Kỳ vọng chặng đường mới

14/10/2015 08:47

Quan tâm theo dõi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI qua cánh sóng truyền hình, hay truyền thanh trực tiếp, nhiều cán bộ và đảng viên, người dân ở các địa phương gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng vào đợt sinh hoạt chính trị vô cùng quan trọng này.

  • DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH QUẢNG NAM LẦN THỨ XXI
  • Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI
  • "Quảng Nam cần tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới"

Tạo thêm động lực, niềm tin cho nhân dân

Theo dõi khá sát sao tình hình phát triển của tỉnh, ông Nguyễn Văn Mai (cán bộ hưu trí ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) cho rằng, là tỉnh còn nhiều khó khăn, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, đối tượng chính sách nhiều nhất cả nước, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế - xã hội Quảng Nam thời gian qua đã có những bước phát triển đáng mừng. Diện mạo cơ sở hạ tầng cả tỉnh nói chung, TP.Tam Kỳ nói riêng có sự đầu tư và phát triển nhanh chóng. Nhìn nhận về chặng đường phát triển sắp đến, người đảng viên 36 tuổi Đảng này rất kỳ vọng vào tương lai dưới ngọn cờ của Đảng với đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết. Theo ông, nhiều người dân và đảng viên đều mong muốn Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải tập trung khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, quản lý với tinh thần kiên quyết, quyết liệt hơn nữa. Đảng phải đi vào thực chất, công khai, minh bạch để lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như mong muốn của người dân. “Là đảng viên, tôi mong toàn Đảng bộ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới phải thật sự vì Quảng Nam, vì dân, nói đi đôi với làm để tạo thêm niềm tin trong quần chúng nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 nói rồi, tôi chỉ mong Đảng phải hành động, kiên quyết về mặt tổ chức, vững vàng về bản lĩnh chính trị, thể hiện vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước Việt Nam phát triển” - ông Mai chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Mai.
Ông Nguyễn Văn Mai.

Trong khi đó, đánh giá khá cao thành tựu đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng ông Phan Diêu (85 tuổi, ở khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) vẫn còn nhiều trăn trở về những khó khăn trong phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Ông mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này phải chọn cho được đội ngũ cán bộ có tài năng, phẩm chất chính trị để đưa Quảng Nam đi lên, nâng cao đời sống người dân. Kinh tế - xã hội toàn tỉnh đã có bước phát triển rất đáng mừng nhưng ở một số vùng nông thôn chưa phát triển, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn. Do đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nhất là xây dựng nông thôn mới, làm sao để người dân có cuộc sống khá hơn, vươn lên làm giàu. Đã từng làm công tác mặt trận ở cơ sở nhiều năm, ông cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa cho công tác mặt trận cơ sở để tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. “Thanh niên bây giờ làm kinh tế rất giỏi nhưng một bộ phận không nhỏ chỉ lo chuyện gia đình chứ ít quan tâm việc xã hội. Chẳng hạn như ở địa phương phát động xây dựng thôn, khối phố văn hóa hay làm đường giao thông thì tôi thấy toàn là mấy người lớn tuổi làm hết còn thanh niên rất ít. Mặt trận phải tập hợp cho được họ” - ông đề xuất.(XUÂN PHÚ)

Đặc biệt chú trọng chất lượng đảng viên

Ông Nguyễn Hưng - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An chia sẻ những kỳ vọng vào nhiệm kỳ tới
Ông Nguyễn Hưng - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An chia sẻ những kỳ vọng vào nhiệm kỳ tới

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thu hút sự quan tâm của cán bộ và nhân dân tại TP.Hội An, nhiều người đặt niềm tin, gửi gắm kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới. Ông Nguyễn Hưng - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An chia sẻ: “Tôi đã đọc dự thảo báo cáo chính trị và cũng nhìn thấy những đổi thay, khởi sắc trong thời gian gần đây. Phải nói rằng, mỗi nhiệm kỳ đại hội đều có đổi mới, nhờ đó mà đã phát huy được sức mạnh đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch và an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế mà nhiều người kỳ vọng vào sự thay đổi ở nhiệm kỳ tới. Đó là đẩy mạnh về xây dựng Đảng, xây dựng về văn hóa, trình độ cán bộ, đặc biệt là chất lượng của đảng viên. Bên cạnh đó cần cải cách mạnh về hành chính để thúc đẩy phát triển. Quyết liệt đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, quan liêu…, có như vậy mới đưa Quảng Nam phát triển nhanh bền vững hơn. Tôi xin nêu vài ví dụ, thời gian qua chúng ta cứ nói là giữ rừng, nhưng thực chất rừng ngày càng bị tàn phá nặng nề, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Hay việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện vẫn còn nhiều bất cập trong thủ tục gây thiệt hại kinh tế. Ngay tại Hội An, lúc nào cũng nói chống biến đổi khí hậu, chống nước biển dâng… nhưng lại xúc những đồi cát ven biển có hàng ngàn năm tại khu làng chài Cẩm An chở đi nơi khác…”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại, lão ngư Huỳnh Hanh (thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) cho biết: “Đối với bà con sống ở giữa sóng gió và biển cả mênh mông như chúng tôi, ai cũng một lòng tin Đảng, bởi vì Đảng là của nhân dân. Những năm gần đây, được sự quan tâm bằng những chính sách phù hợp, đời sống người dân từ vật chất đến tinh thần ngày được nâng cao. Chúng tôi hy vọng nhiệm kỳ tới Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách giúp đảo Cù Lao Chàm phát triển hơn...”.(MINH HẢI)

Ưu tiên đầu tư phát triển miền núi

Khác với những ngày thường, trong các ngôi moong, gươl của đồng bào ở huyện miền núi trong những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, hướng về ngày hội trọng đại của tỉnh. Dọc các khu dân cư về các điểm làng, những tấm băng rôn, cờ hoa được cắm trang hoàng với các dòng khẩu hiệu chào mừng đại hội, thể hiện tinh thần quyết tâm và sự kỳ vọng cho một kỳ đại hội thành công.

Tại huyện Đông Giang, trên các trục đường chính thuộc nội thị P’rao đã được trang trí băng rôn, khẩu hiệu lớn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh. Dọc các tuyến đường, đồng bào Cơ Tu tại các thôn, xã trên địa bàn huyện treo cờ Tổ quốc, hân hoan chào đón ngày hội chung. Hôm qua 13.10, tại nhiều điểm dân cư, đồng bào cùng nhau theo dõi tin tức, diễn biến về đại hội qua sóng truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam. Niềm vui, sự hào hứng hiện rõ trên từng gương mặt, không khí ngày hội chung của tỉnh bao trùm cả xóm làng đồng bào miền núi. Già làng Alăng Prót (thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) bày tỏ: “Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào miền núi, giúp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản làng văn hóa. Tuy vậy, nhiều chính sách khi đi vào cuộc sống còn chưa phù hợp, việc đầu tư chưa đồng đều khiến nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này, chúng tôi mong muốn tỉnh cần tiếp tục đưa nhiều chủ trương lớn, cũng như quan tâm hỗ trợ chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển cho đồng bào miền núi để người dân ổn định cuộc sống”.(ALĂNG NGƯỚC)

Phát huy thế mạnh về kinh tế ở các vùng miền

Ông Trần Dũng Mãnh và ông Phan Ngọc Đại đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Ông Trần Dũng Mãnh và ông Phan Ngọc Đại đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

Trong căn nhà nhỏ nhắn, ấm cúng của mình ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), ông Trần Dũng Mãnh - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình ngồi đàm đạo cùng ông Phan Ngọc Đại - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình. Cầm trên tay tờ báo Quảng Nam, hai cán bộ về hưu lật xem những thông tin liên quan đến sự kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Ông Đại cho biết: “Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần toàn văn dự thảo báo cáo chính trị, các góp ý, ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp về bản dự thảo tôi cũng theo dõi kỹ. Rất phấn khởi khi Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nhiệm kỳ qua, đáng mừng nhất là diện mạo của tỉnh công nghiệp ngày một định hình rõ hơn. Từ Khu kinh tế mở Chu Lai cho đến các cụm công nghiệp ở các thành phố Tam Kỳ, huyện Quế Sơn, Đại Lộc và Thăng Bình quê tôi đều khởi sắc”. Ông Trần Dũng Mãnh là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 1996 đến năm 2006) nên hiểu rõ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thăng Bình nói riêng và tỉnh nói chung. “Tôi tâm đắc nhất là quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế đã diễn ra thông suốt trong thời gian qua. Sản xuất hàng hóa đã nâng cao giá trị kinh tế, đời sống người dân chuyển biến rõ nét. Các nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư đạt được những kết quả nổi bật...” - ông Mãnh nói.

Trao đổi về thu hút đầu tư ở Quảng Nam, ông Mãnh cho rằng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh tuy đạt khá nhưng giá trị gia tăng chưa cao. Trong khi đó, các ngành du lịch, dịch vụ chưa tạo được bước đột phá, trừ TP.Hội An. Ví như Thăng Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch biển ở các xã vùng đông; du lịch sinh thái, văn hóa có thể phát triển mạnh ở các xã vùng tây nhưng vẫn chưa phát huy tốt các tiềm năng này. Sự kết nối giữa các ngành du lịch, dịch vụ với giải quyết việc làm, đào tạo nghề cũng vì thế mà hạn chế. Còn ông Đại thì băn khoăn tại sao các Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Nam Hà Lam, Kế Xuyên - Quán Gò chưa phát triển như kỳ vọng. Đó là vì quá trình cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả lớn. Các doanh nghiệp chưa được tạo điều kiện tối đa để phát triển. Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập, sản phẩm xuất khẩu chưa đủ sức cạnh tranh...(V.QUANG)

Mở lối cho cây sâm Ngọc Linh

Nhân dân Nam Trà My theo dõi đại hội qua truyền hình.
Nhân dân Nam Trà My theo dõi đại hội qua truyền hình.

Sáng 13.10, đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My đã gác chuyện nương rẫy để theo dõi chương trình khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Từ trung tâm hành chính Tắk Pỏ cho tới các làng nóc xa xôi, hệ thống ti vi parabol, loa truyền thanh phát sóng trực tiếp chương trình khai mạc đại hội để bà con tiện theo dõi. Anh Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) cho biết, từ chiều hôm trước, anh cùng các thanh niên đã lên đầu nguồn suối trong làng sửa lại hệ thống điện thủy luân để sáng nay mở ti vi cho dân làng xem chương trình khai mạc đại hội. Gia đình anh Lượng là một trong số ít hộ có đời sống kinh tế khá giả ở đây. Nhờ cây sâm Ngọc Linh mà anh đã dựng được 3 ngôi nhà rộng rãi, khang trang, các vật dụng sinh hoạt gia đình đều sắm sửa tiện nghi. Anh cho biết, dân làng Xê Đăng ở Trà Linh vô cùng phấn khởi khi cây sâm Ngọc Linh được nêu trong nhóm giải pháp mà Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đưa vào để đầu tư phát triển. “Sâm Ngọc Linh rất quý giá. Cha ông chúng tôi đã gìn giữ bảo tồn cả ngàn đời nay nhưng người Xê Đăng vẫn chưa thực sự giàu lên từ cây sâm. Mong sao đại hội lần này sẽ có những quyết sách để khai thác giá trị cây sâm Ngọc Linh, đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng miền núi” - anh Lượng kỳ vọng.  
Còn ông Hồ Văn Du, người có hơn 35 năm sát cánh với cây sâm cũng vui mừng khi biết được cây sâm Ngọc Linh được chọn là sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam. Ông Du tâm sự, hơn nửa đời mình đã cùng ăn, cùng ở với cây sâm, lo cho sâm còn hơn cả bản thân bởi ông biết sâm rất quý, là tương lai của dân làng. Khi biết được cây sâm Ngọc Linh nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và đặc biệt là được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đưa vào chương trình nghị sự, ông Du và người trồng sâm rất kỳ vọng. “Tôi nghĩ cây sâm Ngọc Linh không chỉ là mục tiêu đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2020 mà phải xa hơn và quyết liệt hơn nữa. Tỉnh cần đầu tư thành lập những nông trường sâm rộng lớn, xây dựng nhà máy chế biến sâm như ở nước ngoài. Như vậy chắc chắn người dân vùng núi chúng tôi sẽ thoát nghèo bền vững” - ông Du kiến nghị.(H.THỌ)

Chọn người đủ năng lực để đảm nhiệm trọng trách

Biết được thời điểm khai mạc đại hội có trực tiếp trên truyền hình, lão nông Nguyễn Văn Ba (thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) không đi làm mà ở nhà mở ti vi để theo dõi. Chăm chú nghe xong các bài phát biểu, ông mới bộc bạch về nguyện vọng nhiệm kỳ tới Quảng Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Theo ông Ba, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo, tuy nhiên nông dân chưa thể “sống khỏe, sống tốt” với nghề bởi còn bấp bênh do câu chuyện “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa”.

Tuyên truyền trực quan trên tuyến ĐT609, đoạn qua thị xã Điện Bàn. Ảnh: CÔNG TÚ
Tuyên truyền trực quan trên tuyến ĐT609, đoạn qua thị xã Điện Bàn. Ảnh: CÔNG TÚ

Năm nay đã ngoài 75 tuổi (50 tuổi Đảng), ông Nguyễn Văn Hoàng (khối phố Câu Nhi Đông, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) vẫn tinh tường nhận xét về các mặt ưu điểm của nhiệm kỳ vừa qua. Nhiều nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế của địa phương nên đã tạo cho nền kinh tế Quảng Nam đi lên rõ rệt. Ông nói: “Tôi phấn khởi trước những định hướng lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Nguyện vọng của bản thân mong đại hội lần này tập trung trí tuệ bầu chọn cán bộ trẻ, có đức, có tài, có trình độ năng lực để đảm nhiệm trọng trách sắp đến”.

Trong khi tìm kênh phát sóng trực tiếp phiên khai mạc đại hội, ông Dương Văn Ba (48 tuổi Đảng, trú khu 6, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) bày tỏ: “Tôi mong rằng đại hội cần tiếp tục tìm giải pháp để xóa đói giảm nghèo bền vững cho khu vực miền núi. Bởi vì ở vùng sâu vùng xa, nhiều hộ dân cứ tái nghèo hoài do kinh tế không ổn định, sản xuất còn manh mún”. Ông Ba đề nghị những người trúng cử vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới phải nâng cao tinh thần đoàn kết, nhất trí và phát huy trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo đạt mục tiêu đề ra.(C.TÚ - P.LỘC)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng chặng đường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO