Trong chiếc thùng đạn của Mỹ được người cha cất giấu dưới hệ thống địa đạo Kỳ Anh, ngoài các vật dụng cá nhân thường nhật còn có tờ báo cách mạng được cất giữ cẩn thận...
Ông Huỳnh Kim Phiến nói về các kỷ vật của cha cất giấu trong thùng đạn chôn dưới địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: HÀN GIANG |
Đã hơn 25 năm qua, gia đình ông Huỳnh Kim Phiến (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) luôn cất giữ cẩn thận chiếc thùng đạn cùng những kỷ vật mà người cha để lại. Gia đình ông xem việc giữ gìn các kỷ vật là cách để tưởng nhớ đến người cha đã hy sinh đến nay vẫn chưa xác định được mộ phần trong số mộ vô danh ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Việc phát hiện những kỷ vật mà cha ông Phiến - Huỳnh Đàn (còn gọi là Huỳnh Nhung, SN1926) cũng hết sức tình cờ. Ông Phiến kể: Vào khoảng năm 1987, gia đình ông tham gia cùng chính quyền địa phương và cán bộ ngành văn hóa tỉnh tổ chức khai quật tại khu vực nền nhà cũ của gia đình để định hình đầy đủ về hệ thống địa đạo Kỳ Anh. Quá trình khai quật, tại vị trí cách hàng tre bao quanh nhà không xa, gia đình ông phát hiện chiếc thùng đạn của Mỹ còn nguyên vẹn được cất giấu cẩn thận dưới một ngách hầm của địa đạo. Khi mở ra, bên trong có ghi tên cha ông cùng một bản danh sách những người tham gia trong Ban kinh tế của chính quyền xã khi đó. Ngoài ra, trong thùng đạn còn có hai bộ đồ dân sự mới, một cây bút, một đôi kính. Nhưng điều thu hút ông Phiến chính là cuốn sổ tài liệu học tập kích thước khoảng bằng bàn tay có tiêu đề “Chính sách tạm thời về Đảm phụ quỹ giải phóng” và tờ báo “Giải phóng” - cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Quảng Nam số ra đặc biệt ngày 20.12.1967, nhân kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. “Cha tôi làm Ban kinh tế xã nên gánh vác trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, giải thích cho nhân dân thuộc vùng giải phóng hiểu về chính sách đảm phụ quỹ giải phóng. Có thể hiểu chính sách này là kêu gọi, huy động toàn dân của địa phương tham gia đóng góp tài lực, vật lực nhằm đảm bảo cho nhu cầu cách mạng để đánh thắng giặc Mỹ và tay sai. Việc huy động đóng góp tùy vào khả năng của mỗi tầng lớp nhân dân trên cơ sở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và bảo vệ sản xuất, đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, tăng cường đoàn kết nhân dân, thực hiện tốt chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng lúc bấy giờ” - ông Phiến “thuyết minh” về cuốn sổ tài liệu “Đảm phụ quỹ giải phóng” cha ông để lại.
Do sơ suất nên tờ báo “kỷ vật” đã bị cơn lụt lịch sử năm 1999 đã làm ướt, ố vàng, không còn nguyên vẹn. Tờ báo có khổ A4 gồm 8 trang với nhiều nội dung về những thành tích kháng chiến chống Mỹ - ngụy của quân dân Quảng Nam trong suốt giai đoạn 1960 - 1967. Đáng chú ý, ở trang 2 của tờ báo có đăng bài viết thể hiện tinh thần của quân dân Quảng Nam trong “Học tập tấm gương đạo đức vì dân của Hồ Chí Minh”, nêu cao quyết tâm giành các thắng lợi to lớn ở chặng đường cách mạng sắp tới. Bài viết có đoạn: “Phần thưởng cao quý mà Xô Viết tối cao Liên Xô tặng Hồ Chủ tịch (Huân chương Lê Nin) là vinh dự lớn với cả dân tộc, là nguồn cổ vũ lớn đối với nhân dân miền Nam, trong đó có nhân dân Quảng Nam. Nhân dân Quảng Nam lại càng hết sức xúc động trước những lời chân thành của Hồ Chủ tịch đề nghị tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng quý báu này đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Hồ Chủ tịch viết trong điện của Người gửi Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào chúng tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn là được nhận Huân chương Lê Nin thì lòng tôi không yên tí nào”... Những đề nghị trên đây không những tỏ rõ đạo đức cách mạng sáng chói của Hồ Chủ tịch luôn nêu gương khiêm tốn cho cán bộ và nhân dân ta noi theo, mà còn nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Hồ Chủ tịch với nhân dân ta, cùng đồng bào cả nước gian khổ, hy sinh suốt đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân... Nhân dân Quảng Nam quyết dốc toàn lực giành nhiều thắng lợi to lớn trong Đông Xuân quyết thắng để xứng đáng với lòng tin yêu của Hồ Chủ tịch và “sớm rước Bác vào Nam””.
Xoay quanh câu chuyện với chúng tôi về những kỷ vật của người cha để lại, ông Huỳnh Kim Phiến u hoài: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Kỳ Anh (nay là xã Tam Thăng) được xem là bàn đạp, vừa là hậu cứ cho lực lượng vũ trang huyện Bắc Tam Kỳ (cũ), là pháo đài của vùng đông Tam Kỳ. Vì thế địa bàn này thường xuyên phải gánh chịu các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt của địch nên việc xây dựng làng chiến đấu, tổ chức tốt công tác hậu cần tại chỗ luôn được chú trọng. Hệ thống địa đạo được mở rộng cùng với việc xây dựng hầm bí mật thành trạm phẩu, kho chứa lương thực, thực phẩm phục vụ cho việc bám trụ đánh địch dài ngày. Bị đánh phá ác liệt như vậy nhưng quân dân địa phương càng thêm nêu cao quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ, thống nhất nước nhà, một lòng tin theo cách mạng, theo Bác Hồ. Do đó, sự hy sinh, mất mát của người dân vô cùng to lớn. Năm 1970, cha tôi hy sinh tại thôn 2, xã Tam Lãnh. Chúng tôi biết hài cốt ông đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Lãnh, nhưng dù đã rất nhiều nỗ lực nhưng gia đình vẫn chưa xác định được danh tính của cha trong số các ngôi mộ chưa có tên liệt sĩ tại đây!”.
HÀN GIANG