Kỷ vật Điện Biên

NGUYỄN NGỌC PHÚ 05/05/2017 08:57

Với mỗi người lính, kỷ vật chiến tranh, kỷ vật chiến trường với họ là vô giá, có khi phải đánh đổi bằng sự hy sinh máu thịt của mình. Với người chiến sĩ Điện Biên Phủ, tấm Huy hiệu Điện Biên đã trở thành biểu tượng gợi lại bao ký ức của một thời đạn lửa. Đó cũng là một trong những kỷ vật Điện Biên mà mỗi khi  giở ra lại kéo về những dư vang xúc động, những ngổn ngang chiến hào, trận đánh ác liệt. Tuy đã 63 năm trôi qua nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn cả tiếng hò kéo pháo “Hò dô ta nào…”. Nguyên vẹn cả điệp khúc chập chùng “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Nguyên vẹn cả hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Các anh vẫn nguyên vẹn tươi trẻ nụ cười không có tuổi. Tấm Huy hiệu Điện Biên có hình rừng núi tượng trưng cho địa hình lòng chảo Mường Thanh; nổi bật là hình ảnh người chiến sĩ mũ nan trong tư thế xung phong vươn người lên phía trước; có pháo binh và đặc biệt là pháo cao xạ lần đầu ra trận; có chữ “Quyết chiến Quyết thắng” trên Quân kỳ (lá cờ đã cắm trên nóc hầm tướng Đờ-cát ngày 7.5.1954). Chỉ một tấm huy hiệu thôi mà gợi lại bao ký ức lịch sử, biểu trưng khái quát được bao hình tượng sống động có sức lan tỏa truyền cảm, khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên năm ấy…

Tôi có ấn tượng sâu sắc với tấm áo trấn thủ Điện Biên được may chéo những ô vuông. Những đường may gợi cho ta ngang dọc chiến hào “đánh lấn” thắt thòng lọng siết chặt quân giặc đến ngày toàn thắng. Có lẽ ít tấm áo quân phục nào giản dị đơn sơ mà sống mãi trong ký ức người lính Điện Biên đậm nét như thế. Cả 36 đường may trên áo là 36 đường gian khó, là những ngày rát bàn tay, rộp da tay, chân bấm võng đường mòn vẹt cả đế giày đế dép để “kéo pháo vào” rồi lại “kéo pháo ra”. Là những đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng màu áo xanh trấn thủ vẫn bền bỉ, ruột bông của áo thấm mồ hôi, nước mưa và cả máu…

Tôi đã vào Bảo tàng Điện Biên Phủ và bồi hồi đứng trước chiếc xe đạp thồ chở hàng lên mặt trận năm xưa. Chiếc xe có gì lạ đâu, cũng 2 vành bánh lốp, cũng chiếc khung sắt đã mòn. Có khác chăng là chiếc đòn tre dẻo dai bóng loáng với thời gian gá thêm vào ghi đông, vào yên xe cho ta hình dung người dân công hỏa tuyến đã vượt qua hàng trăm cây số. Với niềm tin yêu lạc quan vào thắng lợi át đi cả tiếng đạn bom, cả những đèo cao dốc núi, cả những cơn sốt rét rừng dai dẳng, cả những cơn đói quắt người để dành hạt gạo trắng thơm cho chiến trường, cho bộ đội. Tất cả đều bằng sức người len lỏi dưới những khu rừng cổ thụ khép tán đầy bí ẩn, bí mật… Các bào thai chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu như thế đó.

Tôi đã bần thần đứng trước sa bàn trận đánh Điện Biên nhấp nháy những ngọn đèn, những ngọn đồi, những đường chiến hào, những Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam; những đồi A1, C1 để thảng thốt nhận ra: “Những trận đánh không có người ngã xuống/ Sao lưng ta vẫn buốt đến bây giờ/ Trước chân dung những người đã khuất/ Ta gọi tên đồng đội  run run/ Như chính ta vừa đi qua cơn sốt”. Những hiện vật còn đây, dù hiện vật không còn lấm đất đã nằm trong tủ kính. Những người lính Điện Biên vẫn còn đó. Còn đó chiếc huy hiệu phập phồng trên ngực áo trấn thủ. Và “Tôi cứ bâng khuâng/ Sợ mình đánh mất/ Những kỷ niệm cuộc đời/ Những vui buồn có thật/ Ở trong tôi không lưu giữ trưng bày/ Cứ sợ mình đánh mất/ Tôi lại tìm tới đây”. Tìm tới những kỷ vật Điện Biên để được sống lại  với một thời khói lửa không bao giờ quên…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ vật Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO