(Xuân Nhâm Dần) - Kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Những động thái đầu tiên được triển khai tại các doanh nghiệp du lịch đã mở ra kỳ vọng về sức lan tỏa của kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Bước khởi đầu
Trước năm 2020, trung bình mỗi năm La Siesta Hoi An Resort & Spa thải ra đến hơn 210 nghìn túi ny lon, quy ra khoảng 3,5 tấn rác thải, khiến khách sạn tốn hàng trăm triệu đồng cho chi phí mua vật liệu và xử lý rác thải, chưa kể tác động đến môi trường. Hiện nay, đơn vị đã chuyển sang sử dụng túi vải, nhiều vật dụng khách sạn khác cũng được thay thế bằng sản phẩm “xanh”.
Còn với An Villa, từ khi tham gia chương trình tập huấn chia sẻ về tuần hoàn rác thải do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức, rác thải ở đơn vị được phân loại thành 8 nhóm và tùy từng loại sẽ được xử lý tuần hoàn một cách tối đa để giảm phát thải ra môi trường.
“Việc phân loại đang được áp dụng với phần rác thải nội bộ, khu nhà hàng và khách thuê dài hạn. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng với khách lưu trú ngắn ngày. An Villa cũng sử dụng các sản phẩm thân thiện từ đầu vào để giảm tối đa các phát sinh rác, cũng như tác nhân tác động đến sức khỏe” - bà Nguyễn Thanh Tâm (quản lý An Villa) chia sẻ.
Kinh tế tuần hoàn là công cụ giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và môi trường.
(Ông Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn)
Tại Hội An, thời gian qua có thêm hàng chục doanh nghiệp du lịch chuyển đổi sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Trong cơ cấu rác thải của Hội An thì rác phát sinh từ cộng đồng dân cư chiếm 45%, còn từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 40%. Nhiều loại hình phục vụ giải khát mang đi, kể cả ngồi tại chỗ đã dùng ly nhựa, phát sinh nhiều thải rác.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đang xây dựng hệ sinh thái tái chế, trong đó củng cố, mở rộng các đơn vị tái chế, thúc đẩy sáng kiến khởi nghiệp, phát triển mạng lưới liên kết vùng và xây dựng nền tảng số. Du lịch Quảng Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ có 100 doanh nghiệp (trong đó 50% là doanh nghiệp lớn) cam kết giảm rác thải.
Năm 2019, Thành ủy Hội An đã ban hành Chỉ thị 15 tăng cường kiểm soát, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, tiếp tục chủ trương phân loại rác tại nguồn. Từ đó, Hội An đã xây dựng chương trình hành động cụ thể qua từng năm.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, UBND TP.Hội An ban hành các chương trình hành động để triển khai một số mô hình, giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, văn phòng xanh, không sử dụng chai nhựa trong phòng họp; cơ sở lưu trú nói không với túi ny lon; không sử dụng ngân sách mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần; hỗ trợ khuyến khích kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần...
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An cho hay, thành phố đang triển khai xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ tham gia của doanh nghiệp, trên cơ sở đó công bố rộng rãi kết quả hướng đến doanh nghiệp xanh. Xây dựng phương án triển khai sản phẩm du lịch “Hội An - điểm đến xanh”... Đến năm 2025, Hội An đặt mục tiêu hoàn thành việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cần cơ chế cụ thể
Kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020, tuy nhiên vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể.
PGS-TS.Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế tuần hoàn là công cụ giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và môi trường. Đặt trường hợp cụ thể về việc phát triển du lịch ở Hội An khi chưa có dịch Covid-19 gặp sức ép lớn về môi trường, tăng trưởng nóng.
Quảng Nam bước đầu tiếp cận du lịch xanh như vậy là rất tốt, nhưng đó chỉ mới là một số sản phẩm thân thiện với môi trường, còn nhìn dưới góc độ kinh tế tuần hoàn thì chưa đầy đủ.
Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi tính hệ thống và liên quan ở nhiều cấp độ, có nhiều giải pháp vĩ mô thì mới triển khai được.
“Việc dùng sản phẩm xanh chưa hẳn đã là kinh tế tuần hoàn. Chúng ta không chỉ nhìn thấy sản phẩm thân thiện với môi trường, mà phải nhìn vòng đời sản phẩm được sản xuất như thế nào, chất liệu hiện có gốc gác từ đâu, các đơn vị cung cấp có tuân theo giá trị, sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường không” - ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.
PGS-TS.Nguyễn Hồng Quân đề xuất, việc phát triển kinh tế tuần hoàn phải có sự góp sức, hỗ trợ rõ ràng từ chính quyền. Đơn cử như việc có thể xem xét hỗ trợ lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chính sách của địa phương.
“Chúng ta phải coi kinh tế tuần hoàn với địa phương là một giải pháp có tính chất chiến lược, từ đó đưa vào nghị quyết, đưa vào chương trình hành động cụ thể thì có quyết tâm và động lực làm được” - PGS-TS.Nguyễn Hồng Quân nói.
Hội An đã có một số chỉ tiêu khá cụ thể về kinh tế tuần hoàn, nhưng để lan tỏa trước hết cần có giải pháp, chuyển động rõ ràng hơn ở khía cạnh gắn kinh tế tuần hoàn với du lịch cũng như tiếp tục nghiên cứu lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào một số chủ trương liên quan đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch; lồng ghép vào giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; đề án liên quan đến chuyển đổi số…