánh chiến đấu, cùng quân và dân cả nước lập nên những chiến công vang dội, đánh tan quân thù. Với truyền thống quật khởi, ý chí kiên cường, cần cù sáng tạo, nhân dân và cán bộ làng Phi Phú - nay là thôn Bến Đền Tây sau chiến tranh đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn, tổ chức khai hoang phục hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống. Để trên bước đường xây dựng và phát triển toàn diện, thôn Bến Đền Tây đã được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” vào năm 2017, là thôn đầu tiên của thị xã Điện Bàn đạt chuẩn.
CÔNG TÚ