Một chương trình được kỳ vọng sẽ tìm lại danh phận cho những sản phẩm làng nghề - thứ “hàng Việt” vốn đã có tuổi tên hàng trăm năm. “Mỗi xã phường một sản phẩm” – đúng như tên gọi, đang bắt đầu tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm bản địa có thế mạnh ở địa phương…
TINH THẦN KẾT NỐI
Hơn 160 sản phẩm riêng có của địa phương, Quảng Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng, thế mạnh để dạn dĩ bắt đầu OCOP - chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Hồi sinh…
Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba - người phục hồi và sáng chế ra loại lồng đèn quả trám bọc vải, vẫn nhớ như in những ngày đầu, sau một thời gian dài im vắng trên thị trường, lồng đèn Hội An được chào đón như một loại “đặc sản”. Phục chế và tạo dáng cho chiếc lồng đèn truyền thống thành chiếc đèn bọc vải có thể xếp gấp gọn gàng và dễ dàng mang đi xa, ngay lúc Hội An phát triển mạnh du lịch, người nghệ nhân này trở thành “ân nhân” của một loại sản phẩm đặc trưng phố Hội hiện tại. Là chủ của một trong những xưởng làm đèn lồng lớn ở phố Hội, nghệ nhân Huỳnh Văn Ba cũng đã từng được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn này. Hiện, những người con của ông vẫn tiếp tục “cơ nghiệp” của cha mình với những chiếc đèn lồng độc đáo, sáng tạo dựa trên nền tảng mà ông Ba đã hình thành nên.
Lồng đèn Hội An - một sản phẩm thành công nếu vận hành theo tinh thần của OCOP.Ảnh: L.Q |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, chia sẻ: “Thời điểm bắt đầu khởi sắc nghề làm lồng đèn ở Hội An là từ những năm 1990 - 1995. Lúc này Hội An vẫn chưa có nhiều khách du lịch. Nhưng kể từ khi là Di sản thế giới, khách về đông đúc, việc hình thành những loại sản phẩm lưu niệm cũng bắt đầu được chính quyền và người dân để tâm. Ban đầu việc sản xuất được khôi phục ở một vài gia đình với các loại lồng đèn truyền thống như đèn ông sao, bánh ú, kéo quân, đèn xếp... Dần dần, do nhu cầu mua sắm ngày càng cao nên nghề được mở rộng, phát triển ở nhiều hộ gia đình”. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba chính là người có công đầu để câu chuyện sản xuất đèn lồng thủ công ở Hội An trở thành một loại hình nghề nghiệp thu hút rất đông người dân phố cổ. Ông Sơn nói thêm, hiện tại nghề làm lồng đèn ở Hội An đã vượt ra khỏi một nghề thủ công của địa phương, bởi ngay từ năm 2013, sản phẩm này đã được cấp chứng thư “Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam thực hiện và lọt vào “Top 50 Thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013”.
Chương trình quốc gia OCOP được thực hiện theo 3 nguyên tắc: hành động địa phương đến toàn cầu; tự lực tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Đối tượng thực hiện gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ với các chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Phạm vi triển khai là toàn bộ khu vực nông thôn, khuyến khích thực hiện chương trình ở khu vực đô thị (phường, thị trấn). |
Kể câu chuyện hồi sinh của đèn lồng Hội An, để thấy rằng ngay từ những năm 2000, Quảng Nam đã có những “thương hiệu” sản phẩm để “gây nhớ thương” về vùng đất. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, Quảng Nam sở hữu rất nhiều lợi thế để phát triển chương trình OCOP. “Hiện tại chúng tôi đã khảo sát và con số thu được là chúng ta có tới hơn 160 sản phẩm, thuộc 6 nhóm, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, đã có 30 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 36 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu hàng năm của các sản phẩm khoảng 350 tỷ đồng” - ông Lợi nói. Ngay ở câu chuyện sản phẩm làng nghề của Hội An, từ chiến lược phát triển du lịch đã kích hoạt để sản phẩm truyền thống tìm lại chỗ đứng cho mình. Thị trường được mở rộng, sản phẩm theo chân du khách xuất ngoại. “Hàng năm Quảng Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, trong đó hơn 50% là khách quốc tế, doanh thu du lịch hàng năm đạt hơn 2.500 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch hơn 6.000 tỷ đồng… Đây chính là những lợi thế để phát triển sản phẩm thủ công truyền thống, nếu biết nắm bắt cơ hội” - ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận.
Kết nối từ OCOP
Quảng Nam không phải là địa phương lạ lẫm với câu chuyện “mỗi xã phường một sản phẩm”. Năm 2008, JICA hỗ trợ triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) tại Việt Nam, và Quảng Nam được chọn là một trong 8 địa phương thực hiện. Dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và sản phẩm nông nghiệp bắt đầu được quan tâm từ đây. Ông Fumio Kato - Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, luôn nhấn mạnh rằng Quảng Nam có đủ đầy điều kiện để đưa sản phẩm thủ công và nông nghiệp trở thành một giá trị kinh tế ngang bằng với công nghiệp và các ngành thương mại. Ở đó, nếu theo tinh thần của “Mỗi làng một sản phẩm” mà Nhật là quốc gia tiên phong, thì sự thành công là điều hẳn nhiên. Và Quảng Nam với những sự phát triển đang mạnh mẽ, hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào OCOP để đưa khu vực nông thôn phát triển bền vững, hạn chế di dân từ khu vực này đến thành thị…
Vậy OCOP nếu triển khai tại Quảng Nam thì cần những điều kiện gì? Tháng 12 này, Sở NN&PTNT sẽ trình đề án xây dựng chương trình này với những kế hoạch phù hợp cùng thế mạnh và bản sắc của mỗi địa phương, theo chia sẻ của ông Mai Đình Lợi. Quan trọng nhất, theo tiêu chí xây dựng OCOP đã thành công ở một số tỉnh thành, vẫn là sự kết nối mang tính bền vững giữa các hộ dân, cộng đồng với trọng tâm là tạo nên chuỗi hàng hóa từ những sản phẩm đa dạng, mới mẻ, chất lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. “Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Đồng thời xây dựng các “cửa hiệu đắt khách, sản phẩm đắt hàng” nhằm định hướng sản phẩm đặc trưng hay thiết lập các cửa hàng phân phối và bán sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam, hay tổ chức hội chợ “mỗi xã phường một sản phẩm” để kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ… sẽ là những phần việc cần phải làm tốt bên cạnh việc phát triển một số vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền theo tinh thần của OCOP” - ông Thanh nói.
Theo ông Mai Đình Lợi, OCOP không chỉ trọng tâm xây dựng nên những chuỗi sản phẩm thủ công “sờ nắm” được, mà còn có các sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa trở thành “đặc sản” của địa phương. Lại dẫn câu chuyện những sản phẩm du lịch từ Hội An và cho rằng, chính những mô hình phát triển du lịch từ hộ cá thể này sẽ là “mô hình mẫu” để hướng đến “mỗi xã một sản phẩm” trong tương lai, hoặc kết nối nhiều xã - nhiều địa phương để hình thành nên vùng sản phẩm, ông Mai Đình Lợi nói thêm, OCOP sẽ tập trung vào 2 vấn đề: phát triển sản phẩm và phát triển hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm. Trên cơ sở những sản phẩm đã có tại địa phương, Quảng Nam không quá khó để thực hiện chương trình này trong thực tế…
NGƯỜI DÂN LÀM CHỦ THỂ
Tại hội thảo quốc gia góp ý xây dựng đề án OCOP vừa tổ chức tại TP.Huế, rất nhiều những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai OCOP cũng như chính từ các địa phương trong nước đã được chia sẻ, đề xuất để góp phần đưa OCOP đi vào thực tế dễ dàng…
Nghề dệt tại làng lụa Mã Châu vẫn sản xuất cầm chừng. Ảnh: LQ |
Sản phẩm xuất sắc, vẫn chưa đủ. Năng lực điều hành sản xuất, hoạt động xúc tiến thương mại… nếu chưa đáp ứng vẫn dễ dàng cuốn người sản xuất vào vòng xoáy khủng hoảng. Chưa kể, những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn vẫn còn mang tính hình thức. PGS-TS.Trần Văn Ơn - chuyên gia về cây dược liệu cho rằng: “Nguyên nhân chúng ta chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất ở quy mô các hộ gia đình, coi đây là trọng tâm để triển khai các dự án “ngoại sinh” như cho giống mới, kỹ thuật mới, vay vốn để sản xuất... Việc sản xuất theo kiểu định hướng như vậy đặt các hộ sản xuất vào thế quá khó, đó là buộc họ phải thực hiện chức năng đầy đủ của một doanh nghiệp: Từ quản lý vốn, tổ chức sản xuất, đến nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tiếp thị... Kết quả thường thấy là điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Trong khi vấn đề này chưa được giải quyết thì các hộ nông dân lại phải đối mặt với các thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập khi hàng hóa của nước ngoài với giá rẻ, chất lượng tương đối tốt tràn ngập thị trường”. Trong khi đó, vùng nông thôn có rất nhiều cơ hội, mỗi vùng miền khác nhau đều có các sản vật riêng của mình. Đó chính là những sản phẩm mà không thể có loại “hàng nhái” ngoại nhập. Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Đây là cái chúng ta có mà các “đại gia”, các doanh nghiệp xuyên quốc gia không có. Vậy tại sao ta cứ phải sản xuất những thứ lạ lẫm mà không dựa trên lợi thế so sánh của chính mình? Nhưng lại tiếp tục nảy sinh vấn đề, đó là khi chúng ta chưa thể kiểm soát được các chuỗi nông sản đặc sản thì cả người bán và người mua đều có khả năng chịu thiệt. Do vậy, một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng của địa phương, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị như OCOP, là rất cần thiết”.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, OCOP đã là một chiến lược quốc gia với hàng loạt chương trình khuyến khích cộng đồng địa phương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để cấp chứng nhận thương hiệu. Sau đó, các quốc gia sẽ bắt tay vào chiến lược hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu. Lại nói chuyện về lụa, khi Việt Nam vẫn chưa có bất cứ kế hoạch nào cho câu chuyện dựng xây một sản phẩm dấu ấn quốc gia, thì tại Thái Lan, một chương trình “Thaisilk magic” để hướng dẫn các làng nghề và những người ươm tơ dệt lụa đều có thể tạo ra những điều kỳ diệu cho sản phẩm lụa của mình. Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” do Thủ tướng Thái chủ trì, mang các sản phẩm lụa này vào không gian bán hàng tuyệt hảo của họ, xuất hiện ở tất cả vị trí đắc địa nhất, từ trung tâm thành phố đến sân bay và khách sạn hạng sang. Ngay cả ở Bảo tàng mỹ thuật Prada của Tây Ban Nha - nơi được đánh giá là bảo tàng hàng đầu thế giới lại có bày bán một dòng lụa của Thái, vì quốc gia này đã gầy dựng được thương hiệu chất lượng của riêng mình.
Hay kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản - quốc gia tiên phong và rất thành công với OCOP. Ông Fumio Kato - Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, cho biết: “Ở Nhật Bản, từ những năm 1980, để giải quyết những khó khăn, Morihiko Hiramatsu đã khởi xướng phong trào “mỗi làng một sản phẩm” đầu tiên ở tỉnh Oita. Theo đó, mỗi làng, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của mình lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng, có tiềm năng tiếp cận thị trường để phát triển. Trong phong trào này, người dân là chủ thể chính thực hiện, còn chính quyền đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực… OVOP được thực hiện thành công ở tỉnh Oita và lan rộng trên khắp Nhật Bản, tạo một động lực lớn trong phát triển vùng nông thôn. Có khoảng 40 quốc gia đã học tập OVOP Nhật Bản và triển khai một cách sáng tạo ở đất nước mình”.
Ngành nghề truyền thống có những giá trị riêng. Linh hồn của văn hóa truyền thống sẽ làm nên những cảm hứng cho một nền kinh tế bền vững. Trên tinh thần đó, OCOP trải rộng với tất cả ngành nghề ở nông thôn, xây dựng nên những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, có đặc trưng và giữ lấy niềm tin của người theo nghề. Hẳn, nếu làm được như vậy, OCOP sẽ làm được một cuộc hồi sinh cho những giá trị Việt…
NHỮNG THÁCH THỨC
OCOP vẫn chỉ là một phong trào nếu tự thân Quảng Nam không bứt ra được vòng luẩn quẩn “nguyên liệu - sản phẩm - thị trường” vốn đã gây khó nhiều năm nay cho các nhóm, hộ làm nghề…
Hội chợ sâm Ngọc Linh - một phiên chợ sau này sẽ được nhân rộng ở các sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam . Ảnh: Phương Thảo |
Câu chuyện lình xình của Khaisilk quanh cái nhãn mác khiến những người kinh doanh sản phẩm truyền thống phải giật mình nhìn lại. Cả chính quyền địa phương lẫn người tiêu dùng lâu nay đều như bị rơi vào “ma trận” với những loại hàng hóa đặc biệt này. Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dệt lụa Mã Châu (Duy Xuyên ) - vẫn phải thừa nhận lụa Việt “hàng thật” 100% sợi tơ tằm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng loạt sản phẩm đang bày bán trên thị trường. Cả những ông chủ lớn trong ngành này, như Hồ Viết Lý (dệt Toàn Thịnh), Nguyễn Thành Sang (dệt Phước Thịnh) – những người con của Quảng Nam khá có tên tuổi ở thị trường này, vẫn phải kêu trời vì khó. “Các công ty dệt của Việt Nam đang ngày càng teo tóp vì cuộc chiến không cân sức, không công bằng về điều kiện thương mại với lụa Trung Quốc. Chúng ta vốn đã bị lép vế, lại có thêm những “Khaisilk” ra sức tiếp tay với hàng lụa “hồn Trương Ba da hàng thịt” đầy thị trường” - ông Nguyễn Thành Sang nói. Bắt đầu từ nguyên liệu cho sản xuất, ngay cả bản thân người làm nghề cũng không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Người dân làng lụa Mã Châu từ hơn chục năm nay quay qua dệt công nghiệp từ sợi bông. Khó từ giá cả cho đến nguồn cung nguyên liệu truyền thống, dẫn đến khó ngay cả ở thị trường thành phẩm.
Vấn đề này cũng được xem là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công may mặc khi việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất ngày càng khó. “Lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh là dệt may, da giày, dù đã có hẳn chiến lược phát triển nguyên liệu để cung ứng sản xuất nhưng suốt bao năm nay ngành này cũng phải nhập 60 - 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc” - một doanh nghiệp sản xuất may mặc lớn cho biết. Câu chuyện nguyên liệu tại chỗ được xem như cái khó đầu tiên cho hầu hết hộ, nhóm, doanh nghiệp sản xuất. Hiện tại ngành thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt ở các địa phương khác cũng như từ dòng sản phẩm ngoại nhập. Nếu các làng nghề không thay đổi công nghệ, nhạy bén với thị trường thì rất khó để nắm bắt cơ hội. Cùng với đó, quy hoạch nguyên liệu nhiều lần được các làng nghề cũng như địa phương đề cập. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn chưa làm được quy hoạch về vùng nguyên liệu cho các làng nghề.
Trong khi đó, việc gắn con dấu xác thực “Craft in Quảng Nam” trên các sản phẩm truyền thống vẫn chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng người làm nghề. Câu chuyện thương hiệu tiếp tục được đặt ra, không chỉ với các sản phẩm ở nhóm thủ công mỹ nghệ. Mới đây, cam Ga Ri (Tây Giang) xuất hiện trên thị trường nội tỉnh, và nhiều người giật mình vì loại sản phẩm như vậy đến bây giờ mới được biết tới, với giá thành gần như chỉ bằng một nửa giống cam Vinh (Nghệ An) đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Chưa kể, rong mứt Tam Hải, mực nái Núi Thành, mực cơm Bình Minh, thanh trà Tiên Phước, ba kích tím, nấm lim xanh… gần như chưa có nhãn mác hàng hóa hay được tạo lập để xây dựng “thương hiệu”. Xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chưa được các cơ quan có trách nhiệm cũng như những chủ cơ sở sản xuất ở các địa phương quan tâm đúng mức. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm cách xây dựng thương hiệu để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn thì tại không ít nơi dù đã có thương hiệu sản phẩm nhưng việc sản xuất không đủ sản lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường. “Muốn nâng cao hiệu quả kinh tế thì phát triển sản xuất phải gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và ngược lại khi đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm thì nhất thiết phải tập trung đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nếu không, tại các vùng quê, làng nghề của tỉnh sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu sản phẩm” - ông Muộn nói.
Thêm vào đó, chuyện truyền nghề, đào tạo thợ trẻ còn lắm những khó khăn, không có lao động tại chỗ, chưa kể thị trường cho sản phẩm vẫn là chuyện “đau đầu”… khiến việc bắt đầu OCOP ở Quảng Nam xem chừng phải đi một hành trình dài…
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN