Cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tá Đinh Ngọc Cân gắn liền với lịch sử hình thành, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Trinh sát An ninh vũ trang Quảng Nam (nay là Bộ đội biên phòng Quảng Nam).
Đinh Ngọc Cân sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo xã Tam Đàn (Phú Ninh). Hàng ngày nhìn thấy cảnh bọn thực dân, đế quốc tàn sát dân lành nên chàng thanh niên Đinh Ngọc Cân đã nung nấu quyết tâm “trả nợ nước, báo thù nhà”.
Năm 1949 khi vừa mới tròn 20 tuổi, chàng trai Đinh Ngọc Cân thoát ly đi bộ đội tại Trung đoàn 108. Ngay từ đầu nhập ngũ ông đã thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ, trở thành thanh niên ưu tú và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ sau 4 tháng quân ngũ.
Từ năm 1953, Đinh Ngọc Cân được chuyển sang công tác tại lực lượng Cảnh vệ thuộc Ty Công an Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau 2 năm công tác, ông được cấp trên cử ra Hà Nội học tập, bồi dưỡng tại trường An ninh Vũ trang thuộc Bộ Công an, làm hạt giống cho cách mạng sau này.
Đầu năm 1959, ngay sau khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng) được thành lập, ông được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ vào miền Nam công tác và chiến đấu ngay tại chính mảnh đất Quảng Nam quê nhà. Sau hơn 3 tháng ròng rã vượt núi trèo đèo dọc dãy Trường Sơn tổ công tác mới về đến mảnh đất quê hương.
Ghi nhận những thành tích của đồng chí Đinh Ngọc Cân, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 23/2/2010, Trung tá Đinh Ngọc Cân đã vinh dự được Đảng và Nhà Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ.
Đến ngày 19/5/1961, Tổ cảnh vệ - đơn vị tiền thân của An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng ra mắt tại xã Blô Hiền, huyện Hiên (nay là Đông Giang), quân số 7 đồng chí, trong đó Đinh Ngọc Cân được giao làm Tổ trưởng.
Mới thành lập vừa tròn nửa năm, vào đầu tháng 11/1961, Đinh Ngọc Cân đã chỉ huy 2 tổ An ninh vũ trang của 2 huyện Tiên Phước và Nam Tam Kỳ cùng bộ đội chủ lực và địa phương đánh vào quận lỵ Trà My, giải phóng hai xã Phương Đông và Dương Yên. Riêng lực lượng An ninh vũ trang đã diệt 13 tên tề ngụy và bắt sống 7 tên.
Trong đó, Đinh Ngọc Cân trực tiếp bắt sống tên Nguyễn Phô - đại diện xã Phương Đông, Bí thư đảng Cần lao nhân vị xã và tên Đỗ Kim Quang - tình báo viên do bọn cảnh sát ngụy cài cắm ở cơ sở.
Tháng 5/1965, với chủ trương củng cố tổ chức, phát triển lực lượng an ninh đáp ứng yêu cầu mở rộng địa bàn làm chủ, giành dân, quản lý các vùng mới mở thêm, Tỉnh ủy Quảng Nam cho thành lập thêm Đại đội An ninh vũ trang Quảng Nam (mang phiên hiệu K57) và Đinh Ngọc Cân được cấp trên chỉ định làm chính trị viên.
Đêm ngày 2/10/1965, Đinh Ngọc Cân cùng Đội trinh sát vũ trang được giao nhiệm vụ luồn sâu vào vùng địch kiểm soát ở thị xã Tam Kỳ bắt sống 2 đối tượng nguy hiểm làm tình báo và cảnh sát cho địch. Sau khi nắm tình hình địa bàn và quy luật hoạt động của các đối tượng trên, ông và đồng đội chia làm hai tổ.
Tổ thứ nhất nhằm vào đối tượng Nguyễn Thứ là nhân viên tình báo thuộc “Biệt đội sưu tầm” của địch. Thứ được ngụy trang dưới vỏ bọc là người bán thuốc bắc để che mắt quần chúng, dò la, thu thập tin tức của cách mạng và cấp phát lương tiền cho các cơ sở, nhân viên tình báo của địch.
Ba đồng chí trong tổ đã cải trang thành những quân cảnh ngụy, nhẹ nhàng lọt vào nhà riêng bắt gọn Thứ và thu giữ nhiều tài liệu, danh sách phát lương của địch cho đồng bọn ở vùng tạm chiếm và vùng giải phóng, sau đó mạng lưới cơ sở tình báo “Biệt đội sưu tầm” này đã bị bóc gỡ.
Cùng lúc tổ thứ 2 lợi dụng đêm tối luồn qua các ngả đường bị địch canh gác nghiêm ngặt áp sát nhà riêng thực hiện kế hoạch bắt sống Nguyễn Bắt - Cảnh sát trưởng xã Kỳ Mỹ tại trung tâm thị xã Tam Kỳ. Đánh hơi thấy sự chẳng lành tên này đã tìm cách lẩn trốn, các chiến sĩ buộc phải nổ súng tiêu diệt tại chỗ, đặt bản án cách mạng lên xác tên ác ôn rồi rút lui êm thấm.
Từ mùa thu năm 1967, theo chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy V, lực lượng An ninh vũ trang hiệp đồng chặt chẽ hơn với các lực lượng chuẩn bị cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Đồng chí Đinh Ngọc Cân chỉ huy đơn vị phối hợp với các lực lượng khác tiến đánh địch trên nhiều mặt trận, góp phần lớn làm suy yếu sinh lực địch. Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, Ban an ninh đặc khu Quảng Đà và Ban an ninh tỉnh Quảng Nam được kiện toàn lại thành Ban an ninh vũ trang - phiên hiệu là Ban 8.
Ở Quảng Nam, Ban 8 do Đinh Ngọc Cân phụ trách. Ngay cả trong những thời điểm giao tranh ác liệt nhất, lực lượng An ninh vũ trang do Đinh Ngọc Cân chỉ huy vẫn kiên trì bám nắm địa bàn đánh địch và dũng cảm chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng.
Cũng chính trong thời điểm cả chiến trường miền Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất, cấp trên đã quan tâm tạo điều kiện để đồng chí Đinh Ngọc Cân được ra Bắc dưỡng thương và học tập, nhưng ông đã xin ở lại miền Nam cùng đồng đội đánh Mỹ. Và ông đã chiến đấu hết mình vì quê hương thân yêu.
Trong những câu chuyện kể về truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ của lực lượng bộ đội biên phòng, Anh hùng Đinh Ngọc Cân thường nhắc đến các trận đánh chiến thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”.
Đó là vào đêm ngày 24/5/1969, Đội trinh sát vũ trang Quảng Nam do ông chỉ huy bất ngờ thọc sâu đánh phá quyết liệt vào khu Tứ Hiệp, thị xã Tam Kỳ. Bọn địch không kịp trở tay nên bị tiêu diệt 20 tên và 9 tên bị thương.
Chưa kịp hoàn hồn thì đêm ngày 26/5/1969, đội lại tấn công tiếp vào trụ sở của cảnh sát ngụy ở phía nam thị xã, diệt gọn một trung đội cảnh sát gồm 22 tên, làm bị thương 6 tên. Sau đó đội tổ chức dàn trận đón lõng, đánh tan 2 trung đội cảnh sát dã chiến,1 đại đội bảo an và 3 trung đội dân vệ quân địch đến chi viện. Trận này Đội trinh sát vũ trang giết 32 tên và làm bị thương 16 tên, thu 19 khẩu súng các loại, một máy thông tin…
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh Ngọc Cân, lực lượng an ninh, trinh sát vũ trang Quảng Nam đã dũng cảm tiến công địch và ghi nhiều chiến công oanh liệt, là lực lượng chính tham gia giải phóng thành công thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/3/1975.