Trong cuộc sống người đàn ông Ấn Độ, có ba việc quan trọng nhất trong đời: Một là dựng vợ, gả chồng; hai, cất cho mình một ngôi nhà và cuối cùng là chu toàn trách nhiệm đối với con cái. Làm xong ba việc này, phần lớn họ sẽ lui về sống đời sống tâm linh; chuẩn bị cho một đời sống mới sau cái chết… Vì vậy không phải ngẫu nhiên, chiếc bánh xe pháp luân kỳ diệu mà cả Ấn giáo cũng như Phật giáo đều coi đó biểu tượng vĩnh hằng cho tôn giáo mình, được đặt vào giữa lá quốc kỳ của đất nước này.
Một góc thành phố Hyderabad, thủ phủ của bang Andhra Pradesh hiếm nhà cao tầng.Ảnh: T.H |
Mùi hương trầm
Gần nơi tôi lưu trú có ngôi chùa Phật giáo, được xây dựng ở vị trí cao nhất, đẹp nhất Hyderabad. Không gian tu hành ở đây không u tịch như thường thấy trong môi trường văn hóa tôn giáo quen thuộc của Việt Nam, mà thậm chí còn có vẻ sinh động, vui tươi với những tràng hoa cúc, hoa sứ vàng rực được treo, rải khắp nơi, từ cổng vào tận tam quan. Khác biệt hơn, chùa nhưng không có tiếng tụng kinh, gõ mõ, thay vào đó là những đoạn pháp thoại, kinh kệ được phát ra từ chiếc loa công suất lớn, âm vang cả một vùng… Chỉ không gian luôn tỏa mùi hương trầm đặc trưng là sức thu hút duy nhất những chiều tôi vẫn tìm đến chùa vãng cảnh, nói vài câu chuyện phiếm với vị sư trụ trì.
Từ trên cao, thành phố Hyderabad ẩn hiện dưới tầm mắt. Không có nhiều nhà cao tầng. Có vẻ các nhà kiến trúc thành phố khéo léo hạn chế chiều cao, để các kiến trúc dân sự không trùm bóng lên các thánh đường Ấn Độ giáo, Hồi giáo thiêng liêng, khắp nơi trong thành phố. Những gì thuộc về tôn giáo ở đây đều được coi trọng. Thậm chí người bảo trợ khóa học chúng tôi còn không tin rằng, nhiều sinh viên đến từ vài nước đặc thù còn không theo tôn giáo nào.
Thật lòng, cho đến cả trong mơ tôi vẫn không hình dung có một ngày lại cắp sách đến trường, và hơn hết tận nơi mà trong bộ phim Tây Du ký thường gọi Tây Thiên, cách quê hương đến vài nghìn dặm. Ngôi trường tôi theo học có tên English and Foreign Languages Hyderabad (EFLU), thuộc hệ thống Osmania University (OU), nằm ở bang Andhra Pradesh được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm. Trường dạy đủ các môn học kinh tế lẫn khoa học xã hội. Trong khuôn viên rộng hàng ngàn hecta, OU có dân cư sinh sống, có chợ, siêu thị, khách sạn nhà hàng… và cả những khu rừng lớn, không thiếu động vật hoang dã. Trên bản đồ gọi đây là vùng Taranaka.
Từ sự tình cờ, tôi nhận được học bổng của chính phủ Ấn Độ tham dự khóa học nâng cao tiếng Anh tại EFLU. Sự có mặt của tôi tại đây, theo đạo Phật là duyên; hay với bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ thì “Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra”… Trên quy tắc này, giàu, nghèo, sang, hèn… con người trong xã hội cứ vậy an nhiên, tự tại mà sống. Như thành phố tôi tạm trú, bên cạnh những kiến trúc xa hoa, tráng lệ, ta có thể bắt gặp những “tập đoàn” hành khất có mặt khắp mọi nơi; cảnh sống bần hàn bên trong những khu phố ổ chuột, dưới chân những tòa nhà chọc trời... Không vấn đề gì đáng phải bàn, vì đời sống tâm linh mới là quan trọng. Từ đẳng cấp Bàlamôn đến giới bình dân, tất cả đều chung một vị thần; cùng đến một giáo đường và được thụ hưởng sự ban phát như nhau. Vì vậy cũng đừng ngạc nhiên khi hôm qua, người bạn bắt tay là một doanh nhân thành đạt, thì hôm nay gặp lại họ trong bộ dạng một hành khất, xin từng đồng tiền lẻ, hay bát cơm qua ngày…
Sachest Lord, vị sư trụ trì chùa trên đồi Hyderabad giải thích: “Làm xong ba việc lớn trong đời, nhiều người lui về với cuộc sống tâm linh. Có những thương nhân thành đạt, bỏ hết mọi lạc thú ở đời, tìm đến dãy núi tuyết (Hymalaya) tu tập, tìm kiếm chân lý vũ trụ; có người theo trường phái khất thực, lang thang khắp nơi “xin ăn”. Việc làm này công đức vô lượng vì họ mang ơn phước đến cho người bố thí, tạo điều kiện cho họ “dọn mình” ở kiếp sau”.
Amaravati - thành phố cạnh con sông
Amaravati - theo giải thích của GS-TS. ngôn ngữ học Reddy là mảnh đất cạnh bờ sông, theo tiếng Phạn. Ngày tôi đến Hyderabad học tập, địa danh này thu hút tôi mạnh mẽ, vì đó vốn là tên gọi của mảnh đất miền Trung từ những năm thế kỷ 10, thuộc Vương quốc Chămpa.
Lễ hội Thần voi Ganesha trên đường phố Hyderabad. |
Từ Hyderabad có thể đến Amaravati bằng nhiều phương tiện giao thông cá nhân, lẫn công cộng. Trong đó, đường sắt là tiện lợi và rẻ nhất. Hệ thống hỏa xa Ấn Độ được xem là thành quả của công cuộc hiện đại hóa sau ngày độc lập, từ đô hộ của người Anh năm 1948. Đây được ví như mạch máu nuôi sống 1,2 tỷ người dân đất nước này. Tương tự nhiều nước phát triển, hệ thống đường sắt của Ấn Độ có chiều rộng tiêu chuẩn 1,4m và phần lớn dùng năng lượng điện. Ví nó như mạch máu là phải vì phương tiện công cộng này trải dài khắp đất nước và len lỏi vào tận những làng mạc xa xôi. Đoạn đường từ nhà ga Stafatmandi, gần nơi tôi học, đến Amaravati dài hơn 250km, nhưng chỉ trả 18 rupiah (khoảng 8 ngàn đồng). Dĩ nhiên đó là chiếc vé cho người nghèo. Dễ thấy sự lộn xộn, bẩn thỉu ở các toa tàu. Dê, gà chồng chất, chen chúc trên toa là việc rất đỗi bình thường. GS-TS. Reddy an ủi chúng tôi bằng nụ cười khuyến khích: “Nên trải nghiệm và sống sâu nhất có thể với đời sống người dân thì mới cảm nhận được văn hóa của họ”.
Amaravati đang trở mình để trở thành thành phố hiện đại nhất của Ấn Độ, dự kiến vào giữa thế kỷ này. Các nhà hoạch định dự tính, thành phố Amaravati mới, với 3,5 triệu dân, sẽ có hệ thống giao thông thân thiện với môi trường bao gồm taxi nước, xe chạy điện và thậm chí cả hệ thống tàu tốc độ cao chạy trong ống kín (Hyperloop). Không gian Amaravati được lấy cảm hứng từ Công viên trung tâm của New York, để tiến đến trở thành thủ phủ mới của bang... Tuy vậy, với tôi sự hấp dẫn của nó là những di sản Phật giáo cổ đại còn lại bên bờ sông Krishna. Tháng 2 vừa rồi, chính quyền bang Andhra Pradesh dự kiến sẽ xây dựng Monnatery Boulevar (Đại lộ tu viện), dự kiến cho phép các nước xây dựng chùa, cơ sở tự viện, biến thành phố trở thành một trung tâm Phật giáo quốc tế tương tự như Bodh Gaya ở tiểu bang Bihar phía đông bắc Ấn Độ. Hàng năm, một lễ hội di sản Phật giáo Amaraviati (A Ma La Bà Đề) được tổ chức tại đây với sự tham gia của hàng nghìn tăng lữ, đại diện cho các hệ phái Phật giáo Nam, Bắc truyền và Kim cương thừa, cùng hàng vạn người từ khắp nơi trên thế giới tương tác qua internet cầu nguyện cho hòa bình.
Trong cuốn sách hướng dẫn du lịch của Ấn Độ, Hyderabad được giới thiệu là khởi nguồn của Ấn Độ giáo, sau này là Phật giáo, ảnh hưởng đến trực tiếp đến khắp các nước Đông Nam Á, như Miến Điện, Lào, Campuchia, Thái Lan… và đậm nét nhất là vương quốc Chămpa, suốt cả hai thời kỳ. GS-TS. Venkat Reddy, người hướng dẫn tôi viết đề tài “Ảnh hưởng thần thoại Ấn Độ trên hệ thống điêu khắc tượng thần Chămpa” theo sát tôi trong thời gian lưu trú ở Ấn. Ông gần như không từ bất cứ yêu cầu nào từ tôi, đặc biệt với nhu cầu tìm hiểu văn hóa đất nước Nam Á này. Đó cũng là lý do tôi cùng ông đến Amaravati. Ngày Reddy ở Đà Nẵng - Việt Nam, ông thích Thánh địa Mỹ Sơn. Lý do, ở đây ông nguôi nỗi nhớ nhà cùng những ngôi tháp gạch, cùng các vị thần Siva, Ganeshsa, Brahma… quen thuộc. Ông bảo, tôi bước trên con đường mà ngày xưa ông cha tôi đã đi qua. Lý do nào ông nói vậy? Tôi sẽ hầu bạn đọc trong một ghi chép khác, lạ hơn những gì bạn được nghe từ trước đến nay ở Mỹ Sơn.
Amaravati nằm dọc theo sông Krishna - tên một vị thần. Đây là một trong 7 con sông lớn nhất Ấn Độ, bồi đắp cho cánh đồng hàng vạn hecta trồng trọt của bang Andhra Pradesh, đồng thời cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Hyderabad hơn 6,1 triệu dân. Vùng đất này ẩn chứa những Phật tích quan trọng nhất trong Phật giáo Ấn Độ. Một trong bốn thánh địa nằm dọc theo sông Krishna là nơi cách đây 2.500 năm trước, Long Thọ Bồ tát thành đạo có tên gọi Nagarjuna (thần long). Long Thọ là ông tổ của hệ phái Mật tông - Kim cương thừa trong đạo Phật.
Tiếc rằng Thánh địa Nagarjuna nay chỉ còn tồn tại trong lịch sử. Vì nhu cầu cấp thiết phục vụ cho đời sống, Nhà nước đã chặn dòng Krishna, xây dựng hồ thủy lợi, vùi sâu thánh tích này dưới hàng chục mét nước. Một bảo tàng rộng hàng ngàn mét vuông được xây dựng, lưu giữ vô số kỷ vật, kỷ niệm một thời phát triển rực rỡ của thánh tích. Tháp xá lợi Phật lớn nhất, đẹp nhất trong sử sách ghi, xây dựng vào thời vua A Dục thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, bên sông Krishna nay đã đổ nát, mất dạng.
*
* *
Thế giới ngày nay càng trở nên phẳng hơn với cuộc cách mạng 4.0, trong đó Ấn Độ đứng ở tốp đầu. Thế nhưng bên cạnh những thành phố thông minh ngày mỗi nhiều trên khắp dọc dài, đất nước này ẩn tàng những vỉa tầng văn hóa ngàn xưa trong con người, tự nhiên và kiến trúc. Nói về Ấn Độ, nhà văn Hồ Anh Thái trong cuốn Narmaska nhận xét: “Ấn Độ lưu giữ hầu như nguyên vẹn mọi thứ bằng cả một đất nước, một xã hội sống động. Những cái nôi văn minh khác đã bị tàn phá bởi thiên tai và những cuộc cách mạng… Riêng ở việc bảo tồn sống động này, liệu ta có phải biết ơn tính bảo thủ của người Ấn?”.
Phóng sự của NGUYỄN TRUNG HIẾU