Ký ức thủ khoa đầu tiên

LÊ TUẤN NGỘ 04/09/2015 09:55

Mùa hè năm 1955. Lúc đạp xe qua lại trên đường Trần Cao Vân, con đường chính bắt đầu từ một ngã ba trên quốc lộ 1, khoảng giữa thị xã, chạy lên Tiên Phước, tôi nhìn thấy một ngôi trường mới được xây cất, vách tường bằng tre đan kẹp giữa các khung gỗ, được trét bằng xi măng, quét vôi trắng xóa. Ngôi trường chỉ có 4 phòng, là nơi học tập của 1 lớp Đệ ngũ, 1 lớp Đệ lục và 2 lớp Đệ thất.

Hồi còn đi học tại Trường Phan Châu Trinh - Cẩm Khê, ngoài việc lo học, lo đào hầm trốn máy bay, và ban đêm chúng tôi mới đi chợ Cẩm Khê mua đồ ăn, mắm dưa cho cả một tuần cực nhọc. Bây giờ trong khung cảnh thanh bình sau chiến tranh với ngôi trường mới mở ra ở thị xã, là ước mơ của chúng tôi, nghe nói sẽ có một kỳ thi vào lớp, chúng tôi vừa băn khoăn, vừa lo lắng, lúc nào ngang qua ngôi trường mới được xây dựng, cũng lâng lâng trong hồi hộp.

Đầu tháng 9.1955 Trường Trung học Trần Cao Vân được khai giảng. Vị hiệu trưởng đầu tiên, thầy Vũ Hữu Nghi người Bắc. (Các thầy Nguyễn Văn Truyền (thân phụ của các chị Hồng Lăng lớp Đệ ngũ, chị Thanh Mai lớp Đệ lục và Ỹ Vân lớp Đệ thất) dạy Pháp văn, thầy Hoàng Văn Trí người Huế dạy Hóa, thầy Trân dạy Toán, thầy Ngô Hữu Giả dạy Công dân, thầy Ngô Văn Chương dạy Văn, thầy Hy dạy Anh văn; cô Lý, thầy Chân, thầy Hiệu, thầy Quế, thầy Hàm, thầy Đại.., tôi không  nhớ hết).

Các  cựu học sinh khóa 68 - 75 về dự 60 năm thành lập THPT Trần Cao Vân Tam Kỳ. Ảnh: Đ.Q
Các cựu học sinh khóa 68 - 75 về dự 60 năm thành lập THPT Trần Cao Vân Tam Kỳ. Ảnh: Đ.Q

Từ Phước Long xuống Tam Kỳ khoảng 25 cây số, cuối tuần tôi phải đi - về  mang theo một “ruột tượng” gạo, một hũ mắm với chiếc xe đạp “cà tàng” đến Tam Kỳ trọ học tại nhà bà Nhi ở sát phía sau trường Trần Cao Vân, chỉ cách một bờ rào, có cây đa già tỏa bóng mát đến khu thể dục của trường. Cùng trọ học với tôi và cùng học lớp Đệ ngũ đầu tiên có Hoàng Đình Mai, Nguyễn Tiến Long. Ba đứa sống chung nhà, cùng học một lớp nhưng mỗi người mỗi ý thích, tôi thì khoái chơi bóng bàn, Mai thích bóng chuyền còn Long thì thích xem... đá gà bên nhà hàng xóm.

Nhớ lại những bước chân đầu tiên ngơ ngác vào trường thi, tôi định thi vào Đệ lục, bởi cứ lo khả năng mình còn kém quá, nhưng Long, Mai cứ rủ rê “thì cứ thi đại vào Đệ ngũ, rủi có rớt thì xin vào học Đệ lục chắc được”. Thế là “liều”, nợp đơn xin thi vào Đệ ngũ. Ngày xem bảng vừa đi vừa run trong bụng. Mới đến cổng trường đã nghe tiếng Long, tiếng Mai reo to:

-  Ba anh em mình đậu rồi, Long ghé tai tôi nói nhỏ:

-  Cậu đậu nhứt rồi, ngon quá tay.

Long vốn là con trai của bà chị tôi, nên nó gọi tôi bằng cậu.

Tôi chưa tin nên chen đám đông vào xem bảng cho chắc ăn. Quả đúng là “chó ngáp nhằm ruồi”, tôi đỗ thủ khoa lớp cao nhất đầu tiên của Trường Trần Cao Vân ngày mới thành lập. Cái vinh dự lớn nhất cho một anh học trò vốn “nhà quê chúa” như tôi. Ngày vào lớp học, thầy hiệu trưởng gọi tên tôi và chọn tôi làm trưởng lớp. Mỗi đầu tuần vào sáng thứ Hai tôi điều khiển buổi chào cờ chung cho toàn trường. Sau này tôi còn là Trưởng ban Văn nghệ của trường, cùng trình diễn những màn hài kịch với Nguyễn Trung Phò, Vũ Quang Hân mang lại những trận cười thỏa thuê cho bạn bè trong những đêm văn nghệ.

Vào cái lớp Đệ ngũ của Trần Cao Vân năm ấy tôi nhớ sĩ số đâu khoảng bốn mươi mấy người. Bên nữ chỉ có chừng sáu, bảy người, ngoài chị Hồng Lăng là người Bắc, còn lại là dân Quảng Nam cả: Chị Hạnh, chị Liên. chị Ân, chị Ái, Như Diệu và chị Thể, chị Cân… Tôi ngồi đầu bàn thứ nhì phía giữa, bên phải, cạnh tôi là bạn Lê Văn Đáp, sau này có thời làm Quận trưởng Quế Sơn, bạn bè sàn sàn tuổi nhau cũng không có chàng nào nổi trội, đặc biệt riêng có Huỳnh An Ninh là tay bóng bàn xuất sắc, đã nhiều lần lãnh giải vô địch trong những cuộc thi đấu tại địa phương. Qua năm sau các bạn được lần lượt cho lên lớp.

Do nhu cầu giáo dục phát triển, trường lớp được mở thêm và cho tuyển vào 3 lớp Đệ thất mới. Ở lớp Đệ tứ tôi không còn làm trưởng lớp nữa, mà chuyển sang cho anh Đinh Mưu, người xã Kỳ Lý, ngoài ngã ba Chiên Đàn, có lẽ anh có hình dáng “to con” hơn tôi, trong khi tôi thì ốm tong teo như cây sậy.

Sân trường những năm này chưa trồng cây nên còn rộng rãi. Phía bên trái các lớp học là văn phòng, thư ký trường hồi đó là thầy Trương Hổ và bác phu trường có cái tên khó quên: bác Thỏn. Cách nhau một hàng rào thấp là trường tiểu học với thầy hiệu trưởng Lê Xuân Mai. Bên góc phải trường là cây đa lớn.

Ngày đầu tiên vào Trường Trần Cao Vân còn bỡ ngỡ với đám học trò nửa quê nửa tỉnh, từ trong chiến tranh bước ra hòa bình. Sang năm thứ nhì thì mọi sự dần vào nền nếp, văn nghệ, thể dục thể thao đã vào nhịp chung của xã hội. Ban văn nghệ không những chỉ trình diễn trong khuôn viên trường, mà còn được trình diễn trên sân khấu nơi công cộng. Môn thể thao các học sinh cũng được mời tham dự các vòng thi đấu bóng bàn, bóng chuyền. Hồi đó, ban ca nhạc với tay đàn Nguyễn Trọng Viện, giọng hát trong veo của Lan Hương, ban kịch với tôi, Nguyễn Trung Phò, Hân.., vào mùa hè năm 1957 được mang chuông đi đấm xứ người ở trại hè Thuận An, Huế, cùng nhiều trường trung học tại các tỉnh miền Trung.

Cuối năm Đệ tứ, học trò Trường Trần Cao Vân Tam Kỳ, “mang lều chõng” vào Trường Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi để thi bằng Trung học Đệ nhất cấp. Kết quả lớp Đệ tứ của tôi đậu kỳ 1 chỉ vỏn vẹn có 7 người, trong đó có bạn Nguyễn Châu - người được xếp hạng Nhất trong lớp - bạn Đỗ Phú Học, Hồ Văn Thông… tôi và một vài bạn nữa mà tôi không còn nhớ rõ. Riêng bạn Phạm Duy Phương - người đứng thứ tư trong bảng xếp hạng trong lớp cuối năm - đậu thi viết kỳ 1 nhưng rớt vấn đáp, phải vất vả thi lại vấn đáp kỳ 2. Sau mùa hè 1957, tôi từ giã Trần Cao Vân, từ giã thị xã Tam Kỳ bé nhỏ của tôi để lên đường ra Huế cùng với bạn Hồ Văn Thông xin thi vào Đệ tam của trường Quốc học. Các bạn khác lưu lạc về phương nào không rõ, tôi chỉ còn gặp bạn Đỗ Phú Học cũng đi Huế thi vào Trường Cán sự Y tế...
Đấy chỉ vài dấu ấn kỷ niệm của một thời học trò dưới mái trường Trần Cao Vân Tam Kỳ khi có dịp nhắc nhớ lòng tôi bỗng thấy rưng rưng.

LÊ TUẤN NGỘ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức thủ khoa đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO