(VHQN) - Chiếm tỷ trọng cao nhất trong thị trường khách quốc tế của du lịch Quảng Nam trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, liệu khách Hàn Quốc có tiếp tục là dòng khách hứa hẹn trong thời điểm du lịch địa phương đang trên đà phục hồi?
Từ thị trường tiềm năng đến chủ lực
Du lịch Quảng Nam từ lúc manh nha phát triển đã định vị khách truyền thống là các thị trường khách phương Tây. Thực tế, lượng khách đến từ các thị trường này cũng áp đảo trong cơ cấu khách quốc tế của tỉnh ở giai đoạn trước 2015. Vào năm 2016, lượng khách Hàn Quốc lưu trú tại Quảng Nam đã vươn lên xấp xỉ bằng lượng khách Úc - Anh - Pháp…
Từ đó đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến từ xứ sở kim chi đã tăng chóng mặt. Đến năm 2019, thị trường này chiếm đến hơn 30% tổng số lượt khách quốc tế (trong tổng số hơn 1,7 triệu lượt khách) lưu trú tại Quảng Nam, thậm chí lớn hơn cả lượng khách 5 thị trường truyền thống hàng đầu Úc - Anh - Pháp - Mỹ - Đức cộng lại.
Qua các con số thống kê, thực ra lượng khách từ các thị trường truyền thống của Quảng Nam không phải sụt giảm đi, mà chỉ tăng trưởng chậm lại bởi sự áp đảo của khách Hàn Quốc. Sự tăng trưởng của thị trường khách Hàn Quốc ở Quảng Nam gần như cũng trùng với thời điểm du lịch Việt Nam phát triển “bùng nổ” vào giai đoạn 2015 - 2019, với đòn bẩy rất lớn từ thị trường Đông Bắc Á.
Điều này đã góp phần thúc đẩy thu nhập xã hội từ du lịch của Quảng Nam tăng trưởng mạnh lên mức hơn 14,5 nghìn tỷ đồng (năm 2019) cũng như các thông số thống kê du lịch ấn tượng khác. Mặt khác, nó cũng tạo ra thực trạng quá tải cục bộ điểm đến cũng như thách thức xói mòn tài nguyên du lịch.
Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, cuối tháng 4 này sẽ có một đoàn famtrip đến từ Hàn Quốc để chính thức khởi động lại việc kết nối thị trường hai phía hậu đại dịch Covid-19.
Hiện rào cản về quy định cách ly phòng dịch ở phía Hàn Quốc cũng thông thoáng hơn cộng với việc Hàn Quốc nằm trong số ít các quốc gia được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam hứa hẹn sẽ giúp lượng khách Hàn Quốc trở lại nước ta sớm phục hồi mạnh mẽ.
Tiếp cận khách Hàn, khó và dễ
Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, khách Hàn Quốc không chuộng sử dụng các mạng xã hội phổ biến toàn cầu. Khách Hàn Quốc rất coi trọng tính chân thực của thông tin và có nhu cầu tìm hiểu thông tin qua các kênh chính thống nơi mà họ sắp du lịch.
Trong khi các thông tin chính thống du lịch Quảng Nam phục vụ chuyên cho thị trường này còn khá hạn chế, lượng hướng dẫn viên có chuyên môn cao về thị trường này cũng khá ít ỏi.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, trong những năm tới Tam Kỳ chỉ đặt trọng tâm xúc tiến thị trường Hàn Quốc. Những năm gần đây, một số đơn vị, tổ chức Hàn Quốc đánh giá rất cao tiềm năng của Tam Kỳ về phát triển du lịch.
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, cũng có đơn vị Hàn Quốc đặt vấn đề khai thác du lịch ở địa đạo Kỳ Anh cùng cam kết sẽ mang đến khoảng 500 khách/ngày nhưng vẫn còn một số vướng mắc nên chưa triển khai được.
Còn theo đại diện đơn vị du lịch Sabirama Hoi An (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), thực tế chi tiêu của phần lớn khách Hàn khi đến Hội An cũng khá cao, không thua kém gì các thị trường Âu - Mỹ. Những sản phẩm họ chuộng nhất thường là xoài, nhàu, mây - tre - đan.
Có thể thấy, du lịch Quảng Nam vẫn còn nhiều dư địa đủ tạo ra sức hút đối với thị trường Hàn Quốc và nếu khai thác hợp lý thì đây vẫn là một trong những thị trường khách quốc tế quan trọng hàng đầu của du lịch địa phương sau đại dịch Covid-19.
Ông Văn Bá Sơn cho rằng, chưa thể đưa ra nhận định chính xác về việc thị trường này có tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong thời gian ngắn sắp tới hay không. Thế nhưng việc phải xúc tiến nghiên cứu rõ hơn văn hóa du lịch của thị trường khách này để khai thác tốt hơn là điều chắc chắn phải làm.
“Có một đặc thù của khách Hàn Quốc là tính dân tộc của họ rất lớn nên bất cứ thứ gì xuất xứ từ chính nước họ thì họ rất ưa chuộng. Trong khi các sản phẩm, dịch vụ hướng tới khách Hàn Quốc ở Quảng Nam, cụ thể là tại Hội An còn khá hạn chế, nếu so sánh với phía Đà Nẵng” - ông Sơn nói.