Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao

Thực hiện chuyên đề: QUỐC TUẤN - TRẦN HỮU 25/03/2018 12:04

Trong xu thế phát triển hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là bước đi tất yếu để thích nghi với các biến đổi về khí hậu, đất đai… cũng như tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tại Quảng Nam, NNCNC mới chỉ chập chững, cần có những kế hoạch cụ thể để bắt nhịp với các địa phương khác.

Sâm và một số cây dược liệu khác là thế mạnh trong phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh.  (Ảnh: Huyện Nam Trà My cung cấp).
Sâm và một số cây dược liệu khác là thế mạnh trong phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Huyện Nam Trà My cung cấp).

KHAI THÁC THẾ MẠNH SẴN CÓ

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều mô hình NNCNC, chủ yếu phát triển, khai thác các thế mạnh sẵn có và bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Điểm sáng

Khảo sát, lựa chọn vùng chuyên canh NNCNC

Đầu năm 2017, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã lên danh sách dự kiến khảo sát khoảng 6.550ha ở 13 địa phương trên địa bàn tỉnh để chọn ra một số địa điểm thuận lợi hình thành vùng chuyên canh NNCNC. Trong đó, tùy theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mà phân bố các mảng ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như Tam Kỳ sẽ phát triển kỹ thuật canh tác không dùng đất, chế biến sản phẩm từ cây dược liệu, sản xuất hoa, rau sạch; Nam Trà My sẽ hình thành vùng sản xuất giống và sâm Ngọc Linh, trong khi Thăng Bình sẽ tập trung nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh… Qua khảo sát, các địa phương trung du như Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh đáp ứng nhiều tiêu chí để phát triển NNCNC, trong khi dải đồng bằng ven biển phía đông cũng là một khu vực hứa hẹn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “NNCNC sẽ được tiếp tục phát triển tại nhiều nơi trên trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trong đó riêng huyện Thăng Bình còn quỹ đất rộng, giao thông thuận tiện, không bị ngập lụt, có khả năng đáp ứng được tới hơn 2.500ha để canh tác, sản xuất”.

Tuy nằm trong vùng có khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhưng thiên nhiên cũng ưu đãi cho Quảng Nam nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp, nhất là canh tác rau quả các loại, dược liệu quý, các vật nuôi đặc sản bản địa và nhiều thủy sản có giá trị. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất NNCNC. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp chú trọng vào một số lĩnh vực chủ chốt như cây dược liệu, lâm nghiệp, rau củ quả hay thủy sản để đẩy mạnh sản xuất NNCNC trong thời gian tới. Điển hình với cây sâm, vào năm 2014 diện tích trồng sâm trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức hơn 65ha, đến nay đã phát triển hơn 1.200ha, trong đó có 6 doanh nghiệp trồng và chế biến sâm với diện tích khoảng 100ha. Trước kia nguồn sâm chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, đến nay huyện Nam Trà My - “thủ phủ” sâm Ngọc Linh bước đầu hình thành được vùng chuyên canh cây dược liệu quý này. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Từ năm 2014 trở về trước, giá sâm chỉ dao động từ 10 đến 20 triệu đồng/kg thì nay đã lên từ 70 đến 200 triệu đồng/kg. Bình quân mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm có thể thu 50 - 70 tỷ đồng”. Các loại dược liệu khác như đẳng sâm, ba kích, sa nhân… cũng đang được khuyến khích canh tác, chế biến thành thương phẩm để nâng cao thương hiệu và nguồn thu nhập cho người dân, doanh nghiệp địa phương.

Với giống nông - lâm nghiệp, theo Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam, qua nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đơn vị đã đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng thành công giống lúa chịu mặn tốt trong vụ hè thu (có thể phát triển tốt ở độ mặn >4‰) và vẫn đạt năng suất từ 50 - 70 tạ/ha ở vùng đông Quảng Nam. Ngoài ra, việc làm chủ công nghệ sản xuất các giống nấm bào ngư trắng, bào ngư tím, linh chi… và phổ biến cho hàng trăm lượt hộ dân, trong đó có nhiều hộ trồng quy mô lớn đã giúp nông dân địa phương mở thêm hướng đi đầy triển vọng trong sản xuất NNCNC. Ông Nguyễn Đình Vương - Giám đốc Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam cho biết thêm: “Hiện nay đơn vị đã thụ tinh nhân tạo thành công các giống bò 3B (Bỉ), trâu Mura (Ấn Độ) giúp cải tạo rất tốt đàn gia súc trên địa bàn tỉnh và sẽ được phát triển thêm trong thời gian tới để tăng chất lượng đàn vật nuôi”.

Những người trẻ tiên phong

Đến nay, vườn rau thủy canh của Bùi Thị Thanh Sương (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) đã trải qua gần nửa năm sản xuất và hoàn thiện. Ngoài diện tích 3.000m2 canh tác theo phương pháp truyền thống, chị Sương đã lắp đặt 200m²  hệ thống sản xuất rau công nghệ cao sau khi tham quan, tìm hiểu mô hình từ tỉnh Lâm Đồng. Qua thực tế, với chiều cao giá đỡ đạt 1,2m, chịu được gió cấp 8 và dễ dàng tháo lắp, vườn rau thủy canh của chị Sương đã vượt qua được mùa mưa bão khắc nghiệt ở vùng đông. “Qua so sánh thực tế canh tác của gia đình, mỗi mét vuông canh tác rau công nghệ cao cho thu nhập cao gấp 3 lần so với phương pháp canh tác thông thường” - chị Sương cho biết. Cũng ở Điện Bàn, đôi bạn Hồ Công Thái và Huỳnh Tiến Sĩ (xã Điện Tiến) đã mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí đến gần 1 tỷ đồng để theo đuổi ước mơ trồng rau sạch bằng phương pháp sản xuất thủy canh và bước đầu gặt hái được kết quả đáng mừng.

Chị Sương - chủ nhân vườn nhiệt đới Kapi với hệ thống rau thủy canh đang phát triển rất tốt.
Chị Sương - chủ nhân vườn nhiệt đới Kapi với hệ thống rau thủy canh đang phát triển rất tốt.

Với doanh nghiệp, Hipaya Organic đã xây dựng được 2 nông trại tại TP.Hội An có tổng diện tích khoảng 2.000m2, cải tạo đất cằn cỗi, nhiễm mặn bằng cách sử dụng phân vi sinh, phân trùn quế cùng các phương pháp hữu cơ khác để sản xuất nông sản theo hướng bền vững, thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Nông trại An Phú (Thăng Bình) lại chọn đầu tư vào nuôi heo trùn quế với quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, sắp tới sẽ quản lý thông số bằng hệ thống điện tử để tạo lòng tin cho khách hàng đối với sản phẩm NNCLC. Ủng hộ tinh thần khởi nghiệp của người trẻ trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nông nghiệp là một trong 3 lĩnh vực được Quảng Nam khuyến khích khởi nghiệp (cùng với du lịch và công nghiệp hỗ trợ) nên các bạn trẻ có kiến thức và khát vọng hãy mạnh dạn phát triển các mô hình NNCNC.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Yên tâm về đầu ra sản phẩm

“Hiện nay, Quảng Nam đã có ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với TP.Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hệ thống các khu công nghiệp, nhà hàng - khách sạn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng là thị trường tiềm năng để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm NNCNC nên người sản xuất có thể yên tâm về đầu ra của sản phẩm”.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Danaco  Quảng Nam: Đề xuất thành lập một tổ chức chuyên ngành

“Khi chúng tôi đi khảo sát dọc các huyện phía tây của tỉnh thì nhận thấy vùng nguyên liệu cây dược liệu của địa phương có tiềm năng vô cùng lớn nhưng rất tiếc hiện sản phẩm được thương mại hóa vẫn còn hạn chế. Chúng tôi hy vọng lãnh đạo tỉnh sẽ chọn khoảng 3 đến 5 doanh nghiệp ở mảng dược liệu có tiềm lực và định hướng phát triển rõ ràng để có chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, có thực tế là doanh nghiệp khó lòng bao hai sân - vừa lo phần nguyên liệu vừa lo sản xuất, nên chúng tôi mong muốn Quảng Nam sẽ thành lập một viện hoặc trung tâm để trực tiếp nghiên cứu phát triển giống, chuyển giao công nghệ, kiểm soát giống và đề xuất nhu cầu sử dụng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có một số hội nghề nghiệp như hội quế, hội sâm… nhưng mới chỉ hỗ trợ về phần đầu ra nên đề xuất như trên là thực sự cần thiết”.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Giám đốc dự án H2O Farm: Cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực

“Việc đi sau nhiều địa phương trên cả nước trong phát triển NNCNC gây một số khó khăn nhất định cho Quảng Nam, tuy nhiên cũng giúp địa phương có thể định hình, chọn lọc các mô hình đã chứng minh sự phù hợp với địa hình, khí hậu đặc thù của miền Trung để ứng dụng vào sản xuất. Phát triển NNCNC là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên chúng ta buộc phải tiếp cận nó nếu không muốn nền nông nghiệp bị tụt lại phía sau. H2O Farm đang nỗ lực nghiên cứu để tiếp tục hạ giá thành lắp đặt hệ thống thủy canh (hiện tại khoảng 700 nghìn đồng/m2) nhằm mở ra cơ hội tiếp cận NNCNC với nhiều cá nhân, tổ chức hơn. Theo tính toán, nếu có đầu ra ổn định, sau khoảng 2 năm canh tác liên tục thì mô hình canh tác rau thủy canh có thể thu hồi được vốn. Tuy vậy, làm NNCNC không thể vội vàng, việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với người trẻ là điều kiện tiên quyết để Quảng Nam hướng đến NNCNC một cách rộng rãi hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Sương - chủ vườn nhiệt đới Kapi (phường Điện Ngọc, Điện Bàn): Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

“Người tiêu dùng hiện nay trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng rất quan tâm đến chất lượng của thực phẩm thường ngày và sẵn sàng chi tiền miễn là được sử dụng thực phẩm sạch. Vừa qua, một khách hàng ở TP.Đà Nẵng đã trực tiếp dùng dụng cụ kiểm tra hàm lượng nitrat (chất có nguy cơ gây ung thư) trong sản phẩm rau trồng từ hệ thống thủy canh của vườn nhiệt đới Kapi và kết quả cho thông số nằm trong giới hạn cho phép nên rất hài lòng. Một minh chứng cụ thể để thấy được sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất công phu, cần sự đầu tư lớn về công sức, tiền bạc nhưng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng”.

MỞ ĐƯỜNG ĐẦU TƯ

Chủ trương của Quảng Nam là khuyến khích đầu tư, phát triển mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhưng hiện nhiều dự án gặp vướng mắc khi triển khai đầu tư loại hình nông nghiệp này.

Trước khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tại xã Tam Đàn (Phú Ninh) đã xây dựng mô hình sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất thành công. Ảnh T.H
Trước khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tại xã Tam Đàn (Phú Ninh) đã xây dựng mô hình sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất thành công. Ảnh T.H

Khuyến khích đầu tư

Nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đến việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên địa bàn tỉnh. Những tập đoàn như T&T, FLC… đã đăng ký các dự án về phát triển NNCNC ở vùng đông huyện Thăng Bình với diện tích đăng ký khoảng 800ha, trong khi Vingroup hay TH Truemilk cũng đang xúc tiến đầu tư trồng, chế biến sâm Ngọc Linh (Nam Trà My). Ở mảng trồng rừng gỗ lớn và công nghiệp chế biến gỗ, nhiều đơn vị đang tiếp tục hướng việc đầu tư vào địa bàn tỉnh bởi nhận thấy tiềm năng. Cuối năm 2017, HĐND tỉnh đã thông qua cơ chế cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, đây cũng là điểm thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư loại hình NNCNC...

Về dự án khu NNCNC có hợp tác, tư vấn từ các chuyên gia Israel, được quy hoạch tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), hiện nay UBND tỉnh vẫn đang trong quá trình kêu gọi, thương thảo với các nhà đầu tư nhưng vướng mắc được xác định là dù có quy mô hơn 130ha nhưng vẫn chưa đủ lớn để phát triển, đầu tư hạ tầng NNCNC. Với dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao tại làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang), sau khi làm việc với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ: “Phát triển NNCNC tại làng thanh niên lập Thạnh Mỹ chủ yếu sẽ hướng vào mảng sản xuất, chế biến dược liệu kết hợp với du lịch”. Với những địa phương còn quỹ đất khá hạn hẹp như TP.Hội An, thị xã Điện Bàn hay huyện Duy Xuyên, chính quyền khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC kết hợp việc sản xuất NNCNC với du lịch hoặc tạo mối liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác… để có đầu ra vững chắc cho sản phẩm.

Trong danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, NNCNC có một số dự án quan trọng như: dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp ở Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành…; dự án trung tâm nghiên cứu phát triển và sản xuất tinh dầu dược liệu từ nguồn thảo dược sẵn có tại các huyện miền núi. Không có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NNCNC với từng mức cụ thể như TP.Đà Nẵng nhưng Quảng Nam cũng sẽ hỗ trợ một phần ngân sách đầu tư hạ tầng, trong đó đặc biệt là việc dẫn nước đủ tiêu chuẩn sản xuất NNCNC từ hồ Phú Ninh về vùng đông ven biển để đồng hành với các doanh nghiệp. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ xem xét lựa chọn một trong hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư đường ống dẫn cấp nước để cụ thể hóa việc hỗ trợ phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh. Với những băn khoăn về mặt bằng từ các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cam kết, sẽ có hai phương án bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư nếu đất trong dự án thuộc quyền sử dụng của người dân, gồm: người dân có thể chuyển nhượng, cho thuê hoặc góp vốn sản xuất NNCNC cùng doanh nghiệp; hoặc được sắp xếp hoán đổi đất tại một vị trí khác có thuận lợi tương tự để hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, NNCNC đối mặt nhiều thách thức về huy động quỹ đất, kêu gọi đầu tư; tiếp cận vốn; giống cây trồng. Liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững. Số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại TP.Tam Kỳ, chủ trương quy hoạch vùng sản xuất NNCNC tại xã Tam Phú với tổng diện tích khoảng 130ha. Các huyện Phú Ninh, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn… chỉ mới quy hoạch vùng NNCNC.

Doanh nghiệp khó tự quyết

Tuy đã được UBND huyện Núi Thành ủng hộ chủ trương đầu tư dự án phát triển nông nghiệp sạch (NNS) của công ty mình, nhưng ông Đỗ Quang Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - thương mại 104 (có trụ sở tại TP.Tam Kỳ) than rằng, hơn một năm qua doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” vì rắc rối về xử lý cây trồng trên đất nhà nước của người dân. Theo ông Vũ, dự án vướng mặt bằng chỉ vài héc ta đất có tài sản cây cối của một số hộ dân. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra bồi thường, nhưng cái khó là chính quyền xã đã gia hạn cho người dân thu hoạch xong cây trồng, rồi mới tính có cho doanh nghiệp thuê hay không. Hiện nay vẫn còn thời gian gia hạn nên người dân chưa bàn giao đất cho chính quyền. Năm ngoái, UBND xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) ra thông báo gia hạn đến tháng 10.2018, yêu cầu 8 hộ dân có rừng phải thanh lý hết số cây trồng, bàn giao lại đất cho xã quản lý. Nguồn gốc đất của các hộ dân đang trồng cây trước đây của Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam đã bàn giao cho địa phương, nhưng vì xã buông lỏng quản lý nên họ lấn chiếm trồng cây. “Hơn một năm qua, chúng tôi chờ đợi người dân thu hoạch keo bàn giao đất cho Nhà nước. Dự án nông lâm tổng hợp của chúng tôi sẽ thuê hơn 21ha đất, nhưng còn vướng vài héc ta nên nằm đó” - ông Vũ nói.

Tại huyện Hiệp Đức, chính quyền luôn có cơ chế thông thoáng kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Hiện có 3 dự án lập thủ tục xúc tiến đầu tư gồm dự án rau củ quả với diện tích 150ha tại xã Thăng Phước, Bình Sơn… của Công ty CP HAPRAS Việt Nam; dự án trồng rừng kinh tế ứng dụng công nghệ cao Công ty TNHH MTV Hòa Hưng tại các xã Phước Gia, Phước Trà, Quế Lưu, Thăng Phước, Bình Sơn; dự án bảo vệ, kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, khai thác du lịch rừng đầu nguồn. Khó khăn lớn nhất của Công ty TNHH MTV Hòa Hưng là tìm kiếm 800ha đất trồng rừng, xây dựng vườn ươm ổn định, kể cả cần hàng nghìn héc ta đất. Để có khu rừng đạt chứng chỉ quốc tế, công ty cần có diện tích đất lớn, được xác lập “chủ quyền” rõ ràng và giải quyết các chế độ chính sách đầy đủ cho người lao động. Tuy vậy, việc được công nhận rừng đạt chứng chỉ quốc tế hay không đòi hỏi có thời gian dài, sự hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của các ngành chức năng. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức khẳng định, phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao vướng mắc chủ yếu do đất đai phần lớn đã giao cho người dân lâu năm sản xuất ổn định. Thực hiện dự án ở trong vùng sâu khó khăn về giao thông, điện. Ví dụ khu Thăng Phước, Bình Sơn chỉ cần có điện, giao thông là triển khai ngay. UBND huyện có đề nghị tỉnh tạm ứng ngân sách 10 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nhưng hồ sơ còn nằm ở các sở ngành của tỉnh. “Tiến độ thực hiện dự án nông nghiệp sạch rất chậm. Ngành nông nghiệp địa phương đề xuất tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án NNCNC. Giá mủ cây cao su còn thấp, đề nghị Công ty Cao su Quảng Nam chuyển một phần diện tích cao su sang áp dựng sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế cao hơn. Nếu công ty không làm, chuyển một phần diện tích cho địa phương để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - ông Viên kiến nghị.

Thực hiện chuyên đề: QUỐC TUẤN - TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO