Kỳ vọng cơ chế mới hỗ trợ giữ rừng tự nhiên

TRẦN HỮU 03/12/2021 05:26

Tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (khóa X), dự kiến khai mạc vào ngày 7.12, UBND tỉnh sẽ trình xem xét, thông qua đề án Quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Với các đề xuất cơ chế hỗ trợ mới nếu đề án được thông qua kỳ vọng sẽ khắc phục được bất cập của chính sách bảo vệ rừng tự nhiên trước đây.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Giang (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19 ). Ảnh: H.P
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Giang (ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19 ). Ảnh: H.P

Mức hỗ trợ cũ chưa tương xứng

Ngày 6.12.2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 46 quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, hỗ trợ tiền BVR đạt mức 400 nghìn đồng/ha/năm và chuyển hình thức giao khoán BVR sang chủ rừng hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR.

Theo thống kê, đến nay các chủ rừng (ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng, các khu bảo tồn, vườn quốc gia) đã ký hợp đồng BVR với gần 800 người chuyên trách BVR diện tích 242.478ha.

Diện tích BVR từ 300ha/người trở lên (gồm Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la, Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Giang); thấp nhất từ 104 - 200ha/người (gồm các xã tại huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Đại Lộc và Hiệp Đức).

Nếu đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được kỳ họp HĐND sắp tới thông qua, thì lực lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ tham gia giữ rừng tích cực hơn. Ảnh: H.Q
Nếu đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được kỳ họp HĐND sắp tới thông qua, thì lực lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ tham gia giữ rừng tích cực hơn. Ảnh: H.Q

Tổng diện tích rừng tự nhiên quản lý BVR theo các chương trình, dự án của Quảng Nam năm 2020 là 435.332ha (chiếm 93,4% rừng tự nhiên của tỉnh), gồm diện tích chuyển sang hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR là 242.478ha (tỷ lệ 55,7%); diện tích tiếp tục giao khoán BVR là 174.682ha (tỷ lệ 40,1%) và quản lý rừng cộng đồng là 18.172ha (tỷ lệ 4,2%).

Lực lượng chuyên trách BVR tại các đơn vị được tổ chức theo các mô hình khác nhau như tổ cơ động, trạm/chốt BVR. Mức chi cho lực lượng này dao động từ hơn 3 - 4,5 triệu đồng/người.

Năm 2020 chỉ có Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Giang và Nam Giang, các xã thuộc UBND huyện Hiệp Đức, Đại Lộc, Quế Sơn đã chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn.

Các đơn vị còn lại chưa chi cho cộng đồng dân cư thôn vì đưa ra lý do lo ngại khi chuyển kinh phí về cộng đồng sẽ không lập được thủ tục thanh quyết toán. Thực tế thời gian qua, tình trạng phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, cháy rừng vẫn còn xảy ra, nhưng một số chủ rừng không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Lực lượng BVR của cộng đồng tuần tra không thường xuyên, ngại va chạm, không tố giác vi phạm. Thêm nữa, một số đơn vị còn lúng túng khi sử dụng lồng ghép nguồn kinh phí BVR của chính sách dịch vụ môi trường rừng, Quyết định số 24 ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ với nguồn UBND tỉnh cấp bổ sung đạt 400 nghìn đồng/ha/năm để thực hiện Nghị quyết số 46/2018.

Đánh giá về thực hiện Nghị quyết số 46, theo nhiều chủ rừng và địa phương miền núi, bất cập lớn là mức lương thực nhận và hỗ trợ tuần tra cho lực lượng chuyên trách BVR còn thấp, chưa khuyến khích người dân tham gia, thậm chí nhiều hợp đồng BVR đã bỏ việc giữa chừng.

Băn khoăn ngân sách

Theo dự thảo đề án giai đoạn mới, hỗ trợ đơn giá BVR đối với diện tích rừng tự nhiên chi trả dịch vụ môi trường rừng trong các lưu vực thủy điện, chủ rừng ký hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR để đạt mức 500 nghìn đồng/ha/năm (đối với những đơn giá BVR thấp hơn 500 nghìn đồng/ha/năm), thì cần chi lương cho hợp đồng chuyên trách BVR tối thiểu 4 triệu đồng/người/tháng và các khoản trích nộp theo lương. Hỗ trợ xăng xe 300 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ bảo hộ lao động trong thực hiện nhiệm vụ BVR 1,5 triệu đồng/người/năm…

Ngoài ra, chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn để tham gia BVR. Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, đề án quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, BVR tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 thực sự cần thiết, kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai Nghị quyết số 46; tổ chức quản lý BVR giai đoạn 2022 - 2025 phù hợp với từng địa phương, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tình trạng người dân phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, không ít chủ rừng, địa phương và ngành chức năng cũng bày tỏ băn khoăn với dự thảo đề án. Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, tất cả diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện phải chuyển sang mô hình lực lượng BVR chuyên trách thì mới phát huy hiệu quả.

Nhưng cần thiết đề xuất Trung ương xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo đề án bằng cách linh động về hình thức giao khoán, tức là giao cho cộng đồng hoặc lực lượng chuyên trách BVR đều được, tùy vào thực tế mỗi địa phương.

Chủ rừng này đề xuất thêm, đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài các lưu vực thủy điện, UBND tỉnh cần xin ý kiến trung ương cho phép dùng kinh phí 500 nghìn đồng/ha/năm giao khoán BVR từ ngân sách trung ương sang hình thức chủ rừng hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR.

Cũng theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn, không nên quy định nguồn kinh phí thu từ dịch vụ môi trường rừng phải áp dụng mức 80%, 20% như phần ngân sách tỉnh hỗ trợ vì nguồn thu này đã có quy định sử dụng theo Nghị định số 156 của Chính phủ, tỉnh không nên điều chỉnh mức chi.

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh cho hay, hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã có quyết định lên Vườn Quốc gia Sông Thanh, do đó cần đưa tên cụ thể của đơn vị vào đối tượng áp dụng.

Cũng theo ông Hồng, đối với phạm vi áp dụng, điều chỉnh lại diện tích rừng tự nhiên tại các ban quản lý rừng và UBND xã tại các huyện chưa thành lập ban quản lý rừng tổ chức BVR theo hình thức hợp đồng với lực lượng chuyên trách BVR. Không áp dụng với diện tích đang triển khai BVR từ nguồn hỗ trợ của dự án nước ngoài.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính - ông Đặng Phong băn khoăn, kinh phí thực hiện đề án là quá lớn so với khả năng cân đối của ngân sách. Dự kiến thời gian đến, kinh phí quản lý BVR đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách, có điều tiết về trung ương sẽ do ngân sách địa phương tự đảm bảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thu ngân sách, nên ngân sách địa phương chỉ có thể đảm bảo để cân đối chi theo các định mức, chi thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, đối với các chính sách mới thì ngân sách địa phương chưa cân đối được nguồn để thực hiện. Do đó, Sở Tài chính đề nghị Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh lại dự toán cho phù hợp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng cơ chế mới hỗ trợ giữ rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO