Đoàn lữ hành gồm 68 du khách, quốc tịch Ba Lan do Công ty Lữ hành 365 Travel (Hà Nội) đến xông đất đầu năm mới tại Hội An sáng 1.1 vừa qua là tín hiệu vui cho du lịch Quảng Nam với nhiều kỳ vọng về một thị trường khách tiềm năng trong năm 2015.
Nỗi niềm năm cũ
Dù năm cũ đã qua với nhiều thành tựu nổi bật trong việc giữ vững tốc độ tăng trưởng khách khi đón gần 3,7 triệu lượt khách (tăng hơn 7% so với năm 2013), doanh thu tăng 15% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, du lịch Quảng Nam năm 2014 cũng đối diện với nhiều thách thức, bất cập chưa thể khắc phục như việc chống sạt lở ven biển, hạ tầng giao thông, xây dựng sản phẩm đặc thù, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, hình thức bán vé tham quan phố cổ, nạn cò mồi, cướp giật… những vấn đề không mới trong vài năm trở lại đây. Trong buổi gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp cuối năm do UBND tỉnh vừa tổ chức tại Hội An, một số ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển không bền vững của du lịch Quảng Nam khi chưa có chiến lược mang tính đột phá, lúng túng trong việc cạnh tranh với các địa phương lân cận là Đà Nẵng, Huế… Ngoài ra, việc mở rộng không gian du lịch về các huyện phía nam và phía tây của tỉnh dù đã triển khai vài năm nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn do thiếu sự kết nối, sản phẩm đơn giản, kém sức hút.
Với những thuận lợi trong năm 2015, du lịch Quảng Nam hứa hẹn sẽ đón được 3,85 triệu lượt khách tham quan. Ảnh: VĨNHLỘC |
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An nhìn nhận, để khai thác hiệu quả những điểm đến mới tại phía nam và phía tây của tỉnh, ngành du lịch và các địa phương cần củng cố, đầu tư xây dựng thêm cơ sở lưu trú và đội ngũ nhân lực quản lý đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. “Với những sản phẩm du lịch miền núi như tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh hay điểm thác Grăng, Nam Giang rất thú vị, nhất là với đối tượng khách học sinh nhằm giúp trang bị các em những kỹ năng, giao lưu văn hóa với đồng bào Cơ Tu… nhưng hạ tầng lưu trú, công tác quảng bá còn hạn chế, nên rất khó thúc đẩy hoạt động du lịch nơi đây phát triển” - ông Hà nhận xét. Ngoài ra, năm 2014 cũng chứng kiến nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đón khách tại Cù Lao Chàm, đặc biệt là quy định của Bộ GTVT về hoạt động vận tải du lịch thủy nội địa như lái tàu và phụ tàu phải có bằng thủy thủ và chứng chỉ cao tốc 1 trong hoạt động vận chuyển khách. Bên cạnh đó, yêu cầu đăng kiểm xe cơ giới vận chuyển khách tham quan trên đảo của Sở GTVT ban hành cũng làm khó doanh nghiệp… “Thành phố chủ trương mở rộng du lịch quanh đảo, nhưng do không gian trên đảo rộng lớn nên chúng tôi phải sử dụng xe vận chuyển khách tham quan, nay theo quy định của Sở GTVT thì 6 tháng phải mang xe về đất liền đăng kiểm một lần, điều này rất khó cho doanh nghiệp”, ông Trần Hưng – Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội phản ánh. Cũng theo ông Trần Hưng, một vấn đề nổi cộm khác của Cù Lao Chàm hiện nay là trong khi người dân trên đảo thiếu vị trí kinh doanh thì không ít bãi biển đẹp đã bị các nhà đầu tư chiếm cứ bỏ hoang nhiều năm, nên chăng tỉnh cần thu hồi hoặc chỉ đạo doanh nghiệp cho nhân dân, địa phương mượn để giải quyết nhu cầu kinh doanh trước mắt, khi nào cần thì trả lại…
Triển vọng 2015
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, năm 2015 dù còn nhiều khó khăn nhưng du lịch Quảng Nam vẫn có cơ sở duy trì tăng trưởng tốt. Ngoài việc khắc phục những hạn chế năm cũ như tình hình an ninh, thành lập chi hội hướng dẫn viên du lịch trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nghiên cứu bán vé tham quan phố cổ tại khách sạn; thành lập Ban quản lý du lịch Nam Giang nhằm kết nối với doanh nghiệp và du khách… ngành du lịch Quảng Nam cũng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm dựa vào thế mạnh di sản và mở rộng không gian về biển, nông thôn gắn với du lịch cộng đồng. Đặc biệt, hoạt động du lịch phía nam sẽ khởi sắc khi tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ) được khánh thành, hứa hẹn tạo điểm nhấn thu hút khách đến nơi đây và các vùng lân cận. “Một thuận lợi rất quan trọng trong năm 2015 chính là việc Chính phủ công bố miễn thị thực nhập cảnh cho du khách đến từ 7 nước là Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, đây sẽ là cơ hội rất lớn để du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam đón đầu lượng khách này” - ông Hài kỳ vọng.
Thực tế, trước viễn cảnh về một lượng lớn du khách từ 7 quốc gia trên sẽ đến Việt Nam trong đó có miền Trung và Quảng Nam, một số doanh nghiệp tại Hội An và Đà Nẵng cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến tại những thị trường này. Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) thông tin, hiện tại đơn vị đã xây dựng xong kế hoạch quảng bá du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng tại những nước Bắc Âu. “Khoảng cuối tháng 3.2015 nhân hội chợ du lịch tại Thụy Điển, Vietdatravel sẽ kết hợp với các đơn vị, ban ngành tổ chức đoàn famtrip khảo sát và giới thiệu tiềm năng du lịch miền Trung tại thành phố lớn thứ nhì của Thụy Điển là Gothenburg và các nước Bắc Âu. Ngoài việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành nơi đây, nhiều hoạt động tìm hiểu khám phá đất nước Thụy Điển cũng được tổ chức như tham quan Viện bảo tàng xe Volvo, hãng xe Thụy Điển nổi tiếng trên thế giới; thăm công viên Slottsskogen; tham quan hai pháo đài 300 tuổi và 700 tuổi tại thành phố lân cận Kungälv….” - ông Lộc nói. Ông Lộc cũng cho rằng, Bắc Âu là thị trường rất tiềm năng với du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng nên doanh nghiệp phải đi trước một bước để chủ động kết nối, giới thiệu những lợi thế của du lịch xứ Quảng đến với người dân và doanh nghiệp nơi đây.
Với sự chủ động cùng những lợi thế mới, du lịch Quảng Nam năm 2015 hứa hẹn không chỉ giữ vững sự tăng trưởng để đạt được con số 3,85 triệu lượt khách tham quan lưu trú như mục tiêu đề ra mà còn tạo nên sự chuyển biến mới, làm tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.
VĨNH LỘC