...lủi thủi lên bờ, đã thèm bông lúa chín
Bước vào đời qua tấm lưng trâu...
(Nguyễn Trung Bình)
Năm tôi vừa lên lớp ba thì chị tôi đã thi đỗ vào lớp đệ thất (lớp 6). Cho dù mới tuổi mười ba nhưng thời đó bước chân vào trung học là phải mặc áo dài trắng cùng với đủ loại dây nhợ nón guốc phụ tùng. Chị đã ra dáng thiếu nữ, không còn đi cai, nhảy dây, đánh chắt chuyền với lũ nhóc chúng tôi nữa. Cùng với đó, chị cũng giã từ chiếc bịt (rọ) mõm trâu và cây gộc (roi) tre, vũ khí bất ly thân của đám trẻ mục đồng. Và một chiều, chị tuyên bố với cả nhà rằng từ nay thằng Út Minh sẽ “nối nghiệp” chăn trâu, một “truyền thống” của gia đình vốn được “chuyển giao” lần lượt bắt đầu từ ông anh cả, nay đến tôi là “đời” thứ bảy. Kể từ đó, cái thẹo (1) trâu đã theo tôi suốt 9 năm cho đến khi thi đỗ tú tài I (lớp 11) rồi đi học xa nhà. Mà không riêng gì tôi, ở xứ ta dường như ai có gốc gác con nhà nông đều phải “kinh qua” một thời chăn trâu cắt cỏ, cho dù sau này có học ra tiến sĩ giáo sư.
Ảnh: Phương Thảo |
Ngay “buổi đầu khởi nghiệp”, sau khi trườn lên lưng trâu mấy lần không tới do còn bé quá, tôi dắt trâu ra ao uống nước rồi đứng trên bờ nhảy phoóc lên. Nhưng loay hoay chưa kịp “giữ vững yên cương” tôi đã bị rơi tõm xuống giữa ao do cái nết ưa trầm mình của loài trâu. May mà tôi đã loi ngoi níu được chiếc đuôi trâu không thì hết cơ hội... ngồi gõ những dòng này. Mấy năm sau tôi cũng bị một vố tương tự khi cưỡi trâu sang ngang bàu Xuy, cái bàu làng dài và sâu hoắm. Lần này thì tôi no nước và hiểu được cái trạng thái của một linh hồn sắp chết đuối. Nó hoảng loạn rồi lịm dần như trong cơn ác mộng. Những người tát đìa gần đó đã vớt được tôi. Ngay tối hôm đó cha tôi đã lập hương án cùng xôi vịt cua cá bên bờ bàu, khấn vái cảm tạ Hà Bá đã... nương tay. Còn tôi thì sau đó quyết chí tập bơi và đã trở thành một “con rái cá” trên khắp các hồ ao quanh làng.
“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ! Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao...” (Em bé quê - Phạm Duy). Không rõ nhạc sĩ Phạm Duy thuở nhỏ đã từng chăn trâu chưa, chứ nói thực tình chăn trâu cũng... không sướng lắm đâu. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau hô xung phong theo kiểu đánh trận giả có lẽ chỉ một mình ông Đinh Bộ Lĩnh là đủ gan. Mà chơi kiểu đó trâu đói thóp hông, chiều về chắc là bị mấy lằn roi. Vả lại loài trâu thường có tính bất kham. Con trâu đực cỗ của nhà tôi một ngày kéo bốn sào ruộng, hình như coi cái thằng bé choắt bảy tuổi trên lưng nó chả ra gì. Hễ trời nóng lên là nó lao xuống đầm lầy; thấy đối thủ lạ từ xa nó đã giương sừng lên mà phóng thẳng tới; còn nếu hôm nào trên đồng có một dì trâu cái đang thời kỳ gợi tình thì phải biết! Cả cánh đồng cứ như một trận giặc. Cho nên sau một thời gian thấy tôi chiều nào dắt trâu về cũng khóc tấm tức, bùn đất lấm lem từ chân tới tóc thì cha tôi quyết định bán trâu, nhưng thay vào đó lại mua về... một cặp bò.
So với chăn trâu thì chăn bò vui hơn nhiều. Cưỡi trên lưng trâu đón ăn dọc các bờ kênh mương thường là đơn độc và buồn tẻ. Có lẽ vì thế mà tranh Đông Hồ vẽ chú mục đồng ngồi trên lưng trâu mơ màng thổi sáo hoặc chăm chú đọc sách... thánh hiền đó chăng? Bò thích ăn theo đàn, ít khi choảng nhau và rất chịu khó gặm cỏ cùn trong mùa nắng hạn, nhiều khi đói quá chúng còn xơi cả gốc rạ khô. Nhờ vậy mà đám mục đồng bọn tôi chẳng mấy khi bị ràng buộc vào chuyện chăn dắt. Bò nhởn nhơ phần bò, bọn trẻ chúng tôi tụm năm tụm mười với đủ các trò lêu lổng suốt tháng quanh năm. Mùa nào thức ấy, lúc nào chúng tôi cũng tìm được những gò bãi đủ rộng cho lũ bò và những trò chơi hào hứng nhất. Tháng ba vừa chơi đánh trỗng vừa rập ràng hát đồng dao: Cây má ngoài/ Cây má trong/ Cây sang cổ/ Cây nổ lưng/ Cây sưng nách/ Cây xách háng/ Cây táng ra/ Chặt đầu gà/ Cho chưa?/ Chưa!/ Cho chưa?/Cho! Tháng năm đồng đã xanh mạ non, bò được quy về các gò mả rồi chia phe chơi mèo bắt chuột hoặc chơi trốn kiếm quanh các bụi lùm cùng mả vôi. Lại túm tụm nắm tay vào cây gộc tre mà hát vè: Chặt cây dừa/ Chừa cây mận/ Cây lần cận/ Cây bí đao/ Cây nào cao/ Cây nào thấp/ Cây nào lau/ Cây nào lách/ Rập rành chạy ra tay này/ Xắt củ cải/ Đãi cho nàng/ Chàng phách chàng chê/ Tau với mi thà ma với quỷ hú hồn chạy đi! Chạy thì chạy! Chạy trốn vào trong các bụi bờ thuận tay hái sim hái móc bỏ mồm, mặc cho thằng đi kiếm chạy đôn chạy đáo bở hơi tai. Chơi chán, bọn con trai kéo nhau nhảy xuống bàu bẻ gương sen, lặn vào chươm (chuôm) đìa bắt ốc, đạp sìa. Những thằng lì nhất còn mò vào rìa xóm moi trộm khoai lang, khoai sọ. Trong khi đó, lũ con gái đã lo quơ củi, múc nước, xoi bờ ruộng làm lò bếp. “Soong nồi, chén bát” chúng đã chuẩn bị sẵn từ nhà, đó là mấy chiếc vỏ lon đồ hộp mà thời chiến tranh ở đâu cũng có. Thế là một “bữa tiệc” nóng hổi được bày ra dưới bóng mát hai cây chim chim cổ thụ giữa đồng, cả bọn quây quần bên nhau đứa thổi đứa hút chùn chụt, vừa ăn vừa chọc ghẹo rượt đuổi nhau đủ trò.
Cứ thế, chúng tôi hồn nhiên lớn lên như lũ chim chiền chiện trên đồng. Rồi cũng có những cặp chập chững đến thì, khi chơi trò hùm heo thường tìm cách đứng gần nhau để được nắm tay, lại còn bày đặt viết thư giúi vào túi áo. Lâu lâu lại có một “đàn anh, đàn chị” từ giã đời mục đồng, hoặc con gái lấy chồng, hoặc con trai vô Nam trốn lính. Thay vào đó sẽ là một vài thằng Cu, con Tí cầm roi chạy lon ton theo mấy chú bê non. Mấy nhóc “mới vào nghề” này thường là nạn nhân của những “hung thần” đồng ruộng. “Hung thần” không ai khác, chính là những chú bác, họ hàng trong làng nhưng tính tình rất “cộc”(2). Cũng bởi bọn tôi ham chơi nên trong mỗi buổi thế nào cũng có ít nhất một vài chú bò mon men đi tìm vạt lúa, rò (giồng) khoai nhằm... đổi món. Thế là khi thoáng thấy bóng “hung thần” xuất hiện, những đứa lớn nhanh chân băng đồng chạy trốn, chỉ có mấy nhóc là bị tóm. Một cuộc “tra khảo” sẽ bắt đầu. Bọn nhóc non gan, chưa bị roi nào đã khóc ré lên rồi khai ra tất tần tật. Các “thủ phạm” dù có bỏ chạy nhưng đã bị ghi vào “sổ đen” thì thế nào cũng có ngày bị chộp. Các “hung thần” thường có những ngón đòn khá ác, nhẹ thì bắt tuột quần đét đít vài roi, nặng thì đem bỏ tổ kiến lửa. Có đứa thường xuyên bị đòn đâm ra... mê tín, về nhà bù lu bù loa bắt mẹ phải mua bánh trái đem ra cúng “ông đồng”.
Đòn thì đòn, đã theo “nghiệp” chăn bò thì sớm muộn gì bọn tôi cũng lì như... bò. Trò ưa thích nhất của lũ con trai vẫn là xóm trên xóm dưới thách nhau chơi đánh trận giả. Tháng Tám sau cơn mưa đầu mùa, đất ruộng cày bệ xong được bỏ phơi khô trắng đồng. Hai phe dàn ngang, mỗi đứa xách một bịt đầy đất cục, vừa reo hò vừa ném nhau túi bụi. Những đứa lớn thì lùi lại phía sau phụ trách... “pháo binh”, ném những cục đất bự hơn lên cao tít. Đất rơi xuống đất phụt lên từng đám bụi trông như đạn pháo thật. Cũng có tấn công, rút lui “chiến thuật” hoặc co về phòng thủ trên gò mả vôi. Cũng có thằng làm cảm tử quân xông thẳng vào “đất địch”, hứng liền mấy phát đạn... bốc khói trên trán. Không có “thương vong” những cũng có “thương binh”. Đó là những cu cậu né đạn kém lại không giỏi chịu đau. Cũng có khi bắt được “tù binh” đưa về “tuyến sau”, cột vào gốc chim chim rồi giao cho bọn con gái xử. Nhưng “tù binh” cứ cười hì hì đòi... đi tiểu nên bọn con gái mắc cỡ đỏ mặt đành phải phóng thích, chỉ tịch thu cái bịt bò làm “chiến lợi phẩm”.
Đi chăn bò vui thú và tự do như thế nên những đứa “học không ra chữ” thường sớm bỏ trường về làm... mục đồng “chuyên nghiệp”. Số còn lại được cha mẹ chọn cho phương thức “bán chuyên”, nghĩa là một buổi đi học một buổi giữ bò. Đứa học buổi sáng ngồi trong lớp nhớ cánh đồng chiều. Đứa học buổi chiều còn thèm nồi khoai sọ khi sáng. Vậy mà sau này có nhiều đứa nên danh nên phận, khi gặp lại nhau lại nhắc chuyện xưa tỏ tường mồn một. Có lẽ những mảnh ghép rời từ thuở mục đồng đã kết thành chiếc tổ ăn sâu trong miền ký ức bọn tôi, những kẻ vốn “sinh ra từ gốc rạ” .
PHAN VĂN MINH
________
(1) Thẹo: Dây thừng dài buộc vào mũi trâu để dắt đi.
(2) Cộc: Chỉ tính khí cộc cằn, hung bạo.