Tôi vẫn giữ thói quen mỗi chiều về hay lang thang qua mấy con đường nhỏ của thị trấn Tân An; có khi đứng trầm ngâm bên cầu Tân An, có khi trèo lên 143 bậc của đền liệt sĩ mà nhìn ngắm những sắc màu đổi thay của thị trấn phô phang.
Một góc thị trấn Tân An. |
1. Sau 30.4, như bao miền quê khác của xứ đất này, hậu quả chiến tranh để lại cho thôn 7 (bây giờ là thị trấn Tân An) lắm nặng nề. Suốt đoạn đường từ cầu Khe Cú đến bến đò Tân An rải rác đôi mái nhà tranh trên những triền đồi chênh vênh trồi sụt, nằm ẩn mình trong những khu vườn tạp. Đường đất sỏi đá. Mùa nắng thì bụi tung mù mịt, mùa mưa thì lầy lội. Hai bên đường lau lách mọc um tùm che chắn. Thi thoảng vài tiếng xe chở gỗ - gọi là xe bò vàng - ngang qua nghe lao xao chút đỉnh. Còn lại là im lìm hoang vu trong tiếng chim bắt cô trói cột gọi buồn. Trường học thì tạm bợ tranh tre nứa lá cho học sinh cấp I tại Đồi Chùa học 2 hay 3 ca. Bệnh viện trạm xá thì không có. Bà con đau ốm lúc bấy giờ phải đi cắt thuốc nam từ các ông Tư Đăng, ông Năm Tùng, ông Sen, ông Bốn Ngãi… Đau quá thì khiêng xuống bệnh viện Quế Sơn (thời đó thôn 7 thuộc xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn). Nhiều trường hợp chỉ khiêng được đến nửa đường thì đem về lo hậu sự.
Là mảnh đất hợp lưu giữa 3 con sông: sông Tranh, sông Trầu và sông Tiên nên địa hình thôn 7 bị chia cắt. Để đến được với thôn 7 ngày xưa bà con các xã vùng ven phải qua các bến sông mà chỉ cần đọc tên lên cứ nghe mênh mang buồn trong cảnh đợi đò. Bến Bà Chầu, bến Ba Lúc, bến Tân An, bến Khe Gai, bến Dốc Đình. Cứ nhắm mắt là tôi hình dung cảnh các mẹ các chị gánh mít, gánh bòng từ những buổi sớm mai qua biết bao nhiêu đồi, bao suối lại còn chực chờ đò giang, mình mướt mồ hôi mà thu nhập chỉ bằng hoặc hơn một lon mắm cái.
Mùa hè đã đành còn mùa đông thì hai phần ba thôn gần như nội bất xuất ngoại bất nhập. Nước lũ từ các sông chảy về ngập tràn cả ruộng đồng bờ bãi cắt đứt và cô lập toàn bộ những chòm xóm riêng biệt trong thôn. Bởi vậy, cứ đến độ tháng 10 âm lịch người ta thường chuẩn bị củi mắm để đề phòng lụt lội. Những mắm thơm, mắm cà được gọi tên trong những bữa ăn lúc bấy giờ và những tiếng mõ tre phòng khi bất trắc.
Điểm… sáng nhất lúc bấy giờ là một góc bán mua rất nhỏ, đông vắng theo mùa với tên gọi chợ Hiệp Đức gồm vài lều quán chênh chao trong một vuông sân nhỏ - nơi bây giờ là quán cà phê Huy ở phố An Bắc. Đó là tiệm chụp ảnh ông Trương Phùng, tiệm may ông Trương Vệ, tiệm hớt tóc ông Toán ở bên ngoài. Còn vào bên trong có mỳ quảng ông Nhung, mỳ quảng bà Lầu, tiệm tạp hóa bà hai Đông, bà Mạch, bà Xếch, bà Tham. Ngoài ra còn có lò mổ heo ông Thám. Chợ thường họp rất trễ bởi phải trông vào chuyến xe đò ì ạch chạy từ Hà Lam lên và bà con ghe đò chờ đợi. Hàng hóa lúc bấy giờ chủ yếu là trao đổi giữa các vùng miền. Người vùng xuôi theo xe mang theo cá ướp mặn, mắm muối, đường bát và dầu lửa để đổi lấy lúa gạo, khoai sắn mang về.
2. Qua giấc ngủ triền miên đầy đau thương của cuộc chiến tranh, như bao người con dân Việt những người dân thôn 7 lúc bấy giờ đã đứng lên làm lại cuộc đời. Nhiều lúc tôi tự hỏi làm sao chỉ một thôn nhỏ như thôn 7 mà lại có hai đội văn nghệ, một đội bóng chuyền mỗi năm vài lần biểu diễn và thi đấu cho bà con trong thôn và các xã bạn cùng xem. Có khi được rước đi biểu diễn cho các xã Bình Sơn, Thăng Phước nữa chứ. Đó là đoàn cải lương với những vở diễn “Huyền Trân công chúa”, “Lửa phi trường”, “Tìm lại cuộc đời”, “Mâm lá lễ tơ hồng” và vở tuồng “Hồ Mạnh Quế ly thê”... làm say đắm bà con đến ngất ngây trong những ngày đói cơm thiếu muối. Đội ngũ diễn viên của thôn lúc bấy giờ là những người đam mê văn nghệ đến cháy bỏng, được hát ca phục vụ bà con là thỏa nguyện lòng mình. Đó là những người ban ngày đi cày, đi làm thợ tối rủ nhau đốt đuốc tập tuồng như ông Dũng Giàu, ông Đỗ A, chị Thúy Hà, ông Huỳnh Đợi, ông Quý, ông Trọng, chị Thùy Vân, ông bảy Đông, ông tám Lắm… Phải công nhận đây là đội ngũ diễn viên nghiệp dư cự phách mà tôi được biết bởi lòng đam mê, nét tài hoa và chịu thương chịu khó. Không thù lao, không cát-sê. Lòng tri ân của bà con là bữa khuya tập tuồng với sắn khoai, hay tô cháo ấm lòng cho những vua quan, công chúa… mà rưng rưng chan chứa nghĩa tình.
Còn nhớ lúc trước mỗi khi sửa nhà - chủ yếu là nhà lợp tranh - chủ nhà chỉ cần gỡ tấm tranh thép bui đầu tiên đập vài cái là bà con trong làng bận cách chi cũng đến giúp. Mỗi người một tay, kẻ bện tranh người chẻ lạt, dỡ phên. Còn phụ nữ thì ngâm gạo xay bột tráng mì, xắt rau hay đúc bánh xèo… Cứ thế mà làm. Rồi ăn nửa buổi, rồi ăn trưa, rồi nửa chiều, ăn tối. Ngày này chưa xong thì ngày mai làm tiếp cho xong.
Ngày giỗ chạp, hiếu hỉ khi xưa cho chúng ta cảm nhận đầy đủ tính cộng đồng thời bấy giờ. Cứ nhà nào làm đám cưới là y như rằng cả làng vào hội. Trai tráng trong làng đốn tre, chặt dừa làm rạp và mổ heo, làm chả, phụ nữ thì gói bánh, đồ xôi gấc, xôi đường, bánh in đủ cả. Những người khéo tay và giỏi giang trong làng được cậy nhờ vào những việc tham mưu trang trí, người dẫn chương trình đám cưới tùy theo khả năng của mình. Trẻ con thì ngoan hiền hò reo và chờ đợi. Một không khí đầm ấm, yên bình tràn ngập thôn xóm.
3. Đã 30 năm từ khi thôn 7 chính thức mang tên mới là thị trấn Tân An với đầy đủ những cung bậc vui buồn thời đổi mới. Dù vẫn còn đâu đó mối lo cho sự hoàn thiện đạt chuẩn của một thị trấn non trẻ bước vào tuổi ba mươi. Đã xuất hiện những chênh chao, khập khiễng trước những đổi thay và những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Dù thế nào, ai ngược ai xuôi đều nhìn thấy sự phát triển theo hướng tích cực diện mạo đời sống của thôn 7 khi xưa hay thị trấn Tân An hôm nay. Nhà cao tầng rạng rỡ trên những con đường bàn cờ bê tông phẳng phiu đến từng ngõ ngách. Bộ mặt phố thị đã dần khép lại những hoang vu cũ, thu hút cư dân xa xôi và những đứa con xa quê trở về. Ơi thị trấn Tân An!
THÁI BẢO – DƯƠNG ĐỲNH