Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

HOÀNG LIÊN 07/01/2019 02:01

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Quảng Nam đã đạt được thành quả bước đầu. Song rất cần có những cơ chế, chính sách đủ mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa nông nghiệp công nghệ cao phát triển như kỳ vọng. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này.

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Phú Ninh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thành tựu và hạn chế

- PV:Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua?

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam.

- Ông Lê Muộn: Có thể khẳng định, ứng dụng KH-CN là yếu tố quyết định tạo nên chuyển biến tích cực trong tăng trưởng ngành nông - lâm - thủy sản những năm gần đây. Song, nhìn chung, có sự thiếu đồng đều trong ứng dụng KH-CN giữa các ngành, lĩnh vực; lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có phần nổi trội với tốc độ ứng dụng nhanh hơn, hàm lượng tổng hợp các yếu tố KH-CN cao hơn so với thủy sản và lâm nghiệp. Chỉ tính riêng về sử dụng giống mới, so với giống cây trồng nông nghiệp thay đổi nhanh chóng cả về chủng loại, chất lượng giống so với giống cây trồng lâm nghiệp và vật nuôi thủy sản. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nói đến yếu tố giống mới, phải ghi nhận có vai trò và sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc chủ động ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, chọn tạo giống mới, tổ chức sản xuất giống và thương mại hóa thị trường giống, mà nổi bật là sản xuất lúa giống. Quảng Nam có được thành tựu rõ nét trong ứng dụng giống (lúa, bắp…) mới, từng là điểm sáng, nhiều tỉnh thành trên cả nước đến học tập nhờ có các doanh nghiệp lớn trong ngành giống cây trồng làm đầu tàu. Chăn nuôi cũng đạt kết quả tốt trong sử dụng giống mới và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng giúp tăng năng suất rất cao so với trước, nhưng có sự chênh lệch khá xa giữa chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ. Đây là nguyên nhân chăn nuôi Quảng Nam đang thua nhiều tỉnh bạn. Những năm 2000, heo Quảng Nam không chỉ cung ứng cho Quảng Nam, Đà Nẵng mà cả TP. Hồ Chí Minh, nhưng nay heo Bình Định đã đi ngược ra Đà Nẵng, Quảng Nam.

- PV:Thưa ông, đâu là nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trên?

- Ông Lê Muộn: Thứ nhất, chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là hạn chế, rất khó để có những bước nhảy vọt trong ứng dụng KH-CN, nói tới nông nghiệp công nghệ cao lại càng khó. Thời gian tới phải quy hoạch, tổ chức lại một cách bài bản, hệ thống. Đây cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhưng tổ chức sản xuất cần đồng bộ với nguồn nhân lực, mà lo lắng là tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp. Thứ hai, vấn đề hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đang rất khó. Yếu tố nữa là rất khó tìm được doanh nghiệp “đầu tàu” trong nông nghiệp, chủ động khâu liên kết, bao tiêu sản phẩm. Những vấn đề tồn tại, loay hoay trong câu chuyện thị trường, đầu ra, giá cả của nông sản cũng từ đây.

Cần đầu tư bài bản

Thời gian qua, nhiều nghị định của Chính phủ ra đời và phía tỉnh cũng cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù về nông nghiệp, nông thôn. Gần nhất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 45/2018/NQ-HĐND để được hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đề án về tích tụ đất đai, tỉnh đang chờ những sửa đổi các quy định pháp luật về đất đai để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Trước mắt, Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh hỗ trợ theo mô hình, cơ chế khuyến nông, hỗ trợ HTX, hỗ trợ liên kết sản xuất, một phần cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất.
(Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

- PV: Khâu tổ chức, quy hoạch, nâng quy mô sản xuất, chú trọng tích tụ ruộng đất được Sở NN&PTNT định hướng ra sao?

- Ông Lê Muộn: Phải nâng quy mô sản xuất thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất. Tích tụ, tập trung ruộng đất để nâng quy mô sản xuất nông hộ là hướng chủ yếu, bền vững. Đồng thời những vùng ven đô thị, khu công nghiệp, vùng phân bố dân cư thưa ở trung du và miền núi là vùng có điều kiện tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến.

Nhưng tích tụ ruộng đất là câu chuyện lâu dài. Quy mô sản xuất nông hộ phải cỡ 7 - 10ha thì mới có thể làm “ra tấm, ra món” được. Tổ chức sản xuất hàng hóa phải có hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, chứ từng nông hộ khó làm được; phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh các ngành hàng/ sản phẩm nông nghiệp, nhấn mạnh yếu tố thị trường và OCOP đang hướng tới điều này. Như vậy mới có thể phát triển sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất, đóng gói, bao bì, gắn nhãn mác và có thể truy xuất nguồn gốc (QR code, mã vạch), từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên sân nhà và vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.

- PV:Những cơ chế, chính sách hiện nay có đủ sức tạo đòn bẩy cho phát triển chưa, thưa ông?

- Ông Lê Muộn: Bên cạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn, tỉnh cũng đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức độ khác nhau. Sản xuất hạt giống lúa lai F1 có thể xem là mô hình nông nghiệp công nghệ cao sớm nhất của tỉnh. Hiện nay, sản xuất và cung ứng rau, thực phẩm an toàn của các hợp tác xã (HTX) ở Phú Ninh; rau an toàn trong nhà lưới ở Điện Dương, Tiên Phước và Núi Thành; mô hình sản xuất nấm an toàn của HTX Nông nghiệp Thu Bồn; ứng dụng chuồng lạnh, giống lai 3 - 4 máu và quy trình nuôi dưỡng tiên tiến trong chăn nuôi heo… là những ví dụ. Tuy chưa có mô hình nào ứng dụng đồng bộ nhưng các doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp sáng tạo của giới trẻ mạnh dạn ứng dụng internet vạn vật (IoT- internet of thing) để có thể kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng… cây trồng, vật nuôi. Để ứng dụng đồng bộ như một số tập đoàn T&T, Vingroup rất khó, cần nhiều yếu tố (vốn, công nghệ, thiết bị, nhân lực). Song, tôi cũng muốn nhấn mạnh, nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết sử dụng nhà kính, trừ khi cần thiết, để khắc phục những điều kiện sản xuất bất lợi; cần thiết phải có quy định vùng, mật độ được phép làm nhà kính, nhà lưới kiên cố để khắc phục những tác động bất lợi khi diện tích nhà kính tăng trưởng nóng như Lâm Đồng.

- PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO