Người dân vùng đông kỳ vọng vào sự thay da đổi thịt của quê hương khi mới đây Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) quyết định đầu tư xây dựng 2 nhà máy dệt ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ).
Khu công nghiệp Tam Thăng là một trong 5 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, có tổng diện tích 193ha thuộc xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) và một phần của xã Bình Nam (huyện Thăng Bình). Khu công nghiệp Tam Thăng do Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 366 tỷ đồng. Vào cuối tháng 3.2015, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai tổ chức lễ khởi công xây dựng kết cấu hạ tầng và động thổ đường trục chính vào Khu công nghiệp Tam Thăng. Kể từ đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được nhanh chóng triển khai. Chính quyền, mặt trận các đoàn thể của xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động người nhân hưởng ứng, chấp hành chủ trương đền bù và trao trả mặt bằng cho nhà đầu tư. Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết: “Địa phương đã phối hợp với các phòng ban của thành phố đến từng thửa, từng đám đất để tiến hành các thủ tục công khai, rõ ràng và được người dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, các hội đoàn thể ở thôn cũng đã tiến hành tuyên truyền vận động cho người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng khu công nghiệp tại địa phương. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để đảm bảo thi công đúng tiến độ”.
Tập đoàn Panko khởi công xây dựng 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: Q.S |
Đến cuối tháng 7.2015, chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 70ha đất, 1,2km đường và hệ thống điện chiếu sáng theo đường. Bên cạnh đó, thu hút 5 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký đầu tư 150 triệu USD với diện tích đất sử dụng 60ha. Ngày 30.7, Tập đoàn Panko đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy dệt may Panko và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Đây là cộc mốc đánh dấu thành công bước đầu trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng đông Tam Kỳ. Với tổng vốn 70 triệu USD và sử dụng diện tích đất 33,5ha, Tập đoàn Panko sẽ xây dựng nhà máy dệt, sản xuất với quy trình khép kín từ khâu dệt - nhuộm - may thành phẩm. Dự kiến công suất sản phẩm dệt, nhuộm đạt 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm may đạt 75 triệu sản phẩm/năm và phụ liệu 30 triệu sản phẩm/năm. Đối với nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, diện tích 6,6ha, nhu cầu 500 lao động; công suất sản xuất sợi, vải, dệt, nhuộm đạt 4.800 tấn thành phẩm/năm. Đây là hai dự án FDI 100% vốn Hàn Quốc. Khi 2 nhà máy đi vào hoạt động ước lượng sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho khoảng 1.500 lao động của TP.Tam Kỳ và các địa phương lân cận, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Ông Choi Young Joo - Chủ tịch Tập đoàn Panko cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng trung tâm dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, mở các lớp dạy piano, ghita và xây dựng nhà trẻ dành riêng cho con em công nhân viên làm việc tại đây. Chúng tôi sẽ đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho công nhân viên để họ có thể yên tâm làm việc tại công ty”.
Hai dự án trên được khởi công xây dựng đã tạo sự kỳ vọng về phát triển kinh tế vùng đông Tam Kỳ. Từ đó khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Mười (thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng) phấn khởi nói: “Công trình nhà máy dệt được xây dựng trên địa bàn xã đã mang lại cho người dân chúng tôi niềm hy vọng mới. Mong mỏi con em của địa phương sẽ có công ăn việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo”…
QUANG SƠN