Tháng 10.2019 - gia đình ông Bùi Văn Sành - người em trai của liệt sĩ Bùi Văn Mó ở xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nhận được một món quà đặc biệt gửi về từ bên kia bán cầu: tấm chứng minh thư mang tên Bùi Văn Mó, hy sinh năm 1970. Người gửi là nhà báo Mỹ John Shoemaker - một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam.
Trận đối đầu với cuộc tấn công của bộ đội đặc công Việt Nam vào sân bay Khâm Đức năm 1970, đối với trung đội trưởng John Shoemaker là một trận không thể nào quên trong hai năm đời lính bộ binh ở Việt Nam. Trở về nước Mỹ, trở thành một nhà báo, John Shoemaker đã viết về nhiều kỷ niệm ở chiến trường Việt Nam.
Ký ức
“Đó là mùa hè năm 1970, ở miền Nam Việt Nam. Là trung úy, tôi ra lệnh cho trung đội của tôi ra khỏi sân bay Khâm Đức trong vài ngày để tuần tra khu vực phía đông sân bay cách biên giới Lào không xa. Được điều về Lữ đoàn Bộ binh 196, Sư đoàn Amerikal, chúng tôi đã nhận lệnh tham gia chiến dịch Elk Canyon. Hàng trăm lính Mỹ đã được vận chuyển bằng trực thăng đến chiếm giữ khu vực xung quanh sân bay Khâm Đức ở tỉnh Quảng Tín mà sau Mậu Thân đã bị Việt cộng kiểm soát.
Mang theo đạn dược và thức ăn, chúng tôi âm thầm rời khỏi phía nam sân bay và xuống dốc, xuyên qua thảm thực vật dày về phía đông đến con sông chạy song song với sân bay. Dòng sông sâu đến ngực khi chúng tôi băng qua.
Thời tiết nóng và ẩm. Mồ hôi tuôn ra. Khi chúng tôi lên đến đỉnh đồi, tôi chọn một địa điểm để tạo vị trí phòng thủ ban đêm cho trung đội. Đi vòng quanh khu vực chúng tôi tìm thấy một dấu hiệu đáng ngờ - một con đường mòn được sử dụng thường xuyên chạy theo hướng bắc - nam, song song với dòng sông.
Ngay trước khi mặt trời mọc, những vụ nổ và tiếng súng đáng kinh ngạc đã đánh thức tôi dậy trong hoảng sợ. Tôi lật người, lộn ngược từ chiếc võng xuống đất chộp lấy khẩu M-16. “Cái quái gì đang xảy ra vậy?” Phải mất một lúc tôi mới nhận ra rằng chúng tôi không bị tấn công. Bộ đàm báo Sở chỉ huy Tiểu đoàn đang bị tấn công.
Sau khi tiếng súng ngừng, im lặng và bóng tối bao trùm, và rồi những âm thanh chói tai. Mìn nổ chỉ cách vị trí của chúng tôi vài thước. Rồi lại im lặng. Một vài người lính của tôi lặng lẽ bò ra để xem chuyện gì đã xảy ra: lính Bắc Việt yểm trợ tấn công vòng ngoài đã vấp mìn. Ba thi thể nằm trên mặt đất”.
Cúi xuống lật áo ngực một người, Shoemaker tìm thấy một tấm giấy chứng minh nhân dân mang tên Bùi Văn Mó, sinh năm 1944, quê quán Hòa Bình, ngày nhập ngũ, tên cha, mẹ, chiều cao, và ở mục “Tình trạng hôn nhân” là “chưa kết hôn”.
Shoemaker đã giữ tấm giấy chứng minh nhân dân của Bùi Văn Mó như một kỷ vật chiến tranh trong ví của mình. Năm 1971, ông trở về Mỹ, cất ví vào một chiếc hộp và rồi quên đi.
Đưa kỷ vật trở về
“Những bức ảnh về gia đình liệt sĩ Mó và buổi lễ tiếp nhận được M.T.D. gửi lại cho tôi cho thấy một tinh thần tưởng niệm, danh dự, trọng thị và khép lại một quá khứ. Khi người ta yêu thương mất đi, những cảm xúc vẫn còn nguyên đó, ở nơi nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy. Chiến tranh ảnh hưởng đến các thế hệ đến tận những căn rễ lịch sử, không chỉ kẻ thắng người thua, mà tác động tới từng gia đình”.
(Trích bài John Shoemaker viết cho một tạp chí Mỹ)
Tháng 7.2019, John bán ngôi nhà ở Massachuset. Trong lúc dọn đồ đi, John tìm thấy tấm chứng minh thư của người lính Bắc Việt đã chết trong cái đêm năm 1970 đó.
John quyết định kể lại câu chuyện cùng tấm ảnh chiếc chứng minh thư trong một diễn đàn của các cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam, với ý nghĩ tìm kiếm gia đình Bùi Văn Mó để gửi lại. Thật đáng ngạc nhiên, một tuần sau, anh M.T.D. - một người Việt sống ở TP.Hồ Chí Minh, có ông nội từng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nay đang làm việc cho Chương trình Hỗ trợ Phát triển của Mỹ tại Việt Nam - tình cờ đọc được và liên lạc với John, ngỏ ý giúp tìm kiếm.
M.T.D. chia sẻ câu chuyện lên Facebook của mình. Một tuần sau, một cán bộ xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình liên lạc với anh, nói rằng biết gia đình liệt sĩ Bùi Văn Mó.
Đầu tháng 10.2019, từ TP.Hồ Chí Minh, M.T.D. đáp chuyến bay đi Hà Nội, thêm 2 tiếng rưỡi lái xe và 1 tiếng đồng hồ đi xe máy cùng xã đội trưởng để đến thăm ngôi nhà của người em trai út liệt sĩ Bùi Văn Mó - một ngôi nhà sàn, không điện, không nước, không nhà vệ sinh, nằm sâu trong xã Tuân Đạo - xã nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình.
Gia đình vẫn giữ giấy báo tử của liệt sĩ Bùi Văn Mó, báo rằng ông đã hy sinh trong một trận đánh, ngoài ra không có thêm một thông tin gì.
“Hồi còn sống, ước nguyện duy nhất của cha mẹ tôi là tìm được hài cốt con trai. Nhưng tôi thậm chí còn không biết chính xác anh tôi nằm lại ở chiến trường nào, vào năm nào” - ông Bùi Văn Sành, em trai của liệt sĩ Mó rưng rưng cầm lấy kỷ vật cuối cùng và tấm bản đồ John vẽ vị trí nơi liệt sĩ hy sinh.
Một buổi lễ tiếp nhận nhỏ đã được tổ chức tại ngôi nhà sàn của liệt sĩ Bùi Văn Mó, khi M.T.D. trao lại cho gia đình tấm chứng minh thư và một lá cờ Việt Nam do John trân trọng gửi tặng.
Trong lá thư gửi kèm theo bản đồ vị trí nơi liệt sĩ Mó hy sinh, John viết: “Rất tiếc về sự mất mát này. Nhiều người ở cả hai bên đã chết trong một cuộc chiến khủng khiếp. Miền Bắc mất 1 triệu người, miền Nam và Mỹ cùng các nước khác cũng có hàng trăm nghìn người đã chết. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp gia đình phần nào khuây khỏa, được an ủi về cái chết của một người lính đã hy sinh trong danh dự nơi chiến trường. Tôi cúi chào - như một người lính - trước sự can đảm đáng trân trọng của một người lính đã hy sinh vì nhiệm vụ”.