Những ngày này, tàu cá trên địa bàn tỉnh nối nhau ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm với nhiều kỳ vọng thành công mùa biển mới.
Nhiều kỳ vọng
Sau khi thực hiện chuyến biển “xuyên tết”, cập bờ bán hải sản chưa lâu, tàu cá QNa94545 của ngư dân Nguyễn Thanh Vương và Đỗ Thanh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) nạp nhiên liệu, mua đá cây, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và xuất bến vào ngày 27.2 (16 âm lịch).
Anh Vương cho biết, ngày 20.2 (mùng 9 tết), sau 20 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa với 15 bạn biển, tàu cá QNa-94545 cập bờ bán 25 tấn hải sản, chủ yếu cá ngừ và cá nục. Sau khi trừ chi phí, mỗi chủ tàu thu được gần 150 triệu đồng, mỗi bạn biển thu được xấp xỉ 15 triệu đồng.
“Bám biển xuyên tết, chúng tôi thu được thành quả lớn, rất phấn khởi. Sau vài ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa. Chuyến “mở biển” đầu năm kỳ vọng sẽ sản xuất an toàn và bội thu hải sản” - anh Vương chia sẻ.
Hầu hết ngư dân trên địa bàn tỉnh đã “mở biển” vào cuối tuần qua. Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, toàn xã có hơn 150 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, hơn 10 tàu cá sản xuất xa bờ bằng các nghề lưới rê hỗn hợp, lưới vây, lưới chụp... Năm 2020 sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn đạt hơn 7.500 tấn, vượt gần 500 tấn so với mức bình quân trong nhiều năm qua.
“Rất đáng mừng khi nhiều chủ tàu sản xuất ven bờ sau thời gian dài tích lũy vốn liếng đã đóng được tàu cá lớn để khai thác hải sản ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi luôn động viên ngư dân tuân thủ Luật Thủy sản để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản” - ông Siêm nói.
Ở huyện Thăng Bình, ngư dân cũng đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để mở đầu năm sản xuất mới, nhất là các tàu cá khai thác xa bờ như lưới vây, lưới chụp, câu mực khơi.
Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, địa phương đã động viên ngư dân phối hợp chặt chẽ bám biển an toàn theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Chính quyền xã cũng khuyến cáo ngư dân trang bị máy liên lạc tầm xa, tầm trung và tầm ngắn để gọi điện, trao đổi, nhận tin báo diễn biến thời tiết trên biển cũng như phối hợp cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống không may.
“Nhờ tích cóp lâu dài nên ngư dân trên địa bàn đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như máy dò cá đứng, máy dò cá ngang, máy định vị, định dạng nên sản xuất ngày càng thuận tiện hơn. Chúng tôi khuyến khích ngư dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để tăng năng lực đánh bắt hải sản” - ông Tới cho hay.
Hỗ trợ ngư dân
Chú trọng chế biến sâu hải sản
Một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương có nghề cá trên cả nước thực hiện là chế biến sâu hải sản, phục vụ đa mục tiêu. Cụ thể, bên cạnh các sản phẩm hiện có, nhà nước sẽ đầu tư cùng với doanh nghiệp phát triển những sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ đa dạng hóa đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường trong nước và xuất khẩu. Để kết nối, tạo dựng bền vững chuỗi hải sản, các địa phương trong đó có Quảng Nam, ngoài chế biến thịt hải sản, cần đẩy mạnh chế biến da, xương, đầu hải sản để phục vụ ngành thực phẩm và dược phẩm.
Là địa bàn trọng điểm nghề cá của huyện Núi Thành, ngư dân xã Tam Quang cần cù, năng động bám biển quanh năm, nhất là ở các vùng biển xa của Tổ quốc. Tuy vậy, do còn nhiều tàu cá chưa đầu tư được hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu PU nên giá trị chuyến biển chưa cao như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang, bội thu chuyến biển là rất quan trọng nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải bảo quản hải sản tốt hơn, tăng giá trị hải sản sau khai thác. Nỗ lực của ngư dân và chính quyền địa phương là tạo chuyển biển phát triển nghề cá theo chiều sâu.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện tại ngư dân toàn tỉnh có hơn 780 tàu cá, chiều dài từ 15m trở lên, đánh bắt hải sản xa bờ. Để tạo động lực, giúp ngư dân kiên tâm bám biển, ngành luôn hỗ trợ thủ tục để giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách đặc thù như hỗ trợ nhiên liệu với mức cao nhất là 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị liên lạc tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS.
Thời gian tới chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển giúp ngư dân chuyển nghề đánh bắt hải sản mới, hiệu quả, hạn chế khai thác hải sản ven bờ, bảo vệ nguồn lợi. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để cập nhật về thiết bị hàng hải tiên tiến, giúp ngư dân sản xuất tốt hơn.
Quảng Nam đặt chỉ tiêu khai thác hải sản năm 2021 đạt hơn 90 nghìn tấn. Để hoàn thành, bên cạnh nỗ lực của ngư dân, ngành thủy sản cần triển khai hiệu quả các chương trình thu mẫu thống kê sản lượng khai thác, theo dõi diễn biến nguồn lợi, ngư trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của trung ương để dự báo chính xác, cung cấp kịp thời các bản tin về ngư trường, nguồn lợi, hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh sản xuất đạt kết quả.