Thời gian trôi đi, mọi thứ đổi thay, nhưng những ký ức về trường cũ, nghĩa xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí hơn 20 cựu giáo viên, học sinh trường Cấp 3 Khu Trung Trung Bộ trong chuyến về thăm, tại khu căn cứ Phước Trà, thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức.
Tầm nhìn chiến lược
Sau khi Hiệp định Paris (1973) được ký kết, một tầm nhìn chiến lược về nhu cầu cán bộ cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước sau giải phóng đã được các đồng chí lãnh đạo Khu ủy 5 đặt ra. Tại cuộc họp khu ủy ở căn cứ Trà My, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 cùng các đồng chí lãnh đạo khu ủy đã thống nhất chủ trương thành lập trường đại học trong vùng giải phóng. Sau khi Khu ủy 5 chuyển xuống đóng tại Phước Trà (nay thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) để chỉ đạo phong trào cách mạng, ý định này tiếp tục được triển khai. Để tiến đến thành lập trường đại học, ngoài việc giáo viên được sự chi viện từ miền Bắc vào và từ trường Sư phạm khu 5, điều cơ bản trước hết là phải có sinh viên. Nhưng lúc đó, có được sinh viên đi học là rất khó. Để giải quyết vấn đề này, khu ủy chủ trương vận động con em cán bộ, gia đình cách mạng đang học tập tại các vùng địch lên và các cán bộ trẻ của các tỉnh có trình độ học vấn cấp 3 để đào tạo. Sau một thời gian vận động, nhà trường tập hợp được 30 học sinh từ các tỉnh Trung Trung Bộ. Trong đó, Quảng Nam và Quảng Đà có 7 người, Quảng Ngãi 11 người, Bình Định 7 người, Phú Yên 5 người. Tuy nhiên, do trình độ của học sinh được triệu tập không đồng đều, nhiều người mới học hết lớp 10, 11 số ít lớp 12, nên khu ủy quyết định thành lập trường Cấp 3 Khu Trung Trung Bộ nhằm tiếp tục đào tạo số học sinh triệu tập đủ điều kiện học lên cao khi khu ủy thành lập trường đại học. Vậy là từ đầu năm 1974, tại Phước Trà, một ngôi trường cách mạng ra đời với tên gọi trường Cấp 3 Khu Trung Trung Bộ.
Cựu giáo viên, học sinh trường Cấp 3 Khu Trung Trung Bộ gặp mặt sau 38 năm.Ảnh: NĂNG ĐÔNG |
Công việc chuẩn bị thành lập một trường đại học trong vùng giải phóng đang được xúc tiến, thì mùa xuân năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng. Trước đó, tất cả học sinh của trường đã được phiên chế qua Ban Tuyên huấn khu 5, sau đó tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Trong những ngày cuối tháng 3.1975 lịch sử ấy, 30 học sinh và thầy, cô giáo phấn khởi, hăng hái cùng Ban Tuyên huấn khu 5 tham gia tiếp quản bộ máy chính quyền các quận I, II và III của TP.Đà Nẵng. Thầy và trò nhà trường làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Khu Trung Trung Bộ đối với vùng giải phóng. Bên cạnh đó, vận động ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, giao nộp vũ khí,… góp phần ổn định tình hình của TP.Đà Nẵng trong những ngày đầu sau giải phóng (29.3.1975).
Ký ức trường xưa
Trong buổi giao lưu với cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, những kỷ niệm, những câu chuyện của một thời như còn vẹn nguyên ký ức của những cựu giáo viên, học sinh trường Cấp 3 Khu Trung Trung Bộ. Những giai điệu của bài hát “Bụi phấn”, “Trường cũ tình xưa”… đã ngân lên làm cho buổi giao lưu thêm ấm áp. Trong đêm giao lưu văn nghệ đầy ý nghĩa đó, thầy Trần Văn Anh (80 tuổi, hiện sống tại TP.Quảng Ngãi) xúc động nói: “Hôm nay tôi rất bất ngờ; các anh, các chị tuy tóc đã điểm bạc, nhưng những câu hát, vần thơ vẫn còn trong trẻo như thuở nào. Nay chúng ta đã già, ngày mai biết ai còn ai mất, vì vậy chúng ta cố gắng duy trì gặp mặt hằng năm trên chính trên mảnh đất Quảng Nam này”.
“Ngôi trường ngày xưa chỉ là những mái nhà bằng tranh tre nứa lá. Tuy nhiên trường vẫn có đủ phòng học, hội trường, nhà ở của thầy, cô giáo, cán bộ và học sinh, nhà ăn, nhà kho, hầm trú ẩn… Tôi còn nhớ ngày ấy trường do thầy Trần Phổ Thi, quê Quảng Ngãi, làm hiệu trưởng cùng 6 thầy, cô giáo dạy các môn văn, toán, lý, hóa, sử, địa. Những tháng ngày đó, thầy và trò đã cùng nhau lao động sản xuất tự túc lương thực và xây dựng nhà trường” - đồng chí Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, cựu học sinh của trường nhắc chuyện xưa với thầy cô, bạn học cũ. Cô Nguyễn Thị Minh Chính (quê Quảng Ngãi, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh) xúc động nói: “Hôm nay là lần đầu tiên sau 38 năm tôi mới được trở về thăm mảnh đất Quảng Nam, thăm lại trường xưa. Những dấu vết của ngôi trường nay không còn nữa, bạn học cũng đã mỗi người một nơi, người còn, người mất. Hôm nay, được gặp lại thầy cô và bạn bè tuy không đông đủ, nhưng trong tôi vẫn có cảm giác đặc biệt. Tôi vô cùng xúc động, có lẽ đây là niềm hạnh phúc nhất trong đời tôi”.
Tạm biệt căn cứ Phước Trà, tạm biệt mảnh đất thân yêu Quảng Nam, mỗi người lại phải tạm chia tay nhau trở về với cuộc sống đời thường, nhưng cũng không quên dặn dò nhau “cố gắng giữ gìn sức khỏe, hẹn gặp lại vào năm sau”.
LÊ NĂNG ĐÔNG