Kỳ vọng du lịch Tây Giang

HOÀNG LIÊN 03/07/2018 09:14

Huyện miền núi Tây Giang đang dồn quyết tâm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ với kỳ vọng tạo đà phát triển du lịch.

Tổ dệt thổ cẩm truyền thống do Công ty Việt Thiên Phú tổ chức. Ảnh: H.L
Tổ dệt thổ cẩm truyền thống do Công ty Việt Thiên Phú tổ chức. Ảnh: H.L

Nhận diện trở ngại

Sở hữu hệ sinh thái rừng hoang sơ, quyến rũ như rừng cây pơ mu, đỗ quyên, rừng lim cổ thụ…, Tây Giang đang từng bước đưa vào khai thác du lịch. Trong đó, hơn 50ha rừng đỗ quyên được xem là điểm nhấn với lễ hội hoa đỗ quyên định kỳ được tổ chức. Không chỉ có ưu thế về thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, Tây Giang cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa tộc người Cơ Tu. Đây là yếu tố để địa phương này ưu tiên đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao. Có thể kể đến làng văn hóa thôn Pơ’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), các thôn của xã A Nông, làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn biên giới Ch’nốc (Ch’Ơm)…

Tuy giàu tiềm năng, song ngành du lịch Tây Giang vẫn chưa phát triển xứng tầm. Ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VH-TT huyện chia sẻ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Tây Giang gần đây có nhiều bước phát triển song vẫn còn đó những khó khăn nhất định. Trên địa bàn vẫn còn thiếu phòng lưu trú, không đủ đáp ứng phục vụ khách vào các dịp cao điểm nghỉ dưỡng mùa hè, lễ tết hoặc cuối năm. Người dân - những chủ thể của du lịch cộng đồng chưa có cơ hội trải nghiệm hoạt động du lịch về văn hóa, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ du lịch, đón tiếp khách. Dù số lượng khách du lịch đến với Tây Giang có tăng, song vẫn chưa tạo ra nguồn thu từ du lịch cho địa phương, cho cộng đồng. Ngay cả khu du lịch Đỉnh Quế, tiềm năng vẫn chưa được khơi thông khi thiếu sự kết nối tour tuyến, dịch vụ còn đơn điệu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng…

Ông Ploong Plênh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch huyện Tây Giang cho rằng, những khó khăn trên xuất phát từ nguyên nhân huyện có xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ lưu trú, hạ tầng giao thông yếu kém. Năm 2017, Tây Giang đón tiếp 10.000 lượt khách đến nhưng chủ yếu là đi phượt, đi xe địa hình, trải nghiệm thiên nhiên. Người dân vẫn chưa có thói quen làm du lịch hay sống nhờ vào du lịch, trừ một số hộ mở khu du lịch Đỉnh Quế bước đầu khai thác có hiệu quả. “Để du lịch phát triển, cần có thời gian 10 năm, 20 năm, thậm chí vài chục năm, chứ không phải là chuyện một sớm một chiều” - ông Ploong Plênh nói.

Quyết tâm làm du lịch

Nhận ra những lợi thế về thiên nhiên, bản sắc, giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, ngày 10.9.2014 Huyện ủy Tây Giang ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HU về thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với kỳ vọng xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 17 đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân trong huyện về định hướng phát triển du lịch để phát triển kinh tế. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Tây Giang trở thành một trong những vùng trọng điểm du lịch phía tây đất Quảng. Huyện cũng chú trọng việc liên kết nội vùng, liên kết với những điểm du lịch có đông du khách như phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, cả việc liên kết thu hút du khách Lào ở bên kia biên giới. “Đặc biệt, Nghị quyết 17 thể hiện sự quyết tâm, mạnh dạn của huyện trong việc bảo tồn phát triển văn hóa, lấy văn hóa để giữ rừng, giữ rừng để làm du lịch. Nhờ đó Tây Giang vẫn giữ được những khu rừng đặc trưng không nơi nào có được” - ông Ploong Plênh chia sẻ.

Điểm dừng chân Đỉnh Quế, Tây Giang. Ảnh: @ngantran1695
Điểm dừng chân Đỉnh Quế, Tây Giang. Ảnh: @ngantran1695

Ông A Rất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, để tạo đà phát triển du lịch, mới đây huyện đã tổ chức đoàn khảo sát tại các thôn Ariêu, Abanh 2 của xã Tr’Hy và một số nơi có đặc trưng khí hậu, môi trường, bản sắc văn hóa… để đưa vào danh mục các điểm phát triển du lịch của huyện, tỉnh để có hướng đầu tư. Địa phương cũng tạo điều kiện cho các đoàn chuyên gia, nhà khoa học đi khảo sát thực địa cánh rừng pơ mu, đỗ quyên, lim nhằm thiết lập hồ sơ, đề nghị công nhận rừng di sản, cây di sản, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, tạo thương hiệu cho du lịch Tây Giang. Huyện còn tổ chức đoàn đi thực tế tìm hiểu cách làm du lịch ở các tỉnh, huyện vùng cao phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm; đưa con em địa phương đi đào tạo nghiệp vụ làm du lịch…

Hiện nay, tại xã A Tiêng đang hình thành khu nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty Việt Thiên Phú đầu tư trên diện tích 50.000m2, với 75 căn biệt thự theo kiểu nhà truyền thống, tổng vốn đầu tư 188 tỷ đồng. Tại làng truyền thống Cơ Tu (trung tâm huyện Tây Giang), Công ty Việt Thiên Phú cũng thành lập tổ dệt thổ cẩm truyền thống cộng đồng, bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho 5 thành viên. Hay như tại khu vực đèo xã Tr’Hy giáp với xã Lăng, có 12 nhà sàn đang được đầu tư xây dựng nhằm tạo điểm nhấn phát triển du lịch sinh thái vùng… Hy vọng, từ sự vào cuộc quyết liệt trên, ngành du lịch Tây Giang sẽ có được sự phát triển vượt bậc trong tương lai.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng du lịch Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO