Ký ức về võ thuật Hội An

PHẠM PHƯỚC TỊNH 28/10/2017 06:51

Nguồn tư liệu ký ức dân gian ở Hội An giữ vai trò hết sức quan trọng để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của địa phương, của cộng đồng.

Hội An xưa qua ảnh của Vĩnh Tân. Nguồn: Internet
Hội An xưa qua ảnh của Vĩnh Tân. Nguồn: Internet

Qua tư liệu ký ức sưu tầm được về hoạt động thể dục thể thao tiêu biểu của Hội An trước năm 1975, bài viết này xin giới thiệu về sinh hoạt võ thuật vốn rất sôi nổi một thời. 

Lần theo ký ức

Theo các bậc cao niên, võ thuật Hội An có sự giao lưu, tiếp biến của các dòng võ thuật trong và ngoài nước. Trước hết, võ thuật Hội An chịu ảnh hưởng của võ truyền thống vùng đất Thanh - Nghệ, vốn lưu truyền theo chúa Nguyễn vào Đàng Trong; ảnh hưởng võ cổ truyền Trung Quốc và võ thuật của các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc… theo chân các binh sĩ và thương nhân đến Hội An buôn bán. Võ thuật của người nước ngoài có mặt tại Hội An phải kể đến là môn võ quyền anh của người Pháp. Một số người chơi quyền anh khá nổi tiếng như ông Năm Sửu, ông Trần Thế Đường, ông Bảy, ông Bùi Danh... Hay môn võ Taekwondo của người Hàn do một võ sư người Hàn mở tại sân vận động Hội An với tên gọi võ đường Thanh Long, người dân địa phương thường gọi là võ Đại Hàn. Tuy nhiên, giai đoạn này ảnh hưởng và phát triển nhất tại Hội An là võ thuật Tây Sơn của người Việt. Thông qua một số tư liệu, dấu tích hiện còn lưu giữ tại Hội An như gia phả tộc Trần ở Cẩm Thanh, tộc Nguyễn Đức ở Thanh Hà, mộ thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn... đã cho thấy sự hiện diện của đội quân Tây Sơn ở Hội An. Võ Tây Sơn ở Hội An chịu ảnh hưởng võ thuật Trung Hoa nhưng được các võ sư Việt hóa phù hợp với người bản địa, nổi tiếng ở Hội An có bài Ngọc Trản quyền và bài Lão Mai quyền. Bài Ngọc Trản quyền ở Hội An so với các địa phương khác như Bình Định, Sài Gòn... được xem là dài nhất và vẫn giữ được nguyên bản với 27 câu thiệu, 139 câu từ, 200 động tác. 

Ở Hội An xuất hiện nhiều thầy dạy võ nổi tiếng, trước hết phải kể đến thầy Xú, tên thật là Trịnh Tống Quân, thuộc môn phái Thiếu Lâm, người bang Phúc Kiến, Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam lánh nạn, làm thầy thuốc bắc và dạy võ thuật. Thầy Xú rất thích đánh trống chầu, là người sáng lập đội Thiên cẩu Hội An có tên gọi là Đại Hòa Lạc. Đội thường biểu diễn vào dịp lễ tết, trung thu, khánh thành, khai trương cửa hiệu. Kế tiếp sau thầy Xú, ở Hội An xuất hiện nhiều võ sư nổi tiếng như võ sư Năm Sửu tên thật là Hà Sửu với công phu Thạch đầu công (đầu đập vỡ gạch), võ sư Năm Khê tên thật là Nguyễn Khuê với công phu Thiết trảo công (gõ đầu khớp tay làm vỡ quả dừa khô), võ sư Đội Chưởng tên thật là Trương Chưởng với công phu Bổng đả ba đào (đá lượn chính xác trăm phát như một), võ sư Trần A Hòa với công phu khóa roi, võ sư Nguyễn Thời với công phu đòn cước.

Những võ đường xưa

Để có cơ sở hoạt động, các võ sư thành lập võ đường để giảng dạy võ thuật. Thời gian đầu các võ đường không có bảng hiệu, thường lấy theo tên thầy dạy. Thầy dạy không mang đai đẳng, không có quy định về võ phục và sân tập ở nhà thầy. Đến năm 1973, ở Hội An mới có một số võ đường được thành lập và có bảng hiệu riêng.

Võ đường Kỳ Sơn do võ sư Trương Chưởng thành lập tại nhà số 67/10, nay là nhà số 51/2 Phan Châu Trinh. Võ sư Trương Chưởng (1899 - 1988) quê ở làng An Cựu (Duy An), huyện Duy Xuyên. Ông xuống Hội An từ trước năm 1920, đến năm 1925 cưới vợ và ở tại ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ bên rạp chiếu bóng Phi Anh. Ông là một võ sư nổi tiếng với đòn đá “Bổng đả ba đào” và là người lưu giữ bài nhu quyền “Mai Hoa Ngũ Lộ” rất hữu dụng trong việc rèn luyện tâm - khí pháp dưỡng sinh. Võ đường do võ sư Trương Chưởng làm trưởng môn, huấn luyện viên võ đường là Võ Viết Hồng, Trần Xuân Mẫn. Võ đường Ngũ Phụng Sơn do võ sư Nguyễn Khuê thành lập tại xóm hạ Sơn Phong, nay là nhà số 32/5 Nguyễn Duy Hiệu.

Võ sư Nguyễn Khê (1903 - 1998) là một võ sư được người dân Hội An kính trọng. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là người dạy võ cho dân quân và là người lưu giữ bài “Mai Hoa kiếm”. Võ đường do võ sư Nguyễn Khê làm trưởng môn, huấn luyện viên võ đường là Huỳnh Tiến Lập, Võ Văn Lai, Lê Phi. Võ đường Trường An do võ sư Nguyễn Thời thành lập tại nhà số 71/1 Huỳnh Thúc Kháng, nay là nhà số 73/2 đường Hùng Vương. Võ đường do võ sư Nguyễn Thời làm trưởng môn, huấn luyện viên là Nguyễn Kỳ Tâm. Võ sư Nguyễn Thời (1902 - 1983), quê ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, năm 1968 ông đến Hội An sinh sống và thành lập võ đường vào giữa năm 1973. Ông là một võ sư nổi tiếng giỏi về roi và là người lưu truyền bài roi “Ngũ Môn Phá Trận” tại Hội An. Trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1975 và từ 1977 đến 1980 võ sinh theo học rất đông nhưng sau khi con trai của võ sư Nguyễn Thời là võ sư Nguyễn Kỳ Tâm (1929 - 2003) qua đời, ngôi nhà chỉ dùng để ở, không còn sinh hoạt võ cổ truyền nữa.

Thời kỳ này, các võ đường hoạt động dưới sự quản lý của Tổng cục Quyền thuật Việt Nam. Riêng, thầy Trần A Hòa với sự giúp đỡ của thầy giáo Trần Do đã mở lớp dạy võ thuật Thiếu Lâm tự tại trường Trần Quý Cáp nhưng chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Lúc này, dụng cụ tập luyện rất đơn giản, học trò thường dùng bao cát, dây thừng, cột tre, cây chuối… để luyện võ. Người đến học võ thường là con trai. Học trò khi đến học chỉ lo lễ vật mùng 5 và lễ tết. Ngày xưa ở Hội An còn có thông lệ xem tướng khi thu nhận học trò. Hầu như vị thầy nào cũng nhắm tướng mạo của học trò để quyết định có nên nhận hay không. Có những học trò học võ 3 - 4 năm nhưng không có thành tựu nổi bật, nhưng cũng có những học trò chỉ học võ khoảng 3 - 4 tháng thì được thầy truyền dạy những tuyệt kỹ, kỹ thuật phức tạp, hay là những bí quyết của thầy. Về nội dung học, thời kỳ này học ít bài, chủ yếu là một số bài võ như Võ dưỡng sinh Thiết tuyến, Dịch cân kinh, Thiết sa chưởng, Thiết tý quyền, Thạch đầu đà, Hà Ma công...

PHẠM PHƯỚC TỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức về võ thuật Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO