Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ quyết những vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước và nhân dân, trong đó có công tác nhân sự - một vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) diễn ra từ ngày 11 đến 13.1 tập trung hoàn thiện công tác nhân sự chủ chốt khóa XII. (Ảnh: internet) |
Đến thời điểm này, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao công tác nhân sự đại hội đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng được chuẩn bị nghiêm túc, công khai, dân chủ. Điều này thể hiện rõ qua báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân năm 2015 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo cáo đã nêu rõ, đại bộ phận nhân dân vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào đại hội Đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng. Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác nhân sự không chỉ coi trọng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mà còn coi trọng về trình độ năng lực thực tiễn, uy tín, khả năng đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ được giao; có khả năng bảo đảm, tăng cường sự đoàn kết, phát huy dân chủ; có năng lực lãnh đạo, biết phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chuẩn bị thận trọng
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28.1.2016 tại Hà Nội; chủ đề của Đại hội là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng mời các cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu… tới dự. Ông Hoàng Bình Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng trân trọng mời đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đến dự phiên khai mạc và phiên bế mạc của Đại hội lần thứ XII. |
Hòa thượng Danh Lung - Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Chăng-ta-rang-say ở phường 7, quận 3 TP.Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với đồng bào Khơ-me, từ ngày thành lập Đảng cho đến nay, chúng tôi luôn luôn cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng phum sóc, bản làng ngày càng giàu đẹp. Nhiều nhà sư Khơ-me mặc dù xuất gia nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội. Ngay từ những năm kháng chiến, đường lối chính sách của Đảng hợp với lòng dân, bà con, chư tăng Khơ-me đã có nhiều đóng góp bảo vệ, xây dựng đất nước. Trước thềm Đại hội XII của Đảng, đối với đồng bào Khơ-me nói chung và các chư tăng Khơ-me nói riêng, chúng tôi mong muốn Đại hội diễn ra thành công, trong đó chọn được những vị lãnh đạo có năng lực, có tầm, có tài đức, nhất là năng lực về tập hợp các tầng lớp nhân dân. Những đồng chí lãnh đạo chủ chốt phải làm sao huy động được nhân dân Việt Nam để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đồng bào Khơ-me tiếp tục tham gia đóng góp cho Đảng và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Là người theo dõi khá chặt chẽ các hội nghị từ cơ sở tới Trung ương, PGS-TS. Phạm Xanh - Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt kỳ vọng rất lớn vào sự chuẩn bị của Đảng ở Đại hội lần này. PGS-TS. Phạm Xanh cho rằng, công tác nhân sự đã có sự chuẩn bị hết sức cẩn thận. Cùng với sự cố gắng của Trung ương, đảng bộ các tỉnh, thành phố cũng tổ chức bồi dưỡng, đào tạo những người có thể đảm nhận tốt các chức vụ lãnh đạo. “Tôi cho rằng, lần này chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo trong việc lựa chọn những người vào những vị trí quan trọng ở các cấp bộ đảng” - PGS-TS. Phạm Xanh nói.
Theo GS. Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, để chuẩn bị nhân sự cấp cao lần này, Trung ương đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ nguồn của Trung ương và đào tạo cho cả các địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy. Để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ mới, Trung ương mở 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương cũng thực hiện một chương trình học tập, nghiên cứu lý luận từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghe những chuyên đề lý luận mới, cập nhật những kiến thức mới gọi là tầm nhìn tư duy chiến lược… GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: “Đảng ta đã làm những bước rất thận trọng. Một là thăm dò; hai là ghi phiếu tín nhiệm”.
Kiều bào hướng về Tổ quốc
Mỗi người dân Việt Nam, bất kể ở hoàn cảnh, địa vị nào, bằng những ý kiến đóng góp của mình cho Đại hội, chính là thể hiện sự tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam và trách nhiệm công dân của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ lòng yêu mến của nhân dân với Đảng, bản thân mỗi người cầm lá phiếu để lựa chọn đội ngũ cán bộ phải chọn được những người có đủ đức, đủ tài vào các chức vụ lãnh đạo để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh; kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa về chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới… |
Cùng chia sẻ mối quan tâm về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Tài Phương - kiều bào Mỹ, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, quan điểm “kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam” của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã phát huy được tiềm lực, kiều bào vô cùng phấn khởi và vui mừng vì bà con sống xa Tổ quốc mà được Đảng, Nhà nước coi trọng. Đáp lại sự yêu mến đó, nhiều người dân đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, nhất là trước những sự kiện trọng đại như Đại hội lần thứ XII của Đảng. Kiều bào ở Mỹ coi sự kiện chính trị này như là cầu nối để biểu thị tấm lòng luôn hướng về quê hương, Tổ quốc của mình.
Mặc dù đang sinh sống và làm việc xa quê hương, song ông Tài Phương vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước. Ông khẳng định, những sự kiện lớn như Đại hội Đảng luôn được ông nói riêng và bà con Việt kiều Mỹ nói chung quan tâm vì đây là dịp để bà con hiểu rõ hơn về tình hình đất nước trong hiện tại và tương lai. Ông Tài Phương nêu rõ: “Bà con kiều bào cũng mong muốn Đảng sẽ ban hành thêm nhiều chính sách có lợi cho sự phát triển đất nước. Những chính sách đã đi vào cuộc sống thì làm sao có sức ảnh hưởng lớn hơn, mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Và mong có những chính sách mới thật đúng, thật trúng với tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân”.
Lấy ví dụ trực tiếp từ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19.5.2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trong tình hình mới, ông Tài Phương cho rằng, về mặt chính sách, Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đều rất đúng đắn, toát lên đầy đủ việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bà con kiều bào. Đồng thời đây là nền tảng thúc đẩy kiều bào gắn bó với quê hương, tạo điều kiện cho bà con tham gia xây dựng quê hương, đất nước... Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần khắc phục một số những hạn chế, rào cản trong quá trình thực hiện nghị quyết. “Rào cản này theo tôi nhận định chủ yếu vẫn là do con người. Chính sách tốt nhưng những người thực thi không tốt thì chính sách cũng xa vời. Bởi vậy, để tháo gỡ, chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước nên có chương trình tập huấn cụ thể, thiết thực” - ông Tài Phương nói. Từ chính sách cụ thể trên, nói rộng ra về vấn đề phát triển đất nước, ông Tài Phương mong muốn Đại hội XII của Đảng sẽ chọn được Ban Chấp hành mới trẻ hóa, năng động, làm được nhiều điều tốt đẹp cho đất nước, cho nhân dân. Cùng với vấn đề đức, vấn đề tài cũng phải coi trọng. Tài ở đây là những vấn đề trên cơ sở đường lối Đảng đã vạch ra là phải dám làm, dám quyết, dám chịu trách nhiệm.
T.B (Tổng hợp)