Chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Nhật hoàng Akihito từ ngày 16 - 19.3.2014 nhận được sự quan tâm tích cực từ dư luận Nhật Bản và nhiều trang báo quốc tế khác…
HẦU hết các báo đều nhận định, chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Việt - Nhật đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong buổi họp báo trước chuyến thăm, ông Koichi Mizushima - Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định, Chính phủ Nhật Bản hết sức vui mừng được đón Chủ tịch Trương Tấn Sang với tư cách là quốc khách của Nhật Bản.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới. |
Chuyến thăm xã giao này còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Một trang mạng của Indonesia cho rằng, Nhật Bản hiện được biết đến như một nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới và là nguồn đầu tư tài chính, công nghệ hàng đầu cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Điều này giúp Nhật Bản trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng lớn, và là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển của khu vực. Trang điện tử Indiatimes.com của Ấn Độ và tờ Bưu điện buổi sáng Hoa Nam (South China Morning Post - Trung Quốc) đã viết, những năm gần đây, trao đổi thương mại Việt - Nhật liên tục tăng trưởng mạnh mẽ với những kết quả đáng ghi nhận. Nhật Bản là bạn hàng thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 25,163 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,581 tỷ USD (tăng 4% so với năm 2012), nhập khẩu đạt 11,582 tỷ USD (giảm 0,2%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm 2014, đạt khoảng 4,02 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật. Hơn nữa, Nhật Bản và Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán tích cực Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại được đánh giá là tiêu biểu của thế kỷ 21 với mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế cũng như thiết lập một mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực.
Nhật Bản hiện là nước cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Kể từ khi nối lại ODA năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã dành cho Việt Nam hơn 2.100 tỷ yên vốn ODA (tương đương khoảng 21 tỷ USD), chiếm 30% tổng cam kết ODA cho Việt Nam của cộng đồng quốc tế. Ông Shiromoto Masaru, Phó ban bình luận, kênh truyền hình công NHK - Nhật Bản nói: “Nhật Bản kỳ vọng hai điểm từ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Thứ nhất là hợp tác kinh tế. Việt Nam là thị trường quan trọng của Nhật Bản và các chương trình hợp tác với Việt Nam cũng đem lại lợi ích cho Nhật Bản. Thứ hai, Nhật Bản muốn thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia thân thiện như Việt Nam để có chung tiếng nói trong các vấn đề quốc tế cùng quan tâm”.
QUỐC HƯNG